Tư tưởng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm
Tháng 5, chúng ta nhớ về Bác Hồ kính yêu bằng việc làm cụ thể, nói không với lãng phí, luôn thực hành tiết kiệm
Tấm gương nói và làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng được phát động trở thành phong trào lan rộng khắp cả nước, trong những giai đoạn đất nước ta còn chiến tranh, đời sống nhân dân trăm bề thiếu thốn.
Lãng phí là có tội với dân, với nước
Ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong cuốn hồi ký "Bác Hồ viết Di chúc" có kể lại câu chuyện Người thường xuyên tận dụng giấy đã viết một mặt, phong bì có khi dùng vài ba lần.
Thời kỳ ấy, đất nước bộn bề khó khăn, nạn đói hoành hành, rất nhiều cán bộ cao cấp luôn có ý thức tiết kiệm trong cuộc sống như Bác, ảnh hưởng tích cực đến người xung quanh. Trong Di chúc của Bác có đoạn: "Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân". Với Người, lãng phí ấy là có tội với dân, với nước.

Trong quá trình triển khai dự án thành phần 3 sân bay Long Thành, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã tiết kiệm được gần 4.000 tỉ đồng. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Trong danh sách những việc cần làm ngay, Di chúc của Bác cũng nhấn mạnh việc thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Sau này, tư tưởng ấy được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hiện thực hóa thành chuyên mục chính trên nhật báo Nhân Dân "Những việc cần làm ngay", để chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai những công việc cần kíp trong công cuộc đổi mới đất nước.
Tấm gương sáng về tinh thần tiết kiệm của Bác đã góp phần lý giải vì sao toàn dân nô nức hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ về lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh triển khai thực hành tiết kiệm để có Tuần lễ vàng, Quỹ độc lập (1945). Bác nói: "Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong 1 năm đã được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm mà lợi cho dân rất nhiều...". Làm được việc nhỏ thì sẽ thành cái to, góp gió sẽ thành bão là thế.
Từ rất lâu, chuyện lãng phí cũng được xã hội nhắc đi, nhắc lại nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì cụm từ chống "lãng phí" dường như chưa được nhấn mạnh bằng vế chống "tham nhũng, tiêu cực".

Nhân dân tập trung tham dự lễ khai mạc “Tuần lễ vàng” tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội .Ảnh: TƯ LIỆU
Thực tế cho thấy, tội danh tham nhũng thường được gắn với hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Tham nhũng gì, tham nhũng bao nhiêu thì đền bù bấy nhiêu, chấp hành tốt có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ tội.
Mới đây, cơ quan chức năng đã xem xét những hành vi vi phạm pháp luật trong việc triển khai dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt - Đức cơ sở 2. Sau hàng chục năm từ ngày khởi công, khối tài sản khổng lồ của đất nước phải đắp chiếu cùng nắng mưa, còn người bệnh chỉ biết khao khát ngóng chờ. Báo chí phản ánh trung thực những gì xã hội lên tiếng, người bệnh bức xúc, Thủ tướng liên tục đốc thúc xử lý nhanh 2 dự án này để đưa vào vận hành nhưng xem ra chuyển biến quá chậm.
Vì sao những vụ việc gây lãng phí tài sản công vẫn xảy ra? Vì hành vi lãng phí không dễ nhìn thấy, nhất là khi chưa được lượng hóa; nhiều khi có thấy cũng không dễ xử lý bởi chưa quy được trách nhiệm cho ai. Và, lãng phí bao nhiêu, mức độ nào đôi khi cũng chỉ là ước lượng tương đối. Người ta hay nói lãng phí thời gian, công sức, chất xám, nhân tài, vật lực... nhưng nếu là dạng phi vật chất, càng khó xử lý theo pháp luật. Có lẽ vì thế, tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, gây hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội và đất nước, đôi khi còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng.
Đổi mới tư duy và hành động
Thời gian gần đây, trong nhiều cuộc làm việc với các cấp từ trung ương đến địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ phòng chống lãng phí tài sản công, ngân sách quốc gia.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ dưới nhiều hình thức, trực tiếp và gián tiếp, đã liên tục đôn đốc, nhắc nhở tư lệnh các ngành cùng các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra hàng ngàn dự án trên cả nước đang "trùm mền, đắp chiếu" để xử lý nghiêm và ngay, kèm theo mốc thời hạn phải trả lời kết quả rất cụ thể. Có thể là quy trách nhiệm, kết luận rõ ràng để tái khởi động, chuyển cho đơn vị khác thực hiện hay buộc phải xử lý theo pháp luật. Công việc chống lãng phí đang được Đảng, Chính phủ quan tâm hơn trước rất nhiều.
Trong khi đó, quá trình tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đã nảy sinh tình huống mới. Đó là sau khi sáp nhập, không ít cơ quan, đơn vị dư thừa trụ sở làm việc, phương tiện phục vụ công tác... Để xử lý việc này, định hướng bước đầu là ưu tiên những cơ sở vật chất dôi dư cho ngành giáo dục, lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, nhất là ở cơ sở; không để phát sinh việc xây dựng trụ sở làm việc mới. Việc này, nếu triển khai không bài bản, không có lộ trình, thiếu giám sát chặt chẽ, rất có thể lại nảy sinh những lãng phí mới. Bản chất, mục tiêu của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy cũng là hướng đến chống lãng phí nguồn lực đất nước cả về trí tuệ lẫn vật chất, thực hành tiết kiệm cho ngân khố quốc gia.
Công cuộc đổi mới của đất nước nhiều thập kỷ qua cũng hàm chứa nội dung đổi mới tư duy và hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế xanh, khai thác năng lượng sạch... đều góp phần chống lãng phí, tiết kiệm thời gian, nhân lực, khai thác tối đa thế mạnh, khắc phục hạn chế, khó khăn.
Từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, thời gian không còn nhiều, khối lượng công việc vô cùng lớn, nhiều nhiệm vụ nặng nề, phức tạp. Song, không khí cả nước, từ lãnh đạo đến người dân cùng hối hả hăng say làm việc, đôi khi quên cả ngày nghỉ trên các công trình, dự án trọng điểm... đã phần nào cho thấy tinh thần tiết kiệm thời gian như thế nào. Thời gian là lực lượng, thời cơ cũng là lực lượng. Làm chủ được thời gian, nắm bắt được thời cơ sẽ làm nên thắng lợi.
Tháng 5, chúng ta nhớ về Bác Hồ muôn vàn kính yêu bằng việc làm cụ thể, nói không với lãng phí, luôn thực hành tiết kiệm để mỗi người, mỗi nhà và cả nước luôn có cuộc sống sung túc, bình yên, ngập tràn hạnh phúc.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-5
Lấy con người làm trung tâm
Cả nước đã lắng nghe những thông điệp gợi mở của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm - tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội ngày 17-4: Làm cách nào để năm tới miễn phí bữa ăn trưa cho các học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở? Rồi đây, Nhà nước đã có mốc phấn đấu để tiến tới giảm, rồi miễn phí khám chữa bệnh cho toàn dân... Rất nhiều mong muốn và mục tiêu phấn đấu lấy "con người làm trung tâm" đã được Tổng Bí thư khẳng định, chia sẻ.
Muốn hiện thực hóa những mục tiêu ấy, nhất định phải thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy; kiên định với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có hiệu quả cao. Xây dựng lại ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội, mang tính thiết thực. Trong đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lãnh đạo các cấp phải nêu gương trong lời nói và hành động.