Ca sĩ Ái Vân - Tiếp bước mẹ Ái Liên
Từ đêm 16-12, tại rạp Hưng Đạo, ca sĩ Ái Vân đã tham gia biểu diễn vở cải lương tuồng cổ Về đất Kinh Châu (tác giả Phi Hùng, Bạch Mai, đạo diễn Chí Linh – Hữu Huệ). Với vai diễn Nhị Kiều – vợ của dũng tướng Châu Du
Trở về Việt Nam từ năm 2002, sau khi tham gia chương trình kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương, ca sĩ Ái Vân đã đi về và tham gia rất nhiều chương trình ca nhạc. Thế nhưng sự kiện chị trở về với sân khấu cải lương, nơi đã cho chị nhiều kỷ niệm tuổi thơ thật ấm áp, đã thật sự tạo sự kiện đối với khán giả ca nhạc và sân khấu.
Ở tuổi 52, ít ai ngờ Ái Vân lại chịu khó học hỏi bộ môn cải lương tuồng cổ. Tâm sự với chúng tôi, chị xúc động: “Từ năm lên 5 tuổi, tôi đã bị ánh đèn sân khấu mê hoặc. Nhà tôi khi ấy ở số 38 phố Huế, còn rạp hát của mẹ tôi thì ở số 23 Ngô Thì Nhậm – Hà Nội. Chỉ cách mấy mươi mét nên anh chị em tôi đã có thêm một ngôi nhà thứ hai. Chúng tôi đã chạy sang xem mẹ và các cô chú tập vở. Tôi mới lên 5 nhưng thuộc làu các bài ca cổ trong vở Dệt gấm, Người con gái đất đỏ... Mẹ tôi - nghệ sĩ Ái Liên - là thần tượng đối với anh chị em trong gia đình tôi. Ngày đó mẹ đã cho tôi theo đoàn cải lương Nam Bộ, tôi được tham gia những vai nhi đồng, cũng ca vọng cổ, ca bài bản cải lương trong vở Em bé đánh giày, Lá cờ giải phóng... Tôi lớn lên từ đấy, ôm ấp giấc mơ được làm diễn viên sân khấu như mẹ. Nhưng rồi tôi được theo học thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (1969-1978) và chọn con đường ca sĩ. Các anh chị tôi, trong đó có anh Hà Quang Văn (đạo diễn – nhà giáo nhân dân), Hà Quang Sơn (họa sĩ sân khấu), em Ái Xuân, Ái Thanh... đã gắn bó với sân khấu, tiếp nối con đường nghệ thuật của mẹ. Những ngày qua trên sàn tập, tôi đã được sống lại với ký ức tuổi thơ, cứ ngỡ rạp Hưng Đạo là 23 Ngô Thì Nhậm ngày nào và nhà tôi ở phố Huế vẫn cứ hiển hiện trong nỗi nhớ. Bố tôi năm nay đã 94 tuổi, đang sống với em tôi là Ái Xuân. Khi nghe tôi tham gia biểu diễn tuồng cổ, ông rất vui và xúc động. Ông chính là người tạo nền tảng để mẹ tôi tự tin sáng tạo trên sân khấu cải lương. Vai trò nhà tổ chức đã tạo cho thương hiệu gánh hát cải lương Ái Liên một thời được công chúng yêu mến. Mấy ngày qua, trên sàn tập, hình ảnh của mẹ tôi dường như luôn ở bên tôi. Ngày xưa bà đã từng là một cô đào nổi tiếng trên đất Bắc với những vai tuồng cổ ấn tượng như: Vương hậu (Khuất Nguyên), Lương Sơn Bá (Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài)... Mẹ tôi qua đời năm 1991, khi bà 71 tuổi. Tôi ao ước có dịp được diễn trên sân khấu cải lương cho mẹ xem, nhưng đã quá muộn. Cứ nghĩ đến điều này là tôi xúc động. Vì mẹ chính là điểm tựa của cuộc đời tôi, cho tôi đôi cánh, ước mơ để đến với nghệ thuật”.
Câu chuyện anh em nhà Lưu Bị sang đất Ngô cầu hôn quận chúa, Lưu Bị có một tướng tài là Triệu Tử Long theo hộ giá. Châu Du khinh địch đã lãnh hậu quả khôn lường. Vai Triệu Tử Long do NSƯT Ngọc Giàu thể hiện, cùng với Ái Vân, Minh Nhí, Châu Thanh, Phượng Hằng, Chí Linh, Vân Hà, Hữu Huệ, Xuân Yến, Tào Thành, Tiểu Linh, Hiếu Cảnh... tạo nên bức tranh tuyệt đẹp của sân khấu tuồng cổ. Ái Vân không ngăn được xúc động khi thời gian ở Việt Nam, đi đến đâu biểu diễn chị cũng được khán giả yêu cầu chị hát lại những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi chị: Những bông hoa trong vườn Bác, Triệu đóa hoa hồng, Bài ca xây dựng, Hà Nội mùa thu, Nha Trang mùa thu lại về...
Kể về mái ấm gia đình, Ái Vân không giấu niềm hạnh phúc. Ông xã của chị là một người luôn ủng hộ con đường ca hát của vợ. Người con trai lớn của chị đã vào đại học, còn cô bé gái 14 tuổi rất thích nghe mẹ hát. Chưa thể nói rằng cô bé có nối nghiệp theo mẹ, nhưng niềm đam mê như ngày nào Ái Vân tập tành ca hát đã cho thấy hướng đi của một thành viên nhỏ trong một đại gia đình yêu nghệ thuật. Theo kế hoạch, chị sẽ tham gia biểu diễn các chương trình ca nhạc tại Việt Nam đến cuối năm. Sang năm chị sẽ thực hiện một album ca nhạc sản xuất và phát hành tại quê nhà.