Chống phim sex: Phải tạo sức đề kháng cho trẻ

Làm gì để bảo vệ con em khi gia đình ta sống giữa sông biển mênh mông? Chỉ có một cách là tập cho con biết bơi từ bé. Các nước đi trước thời kỳ đầu của công nghiệp hóa cũng gặp những vấn đề như ta, nên song song với nâng cao năng lực quản lý (dựa trên cơ sở khoa học xã hội hiện đại) họ tìm cách tạo cho trẻ sự miễn nhiễm hay sức đề kháng, vì không thể quay ngược tình hình.

Dù quản lý có chặt chẽ tới đâu, với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật nhanh như vũ bão, vẫn còn vô số kẽ hở.

Tạo cho trẻ sức đề kháng như thế nào? Về mặt tinh thần đây là đứa trẻ được giáo dục cách nào đó để tự nó có suy nghĩ và hành động đúng chứ không phải nhờ được "bịt mắt”, cấm đoán hay nghe giảng đạo đức nhiều. Vậy làm sao ''bơm" cho trẻ nội lựåc này, nhất là khi trẻ ngày nay thường phải đương đầu một mình với cuộc sống mà không có cha mẹ đi kèm? Chỉ có một cách là thả trẻ xuống nước, tập cho trẻ bơi từ từ cho đến lúc có thể thả trẻ một mình.

Đây chính là cuộc cách mạng trong giáo dục học đường lấy trẻ làm trung tâm và một cái nhìn mới về gia đình, về quan hệ cha mẹ con cái để giúp trẻ tự lực nhanh. Thả trẻ xuống nước chính là để trẻ tiếp xúc với thực tiễn cuộc sống. Ví dụ để bảo vệ trẻ đối với nạn bắt cóc hay lạm dụng tình dục, ngay đối với trẻ rất nhỏ người ta cho trẻ biết là có nhiều người lớn có ý đồ xấu, như vậy cho nên trẻ không bao giờ nên nhận bánh kẹo, tiền bạc từ người lạ, không bao giờ đi chơi với họ. Tri hô lên khi một người đàn ông lớn tuổi đụng đến nơi nhạy cảm trên thân thể trẻ v.v...

Đối với những chuyện như hình ảnh đồi trụy trên mạng, có khi trẻ lại tiếp xúc với ''thực tế” trước người lớn. Vấn đề là khi tập cho trẻ bơi thì người lớn phải biết bơi mới nói chuyện với trẻ được. Do dó, khi nghe con hay bạn của con tiếp xúc với hình ảnh đồi trụy, cha mẹ cần bình tĩnh, phải ít nhiều biết về Internet và biết cách đề cập đến vấn đề một cách thẳng thắn với trẻ mà không hoảng hốt, ngượng ngùng. Cha mẹ cần biết cách gần gũi, đối thoại với con để chúng có thể tâm tình một cách thoải mái. Điều chúng cần nhất là cảm giác được tôn trọng, tin tưởng...

Ở nhà trường, giáo viên phải được chuẩn bị đề cập một cách cởi mở, thẳng thắn với trẻ và tạo điều kiện cho trẻ nói lên suy nghĩ của mình về những vấn đề phức tạp như phim sex v.v...

Vì kiểu giáo dục cũ như cấm đoán, lên lớp không còn hiệu nghiệm nên từ đầu thập kỷ 90 các  trào lưu quốc tế mới thiết lập hệ thống giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống v.v... Đơn giản đó là dạy người, dạy đạo đức và nghĩa vụ công dân dưới hình thức mới. Người lớn không giảng bài mà đặt trẻ trước những tình huống cụ thể để trẻ tự phân tích đánh giá nhờ học được cách tư duy có phê phán, sáng tạo. Tác động của "đồng đẳng” rất mạnh mẽ nên trẻ phải học theo nhóm nhỏ, thảo luận, tranh luận. Trẻ có suy nghĩ tích cực sẽ ảnh hưởng tốt đến bạn mình.

Ngày nay, ở nhiều nước, giáo dục kỹ năng sống là môn học chính khóa ở trường học, chứ không chỉ là một sinh hoạt ngoại khóa như ở ta. Giáo dục kỹ năng sống đã được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu của thập kỷ 90, nhưng tới nay nó còn ở dạng thí điểm bởi còn quá xa lạ với cách giáo dục lạc hậu của ta. Nếu không mau chóng đưa phương pháp giáo dục mới vào cuộc sống, thì ta sẽ bị động dài dài.

Không có cách nào khác hơn là trong xã hội hiện đại, cần có những gia đình vững chắc và những cá nhân trưởng thành. Về mặt này, xã hội ta cần nỗ lực rất nhiều.