Stanley Ho, tình ái và sòng bạc
Giới đam mê cờ bạc khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á không ai không biết Stanley Ho (Hà Hồng Thâm) - “vua sòng bạc” ở Macau. Tuy nhiên, cuộc đời và thân thế con người này vẫn còn nhiều bí ẩn, chưa ai biết hết
Người dân Macau, Hồng Kông và tầng lớp “nhà giàu mới” ở Trung Quốc (TQ) kính nể Stanley Ho về tài kinh doanh sòng bạc kiểu Las Vegas (Mỹ) với khối tài sản khổng lồ. Giới kinh doanh Macau nói cuộc đời của Stanley Ho có hai phần: phần nổi và phần chìm. Về phần nổi, ông là nhân vật số 1 ở Macau có vị thế sánh ngang với Trưởng Đặc khu hành chính Macau là Hà Hậu Hoa, nhậm chức năm 1999 sau khi TQ tiếp quản lãnh địa Bồ Đào Nha này. “Đế chế” kinh doanh của Stanley Ho bao gồm hệ thống sòng bạc, nhà đất và giao thông vận tải trị giá 6,5 tỉ USD. Ông quản lý và trả lương cho hơn 10.000 nhân viên, trở thành nhà doanh nghiệp lớn nhất ở Macau.
Người có số đào hoa
Stanley Ho quản lý 17 trong tổng số 24 sòng bạc ở Macau, thành phố duy nhất của TQ được kinh doanh sòng bạc hợp pháp. Tạp chí Forbes xếp Stanley Ho ở vị trí 84 trong danh sách 100 người giàu nhất thế giới năm 2006. Khối tài sản này chắc chắn không dừng lại ở con số 6,5 tỉ USD.
Về đời tư của Stanley Ho thì người Macau càng không lạ. Nổi tiếng là con người đào hoa, ông có tới 4 bà vợ. Trừ bà cả Lý Vạn Hoa qua đời năm 2004 ở tuổi 80, hiện nay ở tuổi 86, ông đang sống với 3 bà là bà hai Lan Quỳnh Anh, bà ba Trần Loan Chấn và bà tư Angela Lương, 46 tuổi. Bà tư này từng là vũ nữ quán rượu, sau đó trở thành doanh nhân kiêm hoạt động chính trị. Bà hai có 2 con trai là Pansy Ho, 44 tuổi và Lawrence Ho, 30 tuổi, cũng kinh doanh sòng bạc. Stanley Ho có tổng cộng 17 con, tất cả đều giàu có.
Về phần chìm, hàng loạt câu hỏi về Stanley Ho chưa có câu trả lời xác đáng mà chỉ là những lời đồn đại. Chẳng hạn: Ông có quan hệ với Hội Tam Hoàng và xã hội đen hay không? Có phải là nhân vật giật dây mọi chuyện ở Macau trước khi thuộc địa này trở về với lục địa TQ hay không?
Bất chấp mọi lời đồn đại, tham vọng làm giàu của Stanley Ho không hề bị ảnh hưởng và không chỉ bó hẹp ở Macau. Tháng 2 vừa qua, ông đã mua 10% cổ phần của tập đoàn giải trí Star Cruises của Malaysia, cổ đông có 25% vốn đầu tư trong dự án resort casino Sentosa của Singapore. Dự án này có 6 khách sạn cao cấp và 4 công viên dự kiến sẽ khánh thành năm 2010. Tuy nhiên, kế hoạch bành trướng này đã gặp trục trặc. Sau khi có tin đồn nói dự án resort casino Sentosa có dính dáng tới Stanley Ho, Chính phủ Singapore đã can thiệp ngay. Bộ Nội vụ Singapore tuyên bố quyền xây dựng resort casino không mặc nhiên được cấp giấy phép kinh doanh sòng bạc.
Nhận xét về kế hoạch làm ăn của Stanley Ho với tập đoàn Star Cruises, một giám đốc sòng bạc đối thủ của ông nói: “Stanley Ho có ý đồ đa dạng hóa kinh doanh bởi vì cuộc cạnh tranh mới với Las Vegas. Ông nhận được sự hậu thuẫn của chính quyền Macau cũng như chính quyền Trung ương Bắc Kinh”.
Thách thức toàn cầu
Từ năm 2001, ngành sòng bạc Macau bị đối thủ nước ngoài cạnh tranh gay gắt, đặc biệt từ Las Vegas. Để đối phó, Stanley Ho mở thêm 7 sòng bạc, nâng gấp đôi tổng số bàn đánh bạc lên 2.762. Mười một tháng đầu năm 2006, doanh thu từ các sòng bạc ở Macau cao hơn các sòng bạc ở Las Vegas 6 tỉ USD. Cách đây 2 tuần, ông đã khai trương một sòng bạc mới, lớn chưa từng có ở Macau trước đây và hiện đại mang tên Đại Lisboa, với kinh phí xây dựng 3 tỉ đôla Hồng Kông (6.200 tỉ VNĐ).
Nhân dịp khánh thành, Stanley Ho đã đánh tiếng thách thức các đối thủ nước ngoài, kể cả Las Vegas. Ông tự hào khoe: “Chúng tôi đã có thêm 6 giấy phép kinh doanh sòng bạc, có nghĩa là tỉ lệ doanh thu đạt 16% toàn cầu. Nếu đạt 63%, chúng tôi sẽ vượt mọi đối thủ, trở thành lãnh đạo, không phải là ăn theo nữa”. Thật vậy, khi các sòng bạc của Stanley Ho trở thành điểm đến thứ hai của Macau đối với du khách, ông càng có nhiều chủ bài trong tay. Hiện nay ông kiểm soát toàn bộ hệ thống tàu phà, trực thăng ra vào Macau cùng nhiều cơ sở du lịch. Ông còn là “chúa đất” lớn nhất ở thành phố này và là người đầu tiên còn sống ở Macau có một đường phố mang tên mình.
Cố vấn sòng bạc ở Las Vegas, Jonathan Galaviz, nói: “Tài sản ngoài sòng bạc của Stanley Ho sẽ tiếp tục gia tăng”. Bà vợ thứ tư của ông được mệnh danh “Nữ hoàng sòng bạc” cùng hai con của vợ ba là Pansy Ho và Lawrence Ho đang quản lý những sòng bạc mới ở Macau rất thành đạt. Một đối thủ của ông ở Macau nói thêm: “Biết đâu với tài sản của ông và những tiến bộ của y học hiện đại, ông có thể là nhân vật số 1 ở Macau thọ 100 tuổi”.
Một đứa con bị bỏ rơi Stanley Ho (Hà Hồng Thâm) sinh năm 1921 tại Hồng Kông trong một gia đình dòng dõi có thế lực. Là con thứ 9 trong 13 anh chị em, 13 tuổi Stanley Ho đã bị cha bỏ rơi cùng mẹ và 2 chị gái sau khi bị phá sản do thua lỗ ở thị trường chứng khoán Hồng Kông khiến hai người anh của ông phải tự sát. Stanley Ho tốt nghiệp đại học ở Hồng Kông, thông thạo 4 ngoại ngữ, học giỏi môn quản trị kinh doanh, được tuyển dụng cho một ty xuất nhập khẩu Nhật ở Macau. Năm 1941, Nhật xâm chiếm Hồng Kông, gia đình mất hết của cải, Stanley Ho chuyển sang Macau trở thành cổ đông của một công ty ở tuổi 21. Năm 1943, Stanley Ho đầu tư 1 triệu USD ở Hồng Kông, lập một hãng xăng dầu và một công ty xây dựng. Năm 1961, ông thành lập công ty kinh doanh du lịch và giải trí (STDM) giành độc quyền kinh doanh sòng bạc ở Macau. Năm 1972, STDM quản lý 9 sòng bạc, xây dựng trung tâm giải trí quốc tế và tháp Macau cao 338 m được xếp loại cao thứ 10 thế giới. Stanley Ho có cổ phần ở ngành hàng không, sân bay, truyền hình, sân golf, điện, cảng biển, xây dựng cầu đường ở Macau. Ngoài Hồng Kông và Macau, Stanley Ho còn đầu tư kinh doanh giải trí ở Bồ Đào Nha, Triều Tiên, Việt Nam, Philippines. Tài sản của Stanley Ho trị giá 6,5 tỉ USD, doanh thu hằng năm chiếm 1/3 GDP của Macau cho nên được gọi là “vua sòng bạc” từ 35 năm nay. Hiện nay Stanley Ho là Ủy viên Thường vụ Ủy ban Trung ương Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân TQ (Chính Hiệp). |