Chiến dịch trái tim bên phải: Vui nhộn, chân thật, lãng mạn

Hôm nay, 10-6, bộ phim Chiến dịch trái tim bên phải trình chiếu đồng loạt tại các rạp trong TPHCM. Nhân vật trung tâm trong Chiến dịch trái tim bên phải (Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất, đạo diễn Đào Duy Phúc) là cô giáo Hoài An và đám “bát quái” của lớp 10C - lớp do cô chủ nhiệm.

 Lần đầu đứng lớp, lại còn khá trẻ nhưng bằng những hành động rất tâm lý, cô giáo Hoài An đã dần chinh phục được bọn nhóc. Đám “bát quái” thành lập hẳn một “fan club Hoài An” và mở chiến dịch tìm người yêu cho cô. Người hội đủ những tiêu chuẩn theo các em là nhà báo Long-anh trai của một thành viên trong “bát quái”. Nhưng điều đám “bát quái” không ngờ là cô giáo đã có người yêu, đang du học ở xa. Thế là một kế hoạch được bọn trẻ vạch ra nhằm không cho chàng tiến sĩ khinh người kia “cướp trên giàn mướp” (từ của bọn trẻ dùng) cô giáo Hoài An xinh đẹp...

Bộ phim Chiến dịch trái tim bên phải đã không vướng vào lối mòn của những bộ phim VN trước đây dành cho tuổi học trò. Đầu tiên là việc xây dựng hình ảnh cô giáo. Cô giáo Hoài An hiện ra trong Chiến dịch trái tim bên phải là một con người trẻ trung, xinh đẹp, phong cách hiện đại và nhất là khá am hiểu tâm lý học trò, khác hẳn với những hình mẫu cô giáo lâu nay thường được xây dựng trong các phim VN: già, khó tính, luôn quát nạt học trò. Các diễn viên vào vai đám “bát quái” ngoài đời cũng còn đang cắp sách đến trường nên diễn xuất rất tự nhiên, tạo cảm giác dễ chịu cho người xem. Thêm vào đó, tính chân thật cũng là một trong những điểm mạnh của bộ phim. Sự chân thật nằm trong lời thoại (kiểu “cướp trên giàn mướp”) lẫn những tình tiết, chẳng hạn cảnh bọn con trai đua nhau mua những sản phẩm “nếu không nói ra thì không ai biết” để đổi vé xem live show Bức Tường, nam hóa trang thành nữ - nữ hóa trang thành nam diễn vở kịch Roméo-Juliette trong chương trình văn nghệ mừng Ngày Nhà giáo 20-11... Ngoài ra, phim cũng không thiếu những những cảnh tượng khá lãng mạn như cảnh một “quái” nam vốn sợ độ cao nhưng đêm Noel lại leo tuốt trên cành cây cao để trao quà cho cô bạn mà cậu mến, cảnh kết phim...

Đáng tiếc Chiến dịch trái tim bên phải vẫn có vài điểm hạn chế. Đầu tiên là chất lượng hình ảnh quá kém vì thế những cảnh đẹp của vùng núi miền Bắc hiện lên trong phim không gây ấn tượng. Âm thanh cũng không khá hơn, đôi lúc khán giả không nghe được thoại. Ngoại hình xinh đẹp của Hồ Ngọc Hà hoàn toàn thích hợp vào vai cô giáo Hoài An nhưng diễn xuất của cô không thật nổi trội. Trần Lực diễn tốt nhưng bị hạn chế về mặt ngoại hình. Tương tự là trường hợp của diễn viên vào vai nhà báo Long (ngoại hình lẫn diễn xuất chưa thuyết phục).

Bỏ qua một số hạn chế trên, Chiến dịch trái tim bên phải chinh phục trái tim của các khán giả học trò lẫn người lớn bằng một cốt truyện vui tươi, dí dỏm, tiết tấu nhanh.

Khởi động dòng phim tuổi học trò

. Phóng viên: Chọn đề tài tuổi học trò để làm phim - anh không thấy là mình quá mạo hiểm?

- Đạo diễn Đào Duy Phúc: Tôi rất hiểu là mình đang mạo hiểm. Lứa tuổi dậy thì, như tất cả chúng ta đều biết, không thể tránh khỏi những rung động, bâng khuâng. Nhưng lên phim, không được gọi đấy là tình yêu. Phải làm sao để đủ cảm nhận rằng, có những tình cảm lung linh, mơ hồ, nhưng cũng không ai bắt bẻ được đó là tình yêu. Bởi vậy, ngay từ khi đọc kịch bản đến trường quay, trong từng câu thoại, từng diễn xuất của diễn viên, tự tôi luôn phải có một cái cân, một cái thước trong đầu. Thừa thì rất dễ bị “stop!”, nhưng thiếu thì phim sẽ bị nhạt. Đó là cái liều thứ nhất. Cái liều thứ hai, phim về tuổi mới lớn ở nước ta từ trước tới nay luôn bị kêu là sáo rỗng, giáo điều, để tránh được vết xe đó không phải dễ. Một cái liều nữa, tất cả các diễn viên của tôi đều là nghiệp dư. Nhưng đã trót ngồi trên lưng cọp rồi thì phải cưỡi thôi.

. Đây là phim tài trợ đầu tiên của Hãng phim Truyện Việt Nam nhắm vào yếu tố ăn khách. Bằng cách nào mà anh vừa đáp ứng được thị hiếu khán giả, nhưng không sa vào dễ dãi, rẻ tiền?

- Quan điểm của tôi: Khán giả đến rạp là để giải trí, thư giãn đầu óc, nhưng khi ra về vẫn còn một chút gì đó bâng khuâng đọng lại...

. Nói thì rất dễ, nhưng trước đây, chưa một bộ phim tuổi học trò nào của chúng ta làm được điều ấy...

- Điều may mắn của tôi là có được một kịch bản cực hay. Đồng tác giả kịch bản là hai người rất trẻ. Hoàng Anh Tú mới 25 tuổi, thư ký tòa soạn của Báo Hoa Học Trò, còn Đào Thùy Trang thì thuộc “thế hệ 8X”. Cả hai người rất gần gũi với tuổi học trò hôm nay, vì thế mà các chi tiết trong phim, đặc biệt là lời thoại, rất sống động, tinh nghịch, gần gũi với nhịp sống học đường.

. Anh tiếp tục thực hiện một bộ phim nữa về tuổi học trò?

- Rất sẵn sàng. Thực ra thì tôi và Tú, Trang có rất nhiều ý tưởng, dự định cho những bộ phim mới, nhưng cũng chỉ vì vấn đề kinh phí mà lực bất tòng tâm.

Thảo Chi thực hiện