Moggi, bố già sân cỏ

Bản án của Tòa án Thể thao Ý hôm 15-7 cho thấy những nghi ngờ về việc cựu tổng giám đốc Juventus Luciano Moggi nắm giữ mạng lưới các HLV, ông bầu các đội bóng nhỏ, trọng tài là nhà báo là có cơ sở

Sinh ngày 13-7-1937 tại Siena, Luciano Moggi khởi nghiệp bằng một chân thanh tra đường sắt cho đến đầu thập niên 1970 khi ông gặp Italo Allodi, lúc đó là Tổng Giám đốc (TGĐ) Juventus. Allodi chỉ định Moggi giữ một chức nhỏ trong ban lãnh đạo Juve. Thấy mình chưa đủ kinh nghiệm, Moggi rời Juve và kinh qua nhiều chức danh lãnh đạo của các CLB nổi tiếng tại Ý như Torino, Napoli, AS Roma và Lazio. Sau đó, ông trở lại Juve năm 1994 và bắt đầu cùng Giraudi – Bagetta tạo thành bộ ba thống trị Serie A.

“Phân công” trọng tài

Để không ai cản được Juve chinh phục Serie A, Moggi nhận thấy việc đầu tiên là phải “bắt tay” với trọng tài. Ông lập một danh sách các “trọng tài thân thiện” qua trung gian là 2 quan chức phụ trách phân công trọng tài – Pierluigi Pairetto và Paolo Bergamo - với người đứng đầu bị tình nghi là Massimo De Santis, “vua áo đen” lẽ ra đã cầm còi tại VCK World Cup 2006. “Bánh ít đi” là các quan chức phân công trọng tài và trọng tài được mua xe Fiat – tập đoàn xe hơi mẹ của Juve – với giá giảm từ 23% đến 50% (thậm chí bạn thân của ông Pairetto cũng được hưởng chính sách ưu đãi này). Dĩ nhiên, phần “bánh quy lại” của Juve rất đáng kể: Luôn có “trọng tài thân thiện” cầm còi những trận then chốt cho Juve và họ luôn đưa ra các phán quyết có lợi cho đội bóng thành Turin, như bỏ qua lỗi và ngó lơ các tình huống lẽ ra Juve bị phạt đền... Cả Serie A gào lên “trọng tài thiên vị”, nhưng không có chứng cứ. Song giờ thì mọi thứ đã rõ.

Thao túng cả bộ trưởng

Nhưng Moggi không chỉ giật dây trọng tài, cựu TGĐ Juve còn là người tổ chức một mạng lưới các HLV, lãnh đạo đội, quan chức LĐBĐ Ý (FIGC) và cả nhà báo. Trong một đoạn băng ghi âm được báo chí Ý công bố, cơ quan điều tra phát hiện cựu Bộ trưởng Nội vụ Ý Giuseppe Pisanu từng nhờ Moggi can thiệp bằng cách “điều” những trọng tài “biết điều” để giúp đội bóng quê hương ông là Sassari trụ lại Serie C2. Trong một đoạn băng khác, Moggi cũng từng hứa giúp đỡ để một trong hai con trai của cựu bộ trưởng tài chính tham gia các trại tập huấn của Juve. Đổi lại, một người bạn của Moggi được bố trí làm ở cơ quan thanh tra tài chính nhà nước.

Cả hai cựu bộ trưởng kể trên đều từ chối hành vi sai trái của mình và rời phiên tòa với bộ mặt đỏ lên vì xấu hổ, tuy không bị kết tội. Tuy nhiên, Aldo Biscardi, MC 75 tuổi nổi tiếng của chương trình bóng đá Il Processo trên truyền hình Ý, không may mắn như vậy. Sau 26 năm, nhà báo này phải từ chức sau khi bị phát hiện tiếp tay cho Moggi thao túng chương trình ăn khách này. “Bố già sân cỏ” của nước Ý – cách giới bóng đá gọi Moggi – đã can thiệp vào chương trình kể trên bằng cách ảnh hưởng đến những khách mời, các trận đấu được phân tích, thái độ chỉ trích, bỏ qua những đoạn băng bất lợi cho Juve, thậm chí kể cả nguỵ tạo kết quả các cuộc gọi điện thoại trưng cầu ý kiến.

Thông qua công ty môi giới cầu thủ và HLV GEA World của con trai mình là Alessandro, Moggi cũng đã đã tạo mạng lưới liên kết với các đội bóng nhỏ để khi Juve cần điểm, những đội này sẵn sàng cung cấp cho đàn anh!

Triệt hạ đối phương bằng mọi cách

Thông qua nhóm “trọng tài thân thiện”, Moggi “diệt” các đối thủ cạnh tranh với Juve, chủ yếu là AC Milan, Inter Milan, AS Roma, Lazio bằng nhiều hình thức. Ngoài việc trực tiếp bỏ qua lỗi của các cầu thủ Juve, các trọng tài nhúng chàm sẽ tận dụng mọi lỗi lầm để phạt thẻ những trụ cột của đối thủ để đến khi họ gặp Juve, các ngôi sao này sẽ bị treo giò. Thống kê cho thấy, kể từ năm 1994, số quả phạt đền dành cho Juve tăng 1,5 lần so với 12 năm trước đó. Trong 2 năm gần nhất dưới quyền HLV F. Capello, Juve phạm lỗi nhiều nhất Serie A, nhưng luôn là đội bị ít thẻ vàng nhất, chỉ có 2 cầu thủ bị đuổi và bị phạt vỏn vẹn 1 quả phạt đền!