4/5 chặng đường: Nhiều khiếm khuyết về tổ chức

ĐỜI SỐNG VĂN HÓA.- Tính đến ngày 12-5, đã có 550.000 lượt du khách đến với Festival Huế 2002. Đã qua 2/3 thời gian của Festival, ở tour cuối cùng du khách đến Huế bắt đầu giảm. Một vài đoàn nghệ thuật đã rời Huế để lại sự tiếc nuối cho mọi người như đoàn của Ea Sola, Hội Trùng Dương...

“Ô nhiễm âm thanh”

Đó là chữ dùng của ông Kean Buyère, đại diện Pháp nhận xét tại cuộc họp báo sáng 11-5. Theo đánh giá của ban tổ chức (BTC) cũng như dư luận, các đoàn nghệ thuật đến Huế đều là loại “gộc”, chất lượng không thể chê vào đâu được. Nhưng cũng vì quá chuyên nghiệp nên đêm diễn cuối cùng của vở múa Khúc nguyện cầu, hơn 1.000 khán giả ở sân khấu Đông điện Thái Hòa phải ngồi chờ một giờ vì đoàn Ea Sola không thể diễn được trong âm thanh “tra tấn” của Đoàn Ca múa nhạc Việt Bắc (diễn cùng giờ) từ sân khấu trung tâm điện Thái Hòa ở rất gần đấy vọng sang. Ngược lại, Đoàn Ca múa nhạc Việt Bắc lại bị âm thanh đoàn bạn Campuchia ở sân khấu Tây điện Thái Hòa... “chèn ép”.

Thời trang thiếu vải... “phảng phất phấn hương”!!!

Sự bất cập không chỉ nằm ở chỗ các sân khấu quanh điện Thái Hòa gần nhau, mà còn do giờ giấc chương trình trùng lắp. Địa điểm diễn của các đoàn cũng có nhiều ý kiến. Khi được hỏi đưa nhạc điện tử của Laurent Garnier vào sân khấu điện Kiến Trung gây nên “tân cổ giao duyên” (!) thì ông Nguyễn Xuân Hoa - Phó Trưởng BTC - lại lập luận: “Công diễn nhạc điện tử hiện đại của L. Garnier tại sân khấu điện Kiến Trung là để đánh thức thanh niên Huế biết điện Kiến Trung ở đâu”. Đêm diễn đầu tiên, nhiều người không tìm ra sân khấu này.

Tương tự, ý kiến đưa các người mẫu “thiếu vải” quá cỡ của Minh Hạnh vào Đại Nội làm giảm hẳn tính trang nghiêm, thì BTC giải thích đưa chương trình thời trang Minh Hạnh vào cung Diên Thọ là hợp lý vì nơi đó còn... “phảng phất phấn hương” của các bà hoàng triều Nguyễn (?). Loại bỏ những yếu kém của khâu tổ chức, nhìn chung các chương trình (IN) như múa Ea Sola, vũ kịch Ku Na’ Uka (Nhật Bản), nhạc Pansori (Hàn Quốc), nhạc điện tử của Laurent Garnier, kịch của Royal de Lux... đều đặc sắc, hấp dẫn.

Bán vé hay không bán vé?

Phía Pháp cho biết, tại Festival Huế 2002, tổng cộng các nguồn tài trợ từ Pháp là 750.000 USD. Kinh phí ăn ở cũng như cát-sê của các nghệ sĩ Pháp đều do phía đối tác lo. Đoàn kịch Pháp nổi tiếng Royal de Lux diễn ở cung An Định phải hoãn diễn một đêm vì BTC bán vé!!! Theo ông Jean Buyère, đoàn Royal de Lux dù diễn ở châu Âu hay châu Phi hoặc bất cứ nơi đâu đều kèm theo yêu cầu là không bán vé cho công chúng của họ. Dòng chữ trên chiếc thẻ cấp cho nhà báo ghi “thẻ này không dùng thay vé” bị các nhà báo phản ứng dữ dội khiến BTC phải nhượng bộ “cho thay vé” trừ khu vực cấm là... dạ nhạc tiệc ở điện Cần Chánh.

Đã vắng dần du khách...

Ngoài chương trình IN được đánh giá là khá thành công trong hoàn cảnh khiếm khuyết về khâu tổ chức, Festival Huế 2002 còn có nhiều điểm trong chương trình OFF thu hút khá đông khách như: chợ quê cầu ngói Thanh Toàn, các vườn Huế ở Kim Long, triển lãm tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng, nhưng thật đáng tiếc BTC rất ít quảng bá. Chương trình OFF nhiều nơi còn nặng “quảng cáo” như phố đêm Hàn Thuyên bị buộc phải mua đèn lồng làm bằng lon bia... Huda để treo, mà theo cách giải thích của một quan chức địa phương rằng, đèn lồng đó cũng là sản phẩm thủ công mỹ nghệ (!)

Thống kê của BTC cho biết, đến ngày 12-5, có 550.000 lượt người đến với Festival Huế 2002. Ngày 15-5, Festival sẽ bế mạc, lượng khách đến Huế đã chững lại, các chương trình OFF vắng khách vì hai buổi chiều liên tục mưa. Huế đang dần được trả lại sự tĩnh lặng vốn có từ sau triều Nguyễn...