Brian De Palma - Đạo diễn của thế giới ngầm
Lễ bế mạc LHP Venice lần thứ 64 đã diễn ra vào tối 8-9 tại Ý. Giải Đạo diễn xuất sắc nhất thuộc về đạo diễn người Mỹ Brian De Palma với bộ phim về đề tài chiến tranh Iraq Redacted. Bộ phim nói về sự tàn nhẫn pha lẫn bản năng thú tính của những kẻ đang tự nhận là làm nhiệm vụ bảo vệ, tái thiết Iraq
Redacted dẫn dắt người xem đến với câu chuyện thương tâm của Abeer Qasim Hamza al-Janabi - bé gái mới 14 tuổi người Iraq, đã bị hãm hiếp, giết chết và đốt xác (nhằm phi tang) bởi quân Mỹ ở Mahmudiya, miền Nam Baghdad vào tháng 3-2006.
Tất cả đều là người thật việc thật!
De Palma phát biểu với báo giới: “Bộ phim là nỗ lực của tôi nhằm chuyển tải những gì có thật đang diễn ra ở Iraq đến người dân Mỹ, hy vọng từ đó sẽ có những tác động đủ mạnh khiến các nghị sĩ trong quốc hội đưa ra đạo luật rút quân khỏi Iraq”. Ông cho biết các tư liệu dùng cho bộ phim được lấy từ các album ảnh, video của lính Mỹ, các trang blog, các bài báo và clip được tải lên YouTube. “Khi đi tìm những hình ảnh cho bộ phim, tôi đã nói với giới truyền thông hãy cung cấp cho tôi những hình ảnh mà bạn không thể công bố” - ông nói và cho biết thêm bởi những nguy hiểm về mặt pháp lý có thể gặp phải, ông đã phải biên tập, lược giản đi phần tài liệu: “Mọi thứ mà bạn thấy trên phim của tôi đều dựa trên những gì có thật mà tôi đã tìm được. Nhưng khi dùng chúng cho kịch bản của mình, tôi nhận được lời “nhắn nhủ” từ một luật sư rằng tôi không được sử dụng chúng bởi vì nó quá thật và tôi có nhiều khả năng phải hầu tòa. Nên tôi đã buộc phải “tiểu thuyết hóa” những sự thật ấy!”.
Làm phim kinh phí thấp
Brian De Palma sinh năm 1940 tại Newark (New Jersey) vốn học ngành vật lý nhưng sau đó chuyển dần sang niềm đam mê điện ảnh. Ông làm phim đầu tay The Wedding Party (1966) và chỉ sau đó 2 năm giành Gấu bạc tại Berlin với Greetings (1968). Năm 1970, tác phẩm Hi, Mom! của De Palma đã làm rúng động rạp chiếu phim Mỹ, khán giả khen ngợi và khẳng định đây là sự cấp tiến của De Palma, ông mô tả thế giới bạo lực, mại dâm và ý thức của thanh niên trong cuộc sống đang bị quay cuồng bởi dục vọng. Sau những phim thuộc loại “luật đường phố”, được đánh giá là thành công, De Palma tiếp tục sản xuất, làm phim với kinh phí thấp như: Get to Know Your Rabbit, Sisters (1973), Phantom of the Paradise (1974), Obsession (1975).
Những tác phẩm nổi tiếng
Năm 1976, De Palma rời bỏ các hãng phim nhỏ, ông đến Hollywood với kịch bản dựa theo tiểu thuyết cùng tên Carrie. De Palma nói với nhà sản xuất mới, đây là cốt truyện đặc sắc nhất mà ông từng được xem và khẳng định phim sẽ đạt doanh thu. Để bộ phim hấp dẫn được người xem, De Palma mời hai ngôi sao nổi tiếng thời bấy giờ là Sissy Spacek và John Travolta. Sau một năm làm việc gian khổ, Carrie ra rạp và trở thành một “quả bom tấn”, dù rằng ở cùng thời điểm đó Carrie đã phải chia sẻ tiền vé với Chiến tranh các vì sao IV của George Lucas. Carrie thành công về mặt tài chính lẫn sự khen ngợi của giới phê bình đã nâng tên tuổi của De Palma lên vị trí cao trong Hollywood. Từ thập niên 1980 trở đi, De Palma nổi danh với những phim về thế giới ngầm ly kỳ phức tạp như: Home Movies, Dressed to Kill, Blow Out, Scarface, Body Double, Wise Guys... Năm 1987, ông làm phim Untouchables mà sau này được coi là kinh điển về sự đối đầu giữa pháp luật và thế giới ngầm. Đây là một bộ phim dựa trên một câu chuyện có thực về thanh tra Ness (Kevin) đã chiến đấu không khoan nhượng để đưa trùm găng-xtơ Chicago Al Capone (Robert De Niro) ra tòa. Để chiến thắng thế lực ngầm hóa ra người ta không chỉ cần có công lý mà còn phải dùng rất nhiều bạo lực. Năm 1989, De Palma đã có một tác phẩm khác có tên Casualties of war kể về câu chuyện lính Mỹ hãm hiếp một phụ nữ trong chiến tranh VN. Năm 1996, De Palma chuyển làm phim giải trí thương mại Mission: Impossible, Tom Cruise đảm nhận vai nam chính, bộ phim đạt doanh thu khá cao. Liên tục trong nhiều năm, De Palma làm phim hành động, vừa là nhà sản xuất vừa viết kịch bản và kiêm luôn đạo diễn như: Snake Eyes, Femme Fatale, Mission to Mars và sau năm 2002, ông tạm ngưng làm phim. Năm 2006, De Palma trở lại với The Black Dahlia cùng dàn diễn viên siêu sao của Hollywood như: Josh Hartnett, Scarlett Johansson, Hilary Swank...
Quan điểm phê bình
Nhà phê bình Andrea Dworkin “buộc tội” De Palma đã đẩy nhân vật của mình vào sự ám ảnh, cho họ điều tra giết người một cách thô bạo hoặc các cái chết của nhân vật nữ thường được người ta tìm thấy trong tình trạng bị tra tấn tàn bạo. De Palma luôn chọn một kiểu diễn đạt nặng nề và trần trụi nhất, có phải quá khiên cưỡng hay không? Trái với lời phê bình trên, một số nhà lý luận phim cho rằng De Palma luôn biết tạo nên những trạng thái cô đơn, tuyệt vọng đến nghiệt ngã, không lối thoát của con người ở đô thị. Đây là một dòng phim mà không phải ai cũng có thể thực hiện được một cách thành công như De Palma.