Bi kịch của những người đàn ông không có đàn bà

Sẽ hoàn toàn không thấy một cơn mưa cá, mưa đỉa nào (trong tiểu thuyết “Kafka bên bờ biển”),

những giấc mơ kỳ lạ lặp đi lặp lại chi phối cuộc đời nhân vật chính (ở tiểu thuyết “Rừng Na Uy”) hay thậm chí cả một thế giới ngầm sâu kín của tâm hồn con người mở ra trong một cái giếng (tiểu thuyết “Biên niên ký chim vặn dây cót”), bóng dáng thế giới siêu tưởng quen thuộc của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami trong “Những người đàn ông không có đàn bà” (NXB Hội Nhà Văn vừa ấn hành).

Hình bìa cuốn sách
Hình bìa cuốn sách

Trong tập truyện ngắn mới nhất này, Haruki Murakami kể những câu chuyện đời ở thành đô, với những suy tư thị dân mà ai cũng có nhưng ít khi tìm được cách diễn đạt thành lời. Mọi thứ không kỳ lạ, ảo ảnh hay xa cách thậm chí tưởng chừng như rất gần, như đã xảy ra đâu đó, với bất kỳ người đọc nào.

Nhà văn của “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, “Người tình Sputnik”, “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới”, “1Q84”, “Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương”… vốn mạnh về thể loại tiểu thuyết, với những cuộc sống phức tạp và thế giới nội tâm phong phú của nhân vật chính, dẫn dắt người đọc một cách liền mạch, bước vào mê cung do người viết tạo ra. Nhưng truyện ngắn “Những người đàn ông không có đàn bà” không phải là những câu chuyện được viết lẻ tẻ rồi gom vào thành tập sách. Cũng như các tập truyện ngắn khác của Murakami, các truyện ngắn tác giả lựa chọn đưa vào tuyển tập đều được thiết lập theo một mô-típ, chủ đề riêng, sắp xếp các truyện theo khái niệm.

“Những người đàn ông không có đàn bà” gồm 7 truyện. Trong cả 7 truyện, các nhân vật chính đều bình tĩnh đến kỳ lạ, dù rằng tình tiết và cuộc đời họ không mấy bình yên. Có người biếng ăn, bị không khí rút đi từng calo và cơ thịt hằng ngày cho đến chết; có người đi công tác về sớm, xô cửa và nhìn thẳng vào mặt vợ mình đang trên giường với người đàn ông khác; có người đã dành suốt những ngày hè đi học chỉ để đột nhập nhà người ta và hít ngửi nách áo của họ... Sau 9 năm kể từ tập truyện ngắn “Những câu chuyện kỳ lạ ở Tokyo” xuất bản năm 2005, độc giả Việt Nam có dịp thưởng thức tác phẩm mới của Murakami.