Beowulf: Kỹ xảo song hành với thần thoại

Beowulf là tác phẩm trường ca cổ xưa nhất của văn học Anh, kể về cuộc phiêu lưu huyền thoại của người anh hùng Beowulf trong trận chiến khốc liệt với quái vật Grendel.

Làm thế nào để chuyển thể một truyện thơ mang tính sử thi thần thoại lên màn ảnh rộng với những bối cảnh thần tiên phức tạp, những con quái vật hình thù vô cùng kỳ dị và thời gian câu chuyện diễn tiến vài chục năm mà không một diễn viên thật hay bàn tay con người nào có thể thực hiện được, đạo diễn Robert Zemeckis đã chọn một cách thức không giống ai: giả lập hoạt hình. Trong phim Beowulf (đang chiếu tại TPHCM với tựa Ác quỷ lộng hành), người xem gặp lại Anthony Hopkins, Angelina Jolie nhưng trong nhân dáng của những nhân vật hoạt hình. Hàng nghìn bộ phận cảm biến kỹ thuật số được gắn trên mặt, quần áo của diễn viên để ghi lại từng cử chỉ, trạng thái biểu cảm trên khuôn mặt hay hành động sau đó đưa vào máy vi tính để đồ họa và tạo hình nhân vật hoàn chỉnh. Nhờ vậy, tuy xem phim hoạt hình nhưng khán giả có thể cảm nhận được sự sống động của từng cơ bắp, lông tơ, mồ hôi, nếp nhăn... trên người của các nhân vật. Những bối cảnh rừng núi, sông hồ, biển cả bao la được tái hiện y như thật, đặc biệt là những trận chiến đấu đẫm máu bằng phép thuật giữa những con quái vật khổng lồ với con người. Có thể nói Beowulf đã đạt đến đỉnh cao của thể loại hoạt hình, tuy nhiên đây lại là bộ phim hoạt hình hoàn toàn không dành cho trẻ em vì có quá nhiều cảnh bạo lực. Mặc dù chỉ đơn thuần là một bộ phim giải trí nhưng Beowulf vẫn mang lại nhiều suy ngẫm cho người xem về sự xung đột nội tâm giữa thiện và ác, giữa con đường của một chiến binh và vinh quang hư ảo của một kẻ chiến thắng. Và trên hết, xem Beowulf để nhận ra rằng giữa hiện thực và CGI (computer-generated imagery – hình ảnh do máy tính tạo ra) dường như không còn khoảng cách. Với đà này, trong tương lai diễn viên thật có nguy cơ bị thất nghiệp hết (?!)