Ca sĩ Anh Bằng: Tôi muốn thổi hơi thở cổ điển vào âm nhạc hiện đại

Từ bằng cấp Nhạc viện đến sân khấu nhạc nhẹ là một quãng đường không chỉ xa mà còn nhiều chông gai. Anh Bằng đang nỗ lực để thu ngắn quãng đường này...

Luôn xuất hiện với một dáng vẻ chỉn chu từ trang phục cho đến phong thái biểu diễn, những năm gần đây, Anh Bằng đã được xem như một giọng ca “nhạc viện” đắt sô nhất trên sân khấu ca nhạc ở TP. Với chất giọng nam cao khỏe khoắn và khá mượt mà, từng bước, anh đã chinh phục được khán giả trẻ, vốn là “fan” của các ca sĩ thời thượng. Tuần qua, trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp TPHCM – Hải Phòng Thắm mãi màu hoa phượng được tổ chức tại Nhà hát Bến Thành tối 3-5, cùng với dàn hợp xướng, ca sĩ Anh Bằng đã lại chứng tỏ ưu thế của giọng ca mình qua hai ca khúc Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà) và Thời hoa đỏ (Nguyễn Đình Bảng – thơ Thanh Tùng).

Học guitar, phát hiện ra năng khiếu hát

Cha là người Sài Gòn tập kết, mẹ là dân Hà Nội nhưng Anh Bằng lại sinh ra tại Hải Phòng. Năm tuổi, Anh Bằng cùng gia đình theo cha về định cư ở quê nội. Cả nhà không ai theo nghệ thuật nên từ nhỏ Anh Bằng cũng đã nhắm cho mình một nghề yêu thích: làm bác sĩ thú y. Anh rất yêu thú vật, trong nhà lúc nào cũng nuôi ít nhất năm chú chó làm “vật cưng”. Trong khi chờ thi vào Đại học Nông Lâm, nhằm bổ sung kiến thức cho việc tập luyện guitar, Anh Bằng ghi tên học nhạc lý lớp đêm ở Nhạc viện TP. Lớp nhạc lý ở cạnh lớp thanh nhạc hệ C của giảng viên Bùi Duy Tân nên thỉnh thoảng Anh Bằng cũng ghé vào dự thính. Chỉ sau vài ba tháng làm quen, thầy phát hiện trò có năng khiếu bèn khuyên theo con đường ca hát chuyên nghiệp. Ngày anh thi đậu vào Khoa Thanh nhạc (Nhạc viện TPHCM), cả nhà – cha mẹ và ba người chị – cứ ngơ ngác, “không biết nó học cái nghề ca hát để làm gì!”.

. Vài dòng:

- Tốt nghiệp hệ trung cấp (1994), đại học (1999) và cao học thanh nhạc Nhạc viện TPHCM (2005)

- Giải thưởng: Giải nhì Tiếng hát Truyền hình TPHCM (1994), giải ba Tiếng hát Truyền hình toàn quốc (1997), giải nhì Tiếng hát Phát thanh toàn quốc, giải ba concours nhạc thính phòng toàn quốc (2000).

- Biên tập nhiều CD và chương trình ca nhạc.

Bản thân anh, lúc đầu, cũng không tự tin lắm, vẫn luôn tự hỏi phải chăng mình đã chọn đúng đường?! Vào năm cuối bậc trung cấp thanh nhạc, Anh Bằng dự thi Tiếng hát Truyền hình (HTV) và đã đoạt giải nhì. Từ giải nhì, anh mạnh dạn đến tham gia biểu diễn ở sân khấu các nhà văn hóa như một cách thực tập, để rồi ba năm sau, khi đang học năm thứ hai đại học, anh đoạt giải ba Tiếng hát Truyền hình toàn quốc (VTV), và năm sau, đoạt luôn hai giải quốc gia: giải nhì (không có giải nhất) Tiếng hát Phát thanh và giải ba concours nhạc thính phòng. Những giải thưởng này đã củng cố thêm trong anh niềm tin vào con đường nghề nghiệp đã chọn, đồng thời mở ra cho anh nhiều sàn diễn lớn. Sự xuất hiện của Anh Bằng bên cạnh Tuấn Hưng trong tiết mục song ca Nếu điều đó xảy ra (Ngọc Châu) trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 14 như một thử nghiệm về sự kết hợp hai phong cách cổ điển và nhạc nhẹ đã tạo được nét mới lạ. Bên cạnh việc thường xuyên được chọn làm giọng ca “đinh” cho những tiết mục hợp xướng và là ca sĩ được tin cậy vào những ca khúc đòi hỏi cao về kỹ thuật thanh nhạc, Anh Bằng còn nhận được nhiều lời mời làm biên tập cho các live show, như: Làn sóng xanh (1), Tây NGUYÊN HÙNG TRÁNG, THắM MÃI MÀU HOA PHƯợNG VÀ SắP TớI, NGÀY 13-5, là Hành trình theo chân Bác, sẽ diễn ra tại Pắc Bó và cho album các ca sĩ Quang Linh, Siu Black...

Vừa làm thầy vừa làm trò

Ngay từ khi tốt nghiệp trung cấp, Anh Bằng đã được nhiều nhà văn hóa, các trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật mời cộng tác giảng dạy. Học trò anh thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ những em thiếu nhi cho đến những hạt nhân văn nghệ ở các cơ quan xí nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh được Nhạc viện TPHCM giữ lại làm giảng viên và học trò anh cũng ngày càng “nâng cấp”, chuyên nghiệp như ca sĩ Ngô Thanh Vân, các thành viên nhóm Y2k, The Bells,...”. Tuy nhiên, các ca sĩ trẻ này phần đông “họ chỉ đến học bài ba tháng, chủ yếu là để khai hoang, chữa cháy, chưa thu nhận được gì đã vội bay đi kiếm ăn” nên bao nhiêu tâm huyết, anh dành hết cho những học trò theo học chính quy ở trường nhạc. Năm 2003, Anh Bằng là giảng viên thanh nhạc đầu tiên ở VN thực hiện một CD Luyện giọng hát căn bản, đã phát hành được trên 5.000 đĩa.

Mặc dù sớm trở thành thầy, Anh Bằng suốt hơn 15 năm qua, từ ngày trúng tuyển vào Nhạc viện đến nay, vẫn luôn đeo đuổi việc học. Vì gia đình thuộc dạng “ngoại đạo” với nghệ thuật nên anh phải quyết tâm cao hơn người khác. Tốt nghiệp đại học thanh nhạc với số điểm tuyệt đối 10/10, năm 1999, Anh Bằng theo học tiếp bậc cao học và vừa ra trường loại giỏi vào tháng 3-2005. Khóa học kéo dài năm năm và anh là sinh viên duy nhất nên trong buổi thi tốt nghiệp, anh đã phải biểu diễn 6 Aria (trích đoạn nhạc kịch opera), 6 roman (ca khúc trữ tình cổ điển) và 4 ca khúc VN trong suốt 1 giờ 20 phút. Anh dự tính trong tương lai sẽ học thêm nghề chỉ huy hợp xướng và đạo diễn sân khấu, chuẩn bị cho công việc dàn dựng các vở nhạc vũ kịch (opera).

Gạch nối giữa âm nhạc cổ điển và âm nhạc hiện đại

Ca sĩ Anh Bằng với ca khúc Người mẹ của tôi (Xuân Hồng) trong chương trình ca nhạc chào mừng kỷ niệm 30 năm Báo SGGP tại khuôn viên Dinh Thống Nhất - TPHCM tối 5-5
Ca sĩ Anh Bằng với ca khúc Người mẹ của tôi (Xuân Hồng) trong chương trình ca nhạc chào mừng kỷ niệm 30 năm Báo SGGP tại khuôn viên Dinh Thống Nhất - TPHCM tối 5-5

So với những giọng nam cao đẳng cấp xuất thân từ “lò” cổ điển được công chúng hiện nay biết đến ở TPHCM như Tuấn Phong, Tạ Minh Tâm, Lê Nam Khánh, Vinh Sử... thì Anh Bằng là người đã đạt được ít nhiều thành công trong nỗ lực làm chiếc gạch nối, kéo gần khoảng cách giữa âm nhạc cổ điển và âm nhạc hiện đại. Hay nói một cách khác, anh thổi hơi thở kỹ thuật thanh nhạc cổ điển hòa nhập vào với tiết tấu, màu sắc của âm nhạc hiện đại, vừa đem lại cho công chúng “đại trà” một món ăn vừa hợp khẩu vị vừa có chất lượng cao.

Theo anh, hiện nay, khoảng cách giữa chuyện học và hành của những ca sĩ xuất thân từ trường lớp chính quy ở Nhạc viện vẫn còn là một cự ly xa. Muốn đến với sân khấu nhạc nhẹ, những ca sĩ này trước hết phải tự vượt qua trở ngại của bản thân, phải biết mạnh dạn bứt phá và tự trang bị thêm nhiều kiến thức như vũ đạo, cách xử lý âm thanh dàn nhạc điện tử, làm quen với tiết tấu nhạc điện đại... Anh Bằng, trong nhiều năm qua, đã thể hiện quyết tâm rất cao, vượt qua những khó khăn này để đến được với công chúng.

Trong năm 2005, Anh Bằng sẽ cho ra mắt CD riêng với nội dung gồm hai mảng: Đưa âm nhạc cổ điển vào âm nhạc hiện đại và đưa âm nhạc hiện đại đến gần với cổ điển. Chưa biết CD sẽ được công chúng đón nhận ra sao nhưng điều chắc chắn, nó sẽ đánh dấu một bước đi mạnh dạn, mới lạ của một trong những giọng ca nam xuất sắc nhất của TP hiện nay.