Bia đá & nhân tài

Nằm giữa thủ đô Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt Nam

Với bề dày gần 1.000 năm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đào tạo nên hàng ngàn bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Văn Miếu - Quốc Tử Giám đồng thời cũng là nơi hun đúc bao truyền thống văn hóa giáo dục quý báu, trong đó có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc.

 

Vốn là nơi thờ tự Khổng Tử và các bậc tiên hiền của Nho học, trong hơn 700 năm hoạt động (1070 - 1802), Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đào tạo hàng ngàn nhân tài. Trong đó, những người kiệt xuất nhất đã được lưu danh trên 82 bia tiến sĩ ở đây.

img
Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: PHÙNG ANH TUẤN
 
Nền giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam bắt đầu từ triều Lý. Tại khoa thi đầu tiên tổ chức năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông, Lê Văn Thịnh là người đỗ đầu. Ông được vinh danh là trạng nguyên khai khoa đầu tiên của nền học vấn khoa cử nước nhà.

 

Từ năm 1434, dưới triều Lê sơ, vua Lê Thái Tông quy định cứ 3 năm tổ chức thi một lần. Khoa thi tuyển chọn tiến sĩ đầu tiên được tổ chức vào năm 1442 dưới thời vua Lê Thái Tông. Theo quy định, những người đỗ tiến sĩ được hưởng nhiều ân sủng do vua ban, như: định lễ xướng danh treo bảng, được mũ áo cân đai, cho dự yến tiệc ở vườn thượng uyển, có ngựa vinh quy... Đặc biệt, người đỗ tiến sĩ được khắc tên vào bia đá đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám để vinh danh mãi mãi. Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 ghi lại lịch sử khoa thi năm Đại Bảo thứ ba (1442), tên bia đề bằng chữ Hán Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa tiến sĩ đề danh ký (bài bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba).

 

Chế độ quân chủ tập quyền Việt Nam thời Lê rất trọng dụng nhân tài, coi nhân tài là nguyên khí quốc gia, là nguồn gốc sự hưng thịnh của đất nước. Điều này được thể hiện rõ qua các bài ký trên bia và theo đó, các vị vua nhà Lê, nhà Mạc đã dựa vào Nho giáo, sử dụng tri thức Nho giáo để đào tạo và tuyển chọn nhân tài. Năm 1484, vua Thái Tông nhà Lê xuống chiếu: Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì lấy thi cử làm đầu.
 
Năm 1499, vua Lê Hiến Tông cũng có sắc dụ: Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, nguyên khí mạnh thì trị đạo mới thịnh, khoa mục là đường thẳng của quan trường, đường thẳng mở thì chân Nho mới có. Điều này cho thấy phát triển giáo dục, trọng dụng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước là một chủ trương được coi trọng hàng đầu, cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ thời đại nào trong quá trình xây dựng và phát triển quốc gia cường thịnh.

 

Trên thế giới, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc khắc bia đá các khoa tiến sĩ. Tuy nhiên, bia tiến sĩ Trung Quốc chỉ đơn giản là một tấm bia đá đề tên tiến sĩ; còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám của ta, trên bia đá có khắc những bài ký. Đây chính là nguồn tư liệu phong phú để tìm hiểu về tư tưởng chính trị, các quan điểm của nhà nước về giáo dục đào tạo và tuyển dụng nhân tài.

 
Sự độc đáo của bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn ở chỗ nó là tư liệu có giá trị để tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của các sứ thần Việt Nam, qua đó tìm hiểu mối quan hệ giữa các nước vùng Đông Bắc Á. Trong số 1.304 tiến sĩ được khắc tên trên 82  bia, có 225 vị từng được cử đi sứ sang Trung Quốc vào các triều Minh và Thanh. Lê Quý Đôn (1726-1784, đỗ tiến sĩ năm 1752) đã để lại rất nhiều ấn tượng khi đi sứ sang Trung Quốc. Ông đã tiếp xúc, giao lưu, trao đổi về văn chương, học thuật với các học giả Trung Quốc và Triều Tiên. Tri thức và tài văn chương của ông đã được cả sứ thần Triều Tiên lẫn người Trung Quốc ca ngợi.

 

Những tấm bia tiến sĩ trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ lâu đã được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của ông cha ta để lại. Giá trị nhiều mặt của những tấm bia này được các nhà khoa học của nhiều thế hệ khẳng định. Năm 2010, 82 tấm bia dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được tôn vinh và công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO.

 

Quan điểm Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp cho đến tận hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là một biểu trưng, là lời khuyến học hùng hồn nhất cho những kẻ sĩ, sĩ tử thời xưa và những học sinh, sinh viên hôm nay.