“Bảo tàng động” về nghệ thuật biểu diễn truyền thống

Khi công trình này hoàn thiện và đi vào hoạt động, lần đầu tiên giới nghệ thuật sân khấu có chỗ để “khoe” những tinh hoa của nghề, giãi bày cùng công chúng những thăng hoa trong nghề và cả nỗi trầm luân của những loại hình nghệ thuật tưởng chừng đã mai một...

Được khởi công xây dựng vào cuối năm 2005 với tổng diện tích trưng bày 4.000 m2, Nhà Trưng bày Nghệ thuật biểu diễn truyền thống VN (87-Láng Hạ-Hà Nội) hứa hẹn thu hút đông đảo khách tham quan khi chính thức mở cửa vào cuối năm 2007.

Theo dự án, những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống tiêu biểu cho bản sắc Việt đều có “chỗ” và được tôn vinh bằng những thiết bị kỹ thuật hiện đại, như: diễn xướng dân gian; ca nhạc cổ truyền; múa rối; âm nhạc cung đình; múa dân gian; sân khấu chèo, cải lương, tuồng, ca kịch... Trong đó, diễn xướng dân gian có 27 đề mục trưng bày các trò, như: đám rước có kiệu bay; không gian văn hóa cồng chiêng; cảnh mo mường; hò giã gạo miền Trung; quan họ Bắc Ninh; hát sli Nùng; hát phường vải Nghệ An; hát AyDay Êđê...; múa dân gian trưng bày 22 đề mục; sân khấu chèo: 33 đề mục; tuồng: 48 đề mục; cải lương: 41 đề mục... Riêng nhạc cụ sẽ trưng bày 314 nhạc cụ và 8 dàn nhạc. Các khối trưng bày được sắp xếp khoa học, có thẩm mỹ cao, giúp người xem có cái nhìn tổng quát về từng loại hình nghệ thuật thông qua hệ thống hiện vật (nhạc cụ, trang phục, makét sân khấu; đạo cụ biểu diễn); hình ảnh (băng ghi hình các tiết mục biểu diễn; ảnh; tượng...).

Bà Hà Bị Thủy, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia - đại diện đơn vị chủ đầu tư, cho biết: “Đích của chúng tôi là phải tạo dựng một không gian triển lãm độc đáo lần đầu tiên có ở VN. Có thể hiểu đây là một bảo tàng động, ở đó người xem không đơn thuần chỉ là xem hiện vật; đọc dữ liệu... mà cùng lúc tai, mắt và cảm xúc của họ đều được thỏa mãn như sống trong những không gian nghệ thuật khác nhau.

Ở gian giới thiệu nghệ thuật sân khấu, những trích đoạn chèo, tuồng, cải lương kinh điển của Việt Nam; những vai diễn tiêu biểu của các loại hình nghệ thuật này là một trong những điểm nhấn tạo nên sự thú vị cho không gian trưng bày. Chèo có Mẹ Đốp, Thị Mầu, Thị Kính (vở Quan Âm Thị Kính); Xúy Vân (vở Xúy Vân). Tuồng có Trình Giảo Kim (vở Đường Chinh Tây); Phương Cơ (vở Tam nữ đồ vương); Vua Đói (vở Lý Phụng Đình)... Cải lương có vai Huyền Trân công chúa; Mộng Hoa Vương; cô Lựu... Giải pháp trưng bày của không gian này là sử dụng ánh sáng chuyển động, mô phỏng những sân khấu thu nhỏ làm tôn vinh các nghệ sĩ với các vai diễn nổi tiếng. Ngoài ra, phần này còn có các hệ thống tra cứu, nghiên cứu bổ sung về các nghệ sĩ khác với nhiều vở diễn tiêu biểu. Những ai muốn lật lại trang sử của nghệ thuật cải lương VN còn có cơ hội phát huy trí tưởng tượng về những gánh hát thông qua hệ thống trưng bày trang phục cải lương theo gánh: gánh cải lương đồng bào Nam Mỹ Tho; gánh tuồng Tàu Văn Hí ban; gánh Phước Cương diễn tuồng Tàu...

Gian trưng bày các nhạc cụ của 54 dân tộc anh em, ngoài hệ thống trưng bày trực quan trên phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, người xem sẽ được thưởng thức những âm thanh, những giai điệu đặc trưng của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc VN.

Với các nhà nghiên cứu, thì bảo tàng động này chính là một thư viện khổng lồ đáp ứng mọi nhu cầu tra cứu thông qua máy tính, màn hình cảm ứng; hệ thống video; hệ thống nghe âm thanh các nhạc cụ, các bài hát, trò diễn... ; hệ thống tra cứu trên Internet.

Dự kiến sẽ ngốn hết khoảng 90 tỉ đồng, ban đầu phía lập dự án dự kiến sử dụng tượng sáp để minh họa các trích đoạn sân khấu vì chất lượng của tượng sáp cho phép người xem cảm nhận một cách thật nhất “tâm trạng” của các nhân vật nổi tiếng trong những trích đoạn được trưng bày. Nhưng do giá tượng sáp quá cao (khoảng 6.000 USD/tượng) nên giải pháp tượng sáp sẽ phải chuyển sang tượng cao su.