Bán vé kịch “mua chung” !

Trong tình hình khó khăn về khán giả, thời gian qua, một số sân khấu đã chấp nhận bán vé “mua chung” trên những trang web mua hàng theo nhóm.

Nhiều khán giả làm việc ở các văn phòng, công sở không có điều kiện đến mua vé trước, có thể thông qua loại hình dịch vụ này để mua vé với giá rẻ xem một số vở diễn của Kịch Sài Gòn, Kịch Gia Định (địa điểm Nhà hát Thế Giới Trẻ), Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, Nhà hát Thế Giới Trẻ, Sân khấu Kịch Tâm Ngọc, Kịch Superbowl...
 
Cách thức này đã giúp cho 2/3 sân khấu kịch xã hội hóa tại TPHCM thu hút đông khán giả. Các suất diễn lấp kín khán giả đến những hàng ghế cuối của các khán phòng.

Tuy nhiên, dựa vào nhu cầu được xem kịch giá rẻ của công chúng, sự cạnh tranh chào bán “voucher” của các sân khấu đang diễn ra khá quyết liệt, có sân khấu chỉ còn bán với giá 45.000 đồng/vé, trong khi giá vé chính thức bán tại quầy là 120.000 đồng/vé.

Nếu chất lượng kịch vẫn bảo đảm trong những vở diễn bán vé “mua chung” thì sẽ không có gì đáng bàn. Trên thực tế, những vở diễn bán vé “mua chung” đã  thay thế diễn viên ngôi sao bằng lực lượng diễn viên trẻ. Cụ thể, vở Áo cho người chết của Sân khấu Kịch Sài Gòn quảng cáo có NSND Ngọc Giàu, danh hài Tấn Beo nhưng lại do 2 nghệ sĩ khác diễn.

Theo các nhà quản lý sân khấu, việc áp dụng mức giảm giá phổ biến trên phiếu khoảng 40% ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu; có sân khấu còn nuôi thêm đội quân giao vé tận nơi nên chi phí đầu tư đội lên, tiền vé không đủ để trang trải chi phí. Đó là chưa kể tiền hoa hồng bán vé phải chi cho nhà mạng từ 20% đến 30%.

Doanh thu thấp, chi phí cao buộc lòng nhà sản xuất vở diễn phải hạ giá thành bằng cách giảm chất lượng vở diễn, thay diễn viên ngôi sao bằng diễn viên trẻ để không bị lỗ. Thiệt thòi vẫn là người xem.

Nghệ thuật không như món hàng. Bán vé xem nghệ thuật qua hình thức “mua chung” như hiện nay xem ra không phải là cách làm phù hợp.