Thế giới vệ sĩ của tổng thống Nga

Bảo vệ tổng thống Nga là nhiệm của PSB (Prezidentskaya Sluzhba Bezapasnosti) tức Cục An ninh Tổng thống Nga. Hoạt động của PSB lâu nay được bao phủ bởi vầng hào quang của nhiều huyền thoại, khiến cho tổ chức này mang một vẻ hấp dẫn, lãng mạn và có sức thu hút quần chúng

Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin thường xuyên được bảo vệ bởi 12 người có vũ trang. Còn trong các chuyến đi của TT, có hàng trăm nhân viên bảo vệ canh phòng trong suốt cuộc hành trình của ông. Những khi ấy, đoàn tùy tùng của TT thường bao gồm khoảng 5-7 ô tô đặc chủng được 3-4 ô tô của đội tuần tra công lộ hộ tống.

Người mang kính đen

Nhân vật đứng đầu tổ chức bảo vệ TT là Victor Zolotov, từng là vệ sĩ của Anatoly Sabchak, thị trưởng thành phố St. Petersburg trước đây. Năm 1999, TT Putin mời Zolotov về phụ trách việc bảo vệ ông, một nhiệm vụ không hề dễ dàng chút nào.

Zolotov không được lòng một số chính khách vì không thích giới này. Nhiều người trong giới này nói Zolotov có quan hệ khá xấu với Chubais và cựu thị trưởng St. Petersburg Yakovlev. Zolotov thường được người ta so sánh với Korzhakov, cựu vệ sĩ của ông Yeltsin, với lời nhận xét đáng chú ý: Chuyên nghiệp hơn Korzhakov. Zolotov nguyên là một công nhân cơ khí.

Zolotov thường mang kính đen. Nói chung, kính đen là một trong những đồ phụ tùng không thể thiếu trong phục trang của vệ sĩ. Đeo kính đen không có nghĩa là muốn chưng diện một món đồ hợp thời trang. Kính đen nằm trên khuôn mặt của vệ sĩ nhằm che giấu hướng nhìn của họ trước ánh mắt của người khác, khiến người ta không biết chính xác vệ sĩ đang tập trung ánh mắt vào đâu. Thêm vào đó, cặp kính đen còn giúp họ phát hiện được ánh phản chiếu của vũ khí.

Khi Zolotov hộ tống TT Putin và theo sát từng bước chân của TT, ông ta trông giống như một khối đá lặng câm không cảm xúc – theo nhận xét của nhiều người. Tuy vậy, có một lần người ta thấy Zolotov dự khán một trận đấu bóng, ngồi sau lưng TT Putin và tích cực reo hò cổ vũ cho đội bóng mà ông yêu thích. Như vậy, rõ ràng là Zolotov cũng có cảm xúc.

Những người mặt đồ đen

TT Putin đã từng mấy lần bị âm mưu ám sát, nhưng tất cả những lần mưu sát đó đều bị cơ quan an ninh loại trừ thành công. Lần đầu xảy ra vào tháng 2-2000, tại đám tang của Sabchak. Lần thứ hai vào tháng 8-2000, trong thời gian diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Cộng đồng Các quốc gia độc lập ở Yalta. Lần mưu sát thứ ba xảy ra vào năm 2002 trong khi TT Putin viếng thăm Baku.

Đội vệ sĩ của TT Putin được trang bị loại súng 9 mm “Gyurza”. Khi chưa được lắp đạn, “Gyurza” nặng 995 g, có thể chứa 18 viên đạn. Một trong những ưu thế chính của “Gyurza” là khả năng bắn xuyên thủng bất cứ loại áo chống đạn nào trong vòng 50 m. Kích thước khá gọn gàng của “Gyurza” cho phép nhóm vệ sĩ dễ dàng sử dụng chúng.

Những người bảo vệ TT Putin được mệnh danh là “Men in black” (Những người mặc đồ đen). Họ thường đi trên chiếc xe jeep được trang bị những khẩu súng máy AK-74, AKS-74U, cũng như súng bắn tỉa Dragunov. Họ còn được trang bị súng máy RPK, mìn chống tăng tự động, lựu đạn, tên lửa xách tay Osa. Nói chung, với súng ống và đạn dược như thế, họ có khả năng tiêu diệt cả một trung đội.

Người ta đồn rằng đối với các vệ sĩ, TT Putin là một người dễ lắng nghe. Bất cứ khi nào đội vệ sĩ cảnh báo với ông những mối nguy hiểm có thể xảy ra, ông đều chịu khó nghe theo. Bản thân TT Putin đã từng là một sĩ quan tình báo, nên hoàn toàn hiểu được vấn đề. Tình huống mà tất cả vệ sĩ của TT Putin đều lo ngại nhất là khi ông bắt tay những người tình cờ ông gặp trên đường phố.

TT Putin có mối quan hệ tốt đẹp với các vệ sĩ của ông. Ông thân mật gọi từng người bằng tên và hiếm khi ra lệnh cho họ phải làm chuyện này chuyện nọ. Đặc điểm này, không phải nhà lãnh đạo Nga nào cũng có.

Ai được làm vệ sĩ cho TT?

img
Vệ sĩ PSB tập bắn

Igor S., một nhân viên của PSB, cho biết: “Trở thành vệ sĩ của TT là chuyện không dễ. Có cả một danh sách dài những tiêu chí cần thiết. Chỉ cần không đáp ứng một tiêu chí thôi anh đã bị loại rồi. Anh phải khai báo đầy đủ những nơi anh đã làm việc trước đây, phải có một hình thể hoàn hảo và có những thông số về thể chất nhất định. Ví dụ, không được quá tuổi 35, chiều cao 175 - 190 cm, cân nặng 75 - 90 kg. Kinh nghiệm trong quân ngũ là một điểm quan trọng trong xét chọn. Thế nhưng, điều đó không phải là điều quyết định.

Đội bảo vệ TT không nhận các cựu nhân viên cảnh sát. “Lý do là họ vẫn còn có thói quen bắn chỉ thiên để cảnh cáo và có suy nghĩ bắt giữ tội phạm. Những người làm công việc bảo vệ TT như chúng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện bắt giữ một ai. Chúng tôi cũng không hề làm cái việc bắn chỉ thiên để cảnh cáo. Công việc chính của chúng tôi là bảo vệ TT”.

Ngoài những tiêu chí chung bắt buộc, vệ sĩ của TT cần phải có những đặc điểm chuyên biệt nào hay không? Igor S. cho biết, trước hết, đó là có khả năng tư duy. Về chuyện ăn mặc của các vệ sĩ, PSB có hẳn một xưởng may đặc biệt phục vụ cho việc may trang phục cho vệ sĩ và cho TT.

Dân chúng Nga thường ngưỡng mộ các vệ sĩ bởi họ cho rằng các chàng trai này không hề ngán ngại cái lạnh cắt da và họ cũng chẳng bao giờ đổ mồ hôi. Khi nhiệt độ hạ xuống đến dưới mức không độ, họ vẫn tiếp tục mặc chiếc áo jacket mỏng (để di chuyển thoải mái). Ngoài ra, họ cũng không bao giờ nhỏ một giọt mồ hôi nào trong cái nóng gay gắt.

Theo một số nguồn tin, các chàng vệ sĩ TT có khả năng duy trì được sự ổn định của cơ thể là nhờ được bổ sung những chất đặc biệt. Những chất này làm tăng khả năng về thị giác, thính giác và khứu giác của họ. Một điều thú vị ít ai ngờ là các vệ sĩ được phép hút thuốc. Đơn giản là nó làm giảm căng thẳng. Công tác bảo vệ TT là một nghề hao tâm tổn trí, nhanh chóng làm họ kiệt sức. Đó là lý do vì sao các vệ sĩ của TT Nga thường “gác kiếm” ở tuổi 35.