Chuyện về chủ nhân sàn Art

Họa sĩ Lê Quang Đỉnh, chủ nhân sàn Art, luôn trăn trở với một mong ước kết nối được mỹ thuật đương đại Việt Nam và thế giới

img
Tác phẩm tranh đan – góc nhìn về chiến tranh làm nên tên tuổi Lê Quang Đỉnh khi còn là sinh viên. Ảnh do nhân vật cung cấp
Sang Mỹ định cư từ năm lên 10 tuổi, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật California rồi trở về Việt Nam lập nghiệp, họa sĩ Lê Quang Đỉnh trong mắt bạn bè bây giờ vẫn như một “kẻ quê” chân chất và hồn hậu, chỉ khác là kẻ quê đó luôn thao thức với những mất mát,  hy sinh của dân tộc và xây dựng lại những hình ảnh ấy trong các tác phẩm mỹ thuật đương đại của mình qua góc nhìn hiện đại, giữa những biến chuyển từng ngày của thời gian và ký ức.
img
 Họa sĩ Lê Quang Đỉnh

Thao thức với quá khứ

Không phải tự nhiên sinh viên Lê Quang Đỉnh của hơn 20 năm về trước chọn chiến tranh làm đề tài chủ đạo trong suốt quá trình sáng tác của mình. “Những năm cuối thập niên 1970, Mỹ thực hiện rất nhiều phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, phát khắp nơi cho nhân dân Mỹ xem. Họ chỉ nói về những gian khổ, mất mát của quân đội Mỹ; còn bao nhiêu tang thương, hy sinh mất mát của dân tộc Việt Nam chỉ thoáng qua. Tôi đã nghĩ đến việc phải làm sao để người dân đất nước này hiểu thấu được sự thật khốc liệt của cuộc chiến” – họa sĩ Lê Quang Đỉnh hồi tưởng. Và bằng những sáng tạo của tuổi trẻ, anh đã tạo ra thể loại tranh đan. Hình ảnh con người như bị cắt lớp, chồng chéo lên nhau, vừa như hữu hình vừa như vô hình nhưng tổng hòa lại là một câu chuyện, một thông điệp sâu sắc về cuộc chiến. Các tác phẩm được chú ý nhiều đến mức cứ nhắc đến tranh đan là giới mỹ thuật New York lúc bấy giờ lại nhớ đến cái tên Lê Quang Đỉnh.

Tổ chức hơn 30 triển lãm cá nhân tại nhiều quốc gia, thực hiện nhiều dự án có tầm ảnh hưởng đến mỹ thuật đương đại thế giới, xây dựng sàn Art - không gian nghệ thuật phi lợi nhuận - nhận được sự quan tâm của bạn bè quốc tế, họa sĩ Lê Quang Đỉnh đã vinh dự được hoàng gia Hà Lan chọn trao giải thưởng Prince Claus Foundation vào ngày 8-8.

Ngay cả khi trở về nước (vào năm 1993), dự định sáng tác một “cái gì đó” cho quê hương Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), anh cũng bị ám ảnh bởi tội ác diệt chủng Khmer Đỏ. Ký ức tuổi thơ thêm một lần nữa như một vết hằn, tác phẩm lại bắt đầu xoay quanh trục ý tưởng về đề tài chiến tranh. “Có những lúc tôi nghĩ rằng mình nên khép lại những gì đã qua để sống một cuộc sống mới, gầy dựng lại ký ức cho mình và cho những sáng tạo nghệ thuật. Nhưng có những ý tưởng, những con đường cứ mở ra, cứ dẫn dắt mình đi và tôi mải mê đi theo những dẫn dắt đó. Nhiều khi ngỡ như đoạn đường kết thúc, nhưng mình đi đến cuối con đường rồi lại thấy tiếp một quãng đường khác dài hơn, một khoảng trời rộng hơn. Và cứ thế, mình… đi tiếp” – họa sĩ Lê Quang Đỉnh lý giải cho phong cách sáng tác luôn ảnh hưởng bởi góc nhìn về chiến tranh của mình.

Sau này, anh cũng có thêm nhiều tác phẩm tạo tiếng vang, như Biển Đông Pishkun (2009) - một hoạt cảnh 3D tái hiện cảnh chiếc máy bay trực thăng rơi khi quân đội Hoa Kỳ tháo chạy khỏi Sài Gòn trong sợ hãi; The Farmers and the Helicopters (Những người nông dân và máy bay trực thăng), từ sáng tạo của hai nông dân Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải (tỉnh Tây Ninh). Hình ảnh chiếc máy bay trực thăng từng là phương tiện gieo rắc tội ác trong cuộc kháng chiến, nay được những nông dân chế tạo thành công cụ hỗ trợ cho nông nghiệp. Tác phẩm được thực hiện dưới hình thức phim tài liệu kết hợp nghệ thuật sắp đặt này được trưng bày tại Bảo tàng Moma (New York) đã được đón nhận nồng nhiệt. Đây cũng là một trong những tác phẩm góp phần tạo dấu ấn của họa sĩ Lê Quang Đỉnh với bạn bè quốc tế.

Sáng tác theo ý tưởng dẫn dụ

Quá khứ dẫn dụ cho góc nhìn sáng tạo về chiến tranh, đề tài về chiến tranh lại xây dựng nền móng tiếp tục cho những hình ảnh thời bình. Cuộc sống ở xứ người dẫn dụ ý thức tìm về với quê hương, thời gian sống ở TPHCM lại tiếp tục đưa bước chân đi sâu vào những ngõ phố, chạm vào những tầng bậc của cuộc sống, cúi xuống những số phận người… Lê Quang Đỉnh miên man trong thao thức nghệ thuật của mình bằng những dẫn dụ như thế.

Thời gian này, anh đang dồn sức đầu tư cho dự án mỹ thuật đương đại về cuộc sống người dân TPHCM, sẽ được trình làng tại New York vào tháng 9 tới. Dự án kéo dài đến 3 năm, ấp ủ ý tưởng gần một năm, thêm 12 tháng để anh cầm máy quay đi theo chân 12 gánh ve chai - tượng trưng cho số quận, huyện của TPHCM được chọn thực hiện trong dự án - tỉ mẩn ghi lại từng bước đi, từng con đường, từng điểm đến của những người lao động và cần thêm ngần ấy thời gian để trình bày, sắp đặt hoàn chỉnh.

“Tôi muốn dùng bước chân của người lao động để vẽ lên bản đồ TP, dõi theo công việc của họ để khắc họa nên lối sống sinh hoạt của cư dân đô thị. Những phế liệu cũng được tôi thu mua lại để sáng tạo thành những tác phẩm trừu tượng. Qua dự án này, bạn bè thế giới có thể nhìn thấy, lắng nghe một câu chuyện chân thật về TPHCM qua lời kể của chính người dân, chứ không còn là góc nhìn riêng của họa sĩ” - họa sĩ Lê Quang Đỉnh chia sẻ.

Chủ nhân sàn Art nói ý tưởng trong đầu thì nhiều, có những cái đến nhanh rồi qua nhanh nhưng có những cái cứ “luẩn quẩn trở đi trở lại” khiến mình cứ phải sắp xếp và thực hiện “từng món” một. Anh vẫn sống giản dị, thầm lặng sáng tác theo “ý tưởng dẫn dụ” và trăn trở với một mong ước kết nối mỹ thuật đương đại Việt Nam và thế giới.

Sàn Art - bệ đỡ của nghệ sĩ trẻ

Sàn Art - không gian nghệ thuật mở dành cho những nghệ sĩ trẻ cũng bắt đầu được hình thành từ ý tưởng nhen nhóm của anh từ khi về nước. Hiểu rằng mỹ thuật đương đại còn quá xa lạ với công chúng Việt và những nghệ sĩ trẻ cũng thiếu hẳn sân chơi, anh đã quyết định xây dựng sàn Art từ nguồn quỹ phi lợi nhuận dành cho nghệ thuật được xây dựng tại Los Angeles (Mỹ).

Và gần 5 năm qua, sàn Art đã trở thành điểm hẹn cho những người yêu mỹ thuật, tạo cơ hội cho những nghệ sĩ trẻ có cơ hội giới thiệu mình.