Bộ phim về Kandahar

“Nếu tôi đưa tất cả những gì tôi trông thấy, sẽ không ai tin nổi”. Mohsen Makhmalbaf là một gương mặt nổi bật của làng điện ảnh Iran. Đầu năm nay, bộ phim Kandahar của ông gây được sự chú ý tại Liên hoan Phim Cannes 2001, song chỉ đến những ngày này bộ phim ấy mới thu hút sự quan tâm rộng rãi sau khi được trình chiếu tại Pháp.

Phim làm ở Afghanistan.- Phim thật ra mô tả cuộc đời bi thảm của người phụ nữ Afghanistan dưới chế độ hà khắc của Taliban và các bất hạnh chồng chất lên người dân xứ này bao năm qua. Makhmalbaf nói: “Đây là một trong số rất ít bộ phim được quan tâm đã làm tại Afghanistan. Khi quay cuốn phim này, tôi đã tự hỏi làm thế nào có thể diễn tả mọi thứ cho những người không hiểu gì về Afghanistan. Tôi tự nhủ: Mình phải cung cấp thật nhiều thông tin và quên đi chuyện làm phim. Vì vậy trước ngày 11-9, khán giả đã thấy cuốn phim tràn ngập thông tin, có vẻ hơi rắc rối và cường điệu. Nhưng tôi mới chỉ diễn tả một phần nhỏ. Nếu tôi đưa lên màn ảnh tất cả những gì tôi nhìn thấy, sẽ không ai tin nổi”.

Bố cục phim khá đơn giản. Nafas, một cô gái trẻ Afghan sống lưu vong tại Canada cố gắng tìm đến Kandahar, vượt qua ngả Iran để giải cứu em của cô, người đe dọa sẽ tự tử trong kỳ nhật thực vừa qua của thiên niên kỷ. Kín mít từ đầu đến chân trong chiếc burka (khăn trùm mặt), Nafas được một gia đình dân tị nạn dẫn đường, một cậu con trai bị đuổi khỏi trường Quranic, một thầy thuốc tự học người Mỹ gốc châu Phi và một người đàn ông thương tật do mìn bẫy, giống như em của Nafas.

Nếu Kandahar có lúc giống như một tư liệu, không chỉ vì hầu hết các “diễn viên” đều là những người tị nạn sống trong các trại ở Đông Bắc Iran, gần biên giới Afghanistan, nơi bấm máy, mà còn vì Nelofer Pazira, 28 tuổi, đóng vai Nafas cũng là một người Afghan. Gia đình cô rời Afghanistan năm 1989 và hiện sinh sống ở Canada. Cô cũng bị lôi cuốn trở lại vùng đất này năm 1999 do một lá thư tuyệt vọng của người bạn thân nhất đang sống dưới chế độ Taliban. Phim đã được đón nhận tốt. Nhưng do chủ đề của phim rất tàn nhẫn, nhiều nhà phê bình đã bối rối trước vẻ đẹp của một số hình ảnh, ít nhất là những chiếc áo burka đủ màu trôi đi trên quang cảnh khô cằn.

Đẹp đẽ và tinh khiết.- Viết trên The New York Times, A.O. Scott cho rằng: “Kandahar chứa đựng những khoảnh khắc thơ mộng tuyệt vời”. Christophe Ayad, nhà phê bình phim của tờ báo Pháp Libération, cũng cảm nhận “những khoảnh khắc đẹp đẽ tinh khiết” như trong cảnh thực về hàng chục người tị nạn thương tật chống nạng chạy đến để bắt lấy hàng cứu trợ là chân tay giả được Hội Chữ thập đỏ quốc tế thả dù xuống. Nhưng theo Makhmalbaf (44 tuổi, từng làm 16 phim bao gồm Marriage of the Blessed, Gabbeth, The Silence, cũng như phim The Cyclist nói về một người tị nạn Afghan cơ cực, không một ước muốn). “Tôi muốn lôi kéo sự quan tâm của thế giới cũng như Iran về sự đói khổ và tuyệt vọng của những người tị nạn Afghan này, phần lớn là người Farsi nói tiếng Hazaras, những người mà trước ngày 11-9 thường xuyên sống dưới sự đe dọa trục xuất của chính quyền Tehran”.

Makhmalbaf nói: “Chính phủ Iran cố gắng ngưng cuốn phim lại, nói rằng theo luật thì người Afghan phải trở về quê cũ”, nhưng cuối cùng cuốn phim đã được chiếu trong bốn tuần ở hai rạp hát tại Tehran. “Tôi đã viết cho Tổng thống Mohammad Khatami rằng những người này sắp chết đói. Nếu đẩy họ về quê họ sẽ chết. Tôi đã gặp nhiều khó khăn với cuốn phim này, phải đổi chỗ ở, nhưng mục đích của tôi là nhân đạo, không phải chính trị”.