Vận hành thông suốt chính quyền địa phương 2 cấp

Thủ tướng đánh giá việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại ĐBSCL và TP HCM diễn ra ổn định, hanh thông với nhiều cách làm hay, sáng tạo

Ngày 13-7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa). Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành và 6 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, cùng TP HCM, Đồng Nai.

Đánh giá cán bộ qua KPI

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin từ ngày 1-7, việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp ổn định, thông suốt; các địa phương ở ĐBSCL và TP HCM làm việc rất khẩn trương, thận trọng, tích cực, đồng bộ. Một số lãnh đạo địa phương nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu để thực hiện mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân tốt hơn.

"Có nhiều cách làm hay, tiêu biểu, nổi bật. Chẳng hạn, TP HCM có cách làm sáng tạo trong việc quan tâm sắp xếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân" - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá.

Vận hành thông suốt chính quyền địa phương 2 cấp - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị

Một ưu điểm nữa là số lượng cấp phó các sở, ngành, nhất là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, được tinh giảm, nhờ các địa phương chủ động đưa về phường, xã làm chủ tịch hoặc bí thư. Cách bố trí này cũng giúp giải quyết việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay: "Chúng tôi đang xây dựng chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI). Khi KPI này áp dụng trên cả nước thì chỉ cần 3 tháng, cán bộ nào không đáp ứng được yêu cầu là điều chỉnh, thay thế ngay. Việc này sẽ tạo ra đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, đáp ứng được nhiệm vụ vận hành của chính quyền địa phương 2 cấp, đặc biệt là với cấp xã".

Điểm lại những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được khẳng định thành phố đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nghiêm túc, thực hiện đúng, đủ, kịp thời chỉ đạo của Trung ương về chính quyền địa phương 2 cấp. Đến nay, 168 xã, phường, đặc khu cùng 15 sở, ngành của TP HCM vận hành tương đối ổn định.

"Những bộ phần mềm về quản lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, Cổng 1022... hiện vận hành thông suốt. Người dân đánh giá cao mô hình mới, đến nay chưa có phản ánh gì lớn" - ông Nguyễn Văn Được dẫn chứng.

Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng vấn đề hiện nay là làm sao giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới, từ đó doanh nghiệp và người dân có thể thực hiện bất kỳ chỗ nào. Để giải quyết vấn đề này, TP HCM yêu cầu sử dụng trụ sở 38 quận, huyện trước đây (thuộc TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu cũ) để đầu tư thành 38 trung tâm phục vụ hành chính công. Thành phố sẽ đầu tư "tận chân răng kẽ tóc" cho những trung tâm này, như: trang thiết bị, cơ sở vật chất, phần mềm…, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục, hồ sơ.

Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, quá trình triển khai vận hành chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu gặp một số khó khăn, vướng mắc nhưng thành phố đã nhanh chóng tháo gỡ. Đến nay, Cần Thơ hoàn thành tốt các công việc, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp theo đúng tiến độ và đi vào hoạt động, không để ảnh hưởng đến hoạt động của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Không để xảy ra ách tắc, tiêu cực

Kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại ĐBSCL và TP HCM diễn ra ổn định, hanh thông với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tiếp tục triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả, với phương châm "làm việc nào dứt việc đấy, làm việc nào ra việc đấy; tạo sự thông suốt, chuyên nghiệp và đồng bộ" - như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

Vận hành thông suốt chính quyền địa phương 2 cấp - Ảnh 2.

Công chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Ninh Kiều, TP Cần Thơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Trong đó, thực hiện nghiêm Kết luận 177-KL/TW ngày 11-7-2025 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Ban Bí thư và Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng. Trọng tâm là sắp xếp đầy đủ đội ngũ cán bộ ở cấp tỉnh, cấp xã; chuẩn bị cán bộ cho Đại hội Đảng các cấp; chuẩn bị các văn kiện của Đại hội Đảng các cấp. Bên cạnh đó, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp thông suốt; không để đứt gãy việc khám chữa bệnh cho người dân; triển khai trường học bán trú cho học sinh khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa; hoàn thiện hạ tầng số, nhất là nơi điều kiện khó khăn.

Về phát triển hạ tầng, triển khai những dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng đánh giá các dự án cơ bản đúng tiến độ. Hiện nay, cả khu vực ĐBSCL có 21 dự án hạ tầng giao thông gồm: đường bộ, đường thủy, hàng không. Nhiều công trình vượt tiến độ đề ra, nhất là các công trình do Bộ Xây dựng đảm nhận và hoàn thành trong năm 2025, trong đó có cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi 2…. Tuyến cao tốc Bắc - Nam đang thực hiện vượt mức kế hoạch, nhiều đoạn cao tốc trục Đông - Tây có khả năng hoàn thành trong năm nay.

Thủ tướng chỉ đạo với tinh thần "vượt nắng thắng mưa", làm việc xuyên ngày Tết, ngày nghỉ, lãnh đạo các địa phương phải thường xuyên đi kiểm tra để tháo gỡ khó khăn cho dự án. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng hướng dẫn về đơn giá nguyên vật liệu không phải đấu thầu; Bộ Nông nghiệp và Môi trường xử lý khó khăn về nguyên vật liệu…

Về Đề án 1 triệu ha lúa, các địa phương ở ĐBSCL đã chủ động triển khai nhiều mô hình với sự vào cuộc tích cực của nông dân và hợp tác xã. Thủ tướng nêu rõ: "Đây là đề án lúa chất lượng cao, phát thải thấp đầu tiên trên thế giới. Chúng ta phải tự hào vì đề án mang ý nghĩa to lớn: Bảo đảm an ninh lương thực không những cho Việt Nam mà còn cho các nước đối tác trong khu vực, giúp ổn định đầu ra".

Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành quy hoạch Đề án 1 triệu ha lúa trong quý III/2025 và xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để thực hiện đề án này. Bộ Tài chính giải quyết các vấn đề liên quan việc vay vốn từ các tổ chức quốc tế; Bộ Công Thương triển khai ngay các hiệp định và ký kết lâu dài với các nước để bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã có buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng; cán bộ, công chức, viên chức ngành khoa học - công nghệ tại TP Cần Thơ. 

Triển khai 21 dự án phục vụ APEC 2027

Về công tác chuẩn bị Hội nghị APEC 2027 tổ chức ở đặc khu Phú Quốc, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết địa phương đã và đang gấp rút triển khai 21 dự án theo Quyết định 948 của Thủ tướng.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh xây dựng các công trình phục vụ Hội nghị APEC 2027, xứng tầm với vai trò, vị thế, văn hóa của đất nước và trí tuệ con người Việt Nam. Trong đó, phải hoàn thành việc xây dựng trung tâm xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, trung tâm nước sạch, giao thông liên kết với các công trình phục vụ APEC; định hướng vừa phục vụ APEC vừa phục vụ phát triển lâu dài.

Nhiều công trình trọng điểm hoàn thành trong năm 2025

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, thời gian qua, bộ thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công các dự án giao thông trọng điểm phía Nam. Đến nay, các dự án đã có sự chuyển biến đáng kể. Trong đó, dự án cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch 6 tháng. Đây là một thành tựu to lớn của ngành xây dựng, góp phần tiết giảm chi phí gần 50%.

Ngoài ra, trong năm 2025, dự kiến 13 dự án giao thông trọng điểm phía Nam sẽ hoàn thành với tổng chiều dài 354 km. Trong đó, các dự án đáng chú ý là các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Cao Lãnh - An Hữu; một số đoạn tuyến dự án Vành đai 3 TP HCM, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi 2...