Ca nhạc phòng trà: Loay hoay tìm đường sống

Đối mặt với tình hình thất bát của các phòng trà, Đồng Dao quyết định chọn Mỹ Linh làm ca sĩ "độc quyền". Có lẽ đã đến lúc các ngôi sao cần hiểu hơn nguyên tắc "đôi bên cùng có lợi" để phòng trà giữ được khách, còn ngôi sao vừa có thu nhập chính đáng, vừa giữ được một kênh tiếp cận công chúng.

Bar ca nhạc soán ngôi phòng trà

Ngày 11/11/2005, phòng trà Tiếng Tơ Đồng chính thức đóng cửa không kèn không trống sau 7 năm liên tục hoạt động. Điều này chứng minh một thực tế khó khăn của các phòng trà hiện nay: Lỗ và lỗ không lối thoát. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thu không bù chi là cát-sê ngôi sao quá cao.

Trong lúc những phòng trà như M&Toi, Đồng Dao và 2B đang loay hoay chống chọi với lỗ thì các bar ca nhạc xuất hiện khắp nơi, kể cả những quận xa như Gò Vấp, Quận 6, Hóc Môn, Tân Bình. Mô hình hoạt động của các bar ca nhạc gói gọn trong một sân khấu nhỏ, không có ban nhạc. Ca sĩ thì hát bằng nhạc đĩa hoặc hát nhép. Một điểm khác xa giữa bar ca nhạc và phòng trà là không cần có sự xuất hiện của ngôi sao. Các ca sĩ hát hàng đêm ở các bar ca nhạc toàn ca sĩ thị trường, hát đủ thứ thể loại miễn sôi động, náo nhiệt còn tên tuổi chẳng quan trọng mấy. Những cái tên chẳng mấy khi được báo chí nhắc đến nhưng đang "gào" rầm rộ ở các bar ca nhạc có thể kể đến Lâm Vũ, Quang Hà, Lưu Gia Bảo, Nhật Kim Anh, Giáng Ngọc v.v..

Không cần ngôi sao mà vẫn nhộn nhịp, vẫn ồn ào và đông đúc nên bar ca nhạc liên tục phát triển còn phòng trà cứ co cụm lại rồi thưa vắng khách. Đến bây giờ, mà mô hình café ca nhạc cũng rực rỡ không kém. Thực chất, không phải phòng trà mất hết công chúng mà dường như các ngôi sao không hiểu nguyên tắc "đôi bên cùng có lợi".

Phòng trà độc quyền ngôi sao: lợi hay thiệt?

Sau khi đóng cửa phòng trà Tiếng Tơ Đồng, kinh nghiệm xương máu của ông chủ Văn Công Mỹ được đúc kết như sau: "Lúc phòng trà ở đỉnh cao, những khoản chi phí cho ngôi sao chúng tôi gánh được vì lúc đó cát-sê chưa khủng khiếp như bây giờ. Nhưng khi phòng trà xuống dốc, cộng với cát-sê tăng cao, chúng tôi hết khả năng chịu đưng. Cho khán giả ăn món ngon rồi, nghe toàn sao hát. Bây giờ không có sao người ta không đến. Thế là cứ rơi vào cái vòng luẩn quẩn"

Cái vòng luẩn quấn ấy của phòng trà Tiếng Tơ Đồng nay có phòng trà Đồng Dao... kế nghiệp. Mới đây, ông chủ phòng trà Đồng Dao loan tin với báo chí rằng mình đã độc quyền biểu diễn ca sĩ Mỹ Linh. Hợp đồng này được ký trong một năm, đến tháng 11/2006 mới hết hạn. Trong một năm này, ca sĩ Mỹ Linh muốn biểu diễn gì cũng được nhưng nếu diễn ở phòng trà chỉ được diễn ở Đồng Dao.

Nếu tỉnh táo nhìn kỹ lại những phòng trà Mỹ Linh đã biểu diễn, ngoài Tiếng Tơ Đồng đã trở thành dĩ vãng, M&Toi và Đồng Dao ít khi mời cô. Còn 2B là chỗ của ngôi sao duy nhất Mỹ Hạnh thì chắc chắn không có chỗ cho Mỹ Linh rồi. Vậy thì sự chọn lựa của Mỹ Linh và Đồng Dao có vẻ ... tự nhiên hơn là cái mác gắn "độc quyền", nhất là khi M&Toi bắt đầu chú trọng đến sự trẻ hoá ca sĩ và bắt đầu chán các ngôi sao.

Ông chủ Đồng Dao cho biết: "Chúng tôi sẽ thực hiện riêng cho ca sĩ Mỹ Linh mỗi tháng một, hai chương trình được đầu tư nghiêm túc và cẩn thận". Dù độc quyền, ca sĩ Mỹ Linh cũng không lấy cát-sê cao hơn bình thường. Có thể xem như một sự tương trợ lẫn nhau giữa ngôi sao và phòng trà.

Ngoài ca sĩ Mỹ Linh, sắp tới Đồng Dao dự định ký độc quyền với Đức Tuấn. Được trân trọng hơn, nghệ sĩ nào không thích. Nhưng trong tình hình ca nhạc tuột dốc như hiện nay, liệu Mỹ Linh có yên tâm đứng yên một chỗ? Một năm nữa hợp đồng hết hạn, liệu Đồng Dao có còn sức để tiếp tục bao sân độc quyền các sao lớn, hay lại rơi vào cái vòng bế tắc đã đánh sập Tiếng Tơ Đồng?

Trong môi trường cạnh tranh gay gắt, phòng trà nào cũng muốn có cái gì đó độc đáo, càng sáng tạo càng tốt. Tiếng Tơ Đồng từng thành công rực rỡ trong phong trào tổ chức những đêm nhạc chủ đề như Nguyễn Ánh 9, Mưa, Khi người đẹp hát v.v.. Nhưng thành công cũng chỉ vớt vát được vài đêm, sau đó các đêm khác trở lại hình thức cũ: ca sĩ xếp hàng ra hát.