“Cơn sốt” Chuyện tình Paris

Nội dung nhẹ nhàng, bối cảnh lãng mạn, diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên tạo nên sức hút cho Chuyện tình Paris (đang phát trên VTV 3 mỗi ngày lúc 21 giờ, trừ thứ bảy và chủ nhật)

Chỉ mới qua 6 tập, nhưng Chuyện tình Paris đã cho thấy đây là bộ phim đủ sức gây “cơn sốt” cho khán giả kể từ sau “hiện tượng” Nàng Dae Jang Geum. Trên trang web Moviesboom- diễn đàn điện ảnh lớn nhất hiện nay- tỉ lệ những lời bình luận dành cho bộ phim này cao nhất so với những phim Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đang phát sóng: Đứa con phá sản, Không chốn dung thân, Tìm lại tình yêu, Áo cưới...

Nội dung lãng mạn + bối cảnh đẹp = 50% thành công

Chuyện tình Paris là tác phẩm được hãng SBS (Hàn Quốc) đầu tư rất công phu với tham vọng tạo nên “hiện tượng” như các tác phẩm trước đây của hãng: Giày thủy tinh, Một cho tất cả, Nấc thang lên thiên đường... Kết quả không nằm ngoài mong đợi, Chuyện tình Paris trở thành một trong những bộ phim truyền hình ăn khách nhất ở Hàn Quốc năm qua, tỉ suất người xem lúc cao nhất đạt đến 57%. Nội dung phim hoàn toàn không mới: hai chàng trai cùng yêu một cô gái và rốt cuộc cả hai nhận ra họ là cậu cháu của nhau. Thế nhưng để Chuyện tình Paris không rơi vào sự nhàm chán, các nhà sản xuất đã rất khéo léo khi ngay tập đầu chọn bối cảnh thủ đô Paris hoa lệ - nơi được mệnh danh là thành phố lãng mạn nhất thế giới - để mở màn cho câu chuyện tình giữa nàng “lọ lem” Tae Young và chàng “hoàng tử” Ki Joo. Cảnh Tae Young trong bộ trang phục dạ hội vai trần thật lộng lẫy, nhẹ nhàng những bước chân khiêu vũ với ông chủ Ki Joo trong một lâu đài kiểu Pháp có thể xem là cảnh tượng lãng mạn, khó quên nhất của phim. Với một mở đầu như thế, Chuyện tình Paris tiếp tục cuốn hút người xem bằng những tình tiết bất ngờ vui nhộn cùng những cảnh đẹp mê hồn của kinh đô ánh sáng Paris. Mặc dù còn không ít những chi tiết hơi khiên cưỡng nhưng với các ưu điểm: lời thoại ngắn gọn, dí dỏm, tiết tấu phim nhanh, không bệnh tật, không nhiều nước mắt như “công thức” thường thấy trong các câu chuyện tình tay ba kiểu Hàn, Chuyện tình Paris đã buộc người xem phải dán mắt vào màn hình mỗi đêm.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Chuyện tình Paris không chỉ dừng lại ở đó. Xem phim, khán giả còn nhận ra biết bao thông điệp mà các nhà làm phim muốn gửi gắm: tình yêu vượt qua mọi rào cản địa vị, giàu nghèo, hãy sống lạc quan, dũng cảm đấu tranh, hạnh phúc nhất định sẽ tìm đến.

Yếu tố quyết định: diễn viên

Cách lựa chọn diễn viên trong Chuyện tình Paris minh chứng một điều: không phải diễn viên trẻ, đẹp là phim ăn khách. Hợp vai, diễn xuất tốt mới chính là chìa khóa thành công. Bằng chứng là nam diễn viên chính Park Shin Yang đã ngấp nghé 40 tuổi, cô bạn diễn Kim Jung Eun của anh cũng xấp xỉ 30. Cả hai không phải là nam thanh, nữ tú thế nhưng khi xem phim, hầu như ai cũng phải công nhận họ sinh ra là để vào vai Ki Joo và Tae Young. Park Shin Yang đã lột tả được vẻ ngoài đứng đắn, lịch lãm của một ông chủ Ki Joo lẫn vẻ vụng về của một người đàn ông khi yêu. Với Kim Jung Eun, đây là vai diễn “đo ni đóng giày” cho cô và Kim Jung Eun đã không phụ lòng người xem. Nét ngô nghê, tính cách thẳng thắn, nghĩ gì nói ấy của nhân vật Tae Young được Kim Jung Eun thể hiện thật sinh động. Chuyện tình Paris góp phần đưa Park Shin Yang và Kim Jung Eun trở lại đỉnh cao của sự nghiệp, diễn xuất ăn ý của cả hai cũng giúp họ đoạt giải thưởng của hãng SBS: Cặp đôi được yêu thích nhất năm 2004.

Ngoài ra, thành công của phim còn phải kể đến diễn xuất của nam diễn viên Lee Dong Gun. So với Park Shin Yang và Kim Jung Eun, Lee Dong Gun còn khá trẻ (25 tuổi). Vẻ ngoài bất cần đời, cá tính dám nghĩ dám làm của anh chàng đánh trống Soo Hyuk trong Chuyện tình Paris qua sự thể hiện của anh khá thuyết phục người xem.

Đạo diễn Võ Tấn Bình: Mới lạ trong từng chi tiết

Tuy chủ đề chuyện tình tay ba, tay tư trong phim Chuyện tình Paris không mới đối với phim Hàn Quốc nhưng bộ phim lại mới trong từng chi tiết. Chuyện tình Paris lôi cuốn khán giả nhờ tính sáng tạo được thổi vào đấy qua những tình tiết tưởng chừng vô cùng nhỏ nhặt, chẳng hạn cảnh gặp gỡ giữa cô giúp việc Kang Tae Young và ông chủ Han Ki Joo đầy ấn tượng ở đầu phim. Và cũng như những bộ phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc từng làm mưa làm gió trên màn ảnh nước ta, với hàng chuỗi tình tiết dồn đuổi ngay từ những tập đầu khiến không chỉ khán giả mà giới làm phim chúng tôi cũng phải chú ý theo dõi, việc Chuyện tình Paris thu hút khán giả là lẽ đương nhiên.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng: Rượu cũ, bình mới

Chuyện tình Paris tuy sản xuất chưa lâu nhưng cũng nằm trong dòng phim tình cảm Hàn Quốc đã lấy nước mắt của không ít khán giả VN mấy năm gần đây. Bộ phim vẫn với thế mạnh là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố diễn viên ngôi sao, trang phục đẹp, bối cảnh lãng mạn, nhưng lần này, yếu tố bối cảnh đã được đẩy lên hàng đầu. Không còn quanh quẩn ở Hàn Quốc với mùa thu lá vàng, mùa đông tuyết trắng xóa buồn đến nao lòng, bối cảnh trong Chuyện tình Paris đã vươn đến tận kinh đô ánh sáng. Điều đó không chỉ chứng tỏ nền điện ảnh - truyền hình Hàn Quốc luôn tìm tòi, hướng đến cái mới mà còn cho thấy khả năng hội nhập, vươn đến tầm toàn cầu hóa khá nhanh của đất nước này.

P.Trang ghi