Đạo diễn thêm nghề biên kịch
Sân khấu kịch đang xuất hiện một lớp đạo diễn trẻ tự viết kịch bản để tồn tại với nghề. Có người thành công nhưng không ít người gặp phiền toái vì chuyện tác quyền
Có ít nhất 10 vở diễn của đạo diễn trẻ hiện nay đang được sáng đèn trên các sân khấu kịch. Có vở họ đứng tên chung với một tác giả hoặc chịu trách nhiệm trước công chúng với vai trò tác giả kịch bản, đó là những vở diễn Mùa bông điên điển (đạo diễn Trung Dân), Chuyện tình mùa thu (Đức Thịnh dựa theo tác phẩm của Sỹ Hanh), Chiếc cầu (Chánh Trực), Quán mì hạnh phúc, Bồ câu đưa thư, Thị Mầu lên chùa (đạo diễn Quốc Bảo)...Chỉ dừng lại ở ý tưởng
Điểm lại các kịch bản do chính đạo diễn trẻ sáng tác, dễ nhận thấy ngay những hạn chế về mặt ngôn từ, thiếu chất văn học. Hầu hết các kịch bản chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng, được triển khai theo cách nghĩ của đạo diễn trẻ. Vở Mùa bông điên điển của đạo diễn Trung Dân được dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Kịch TPHCM, phản ánh thực trạng nông thôn ngày nay trước xu hướng đổi mới của xã hội. Với cái gu thích khai thác đề tài về nông thôn, Trung Dân khá thành công khi tự tay viết và dựng kịch bản về đề tài này. Song, đôi lúc anh chủ quan nên, trên sàn tập, kịch bản vẫn phải chỉnh sửa theo sự góp ý của các diễn viên. Vở Chiếc cầu của đạo diễn Chánh Trực xuất phát từ ý tưởng về chung tay xây dựng một chiếc cầu bị gãy thì mọi việc trong làng quê sẽ tốt hơn. Với ưu điểm nhanh nhạy biết dung nạp những thông tin thời sự vào kịch, Chánh Trực đã xây dựng vở kịch bám sát hơi thở cuộc sống. Tuy nhiên, khuyết điểm của anh là không làm chủ được tuyến kịch, để diễn viên sa đà vào những mảng miếng hài vụn vặt.
Các vở: Quán mì hạnh phúc, Bồ câu đưa thư, Thị Mầu lên chùa... đều do đạo diễn Quốc Bảo sáng tác và dàn dựng tại Nhà hát Kịch Thế Giới TRẻ. Dù Quốc Bảo vẫn được đánh giá là một cây bút siêng năng nhất hiện nay nhưng khuyết điểm của Quốc Bảo là chưa đẩy những đoạn cao trào đến cực điểm, để nhân vật có thể khóc cười trước hoàn cảnh đặt ra. Xem các vở anh viết kịch bản vẫn thấy tiếc vì thiếu nhiều dư vị để cảm xúc người xem thăng hoa.
Túng thì phải biến
Trước thực trạng số lượng kịch bản quá ít như hiện nay, các tác giả chuyên nghiệp đổ xô sang lãnh vực sáng tác kịch bản phim truyền hình nhiều tập đã khiến cho nguồn kịch bản sân khấu vơi đi đáng kể. Đây là lý do các đạo diễn trẻ muốn có đất dụng võ phải nhảy vào cuộc với nghề tay trái: viết kịch bản. Đạo diễn Đức Thịnh được xem là gương mặt “hot” nhất hiện nay cho biết: “Nhiều kịch bản đọc chỉ lấy được ý tưởng, muốn triển khai phải đặt bút viết".
Đạo diễn Chánh Trực tâm sự: “Không ai thích tự biên, tự dựng cả, vì sẽ không khách quan mà vở kịch sẽ được dựng theo chủ quan của mình. Thế nhưng trong tình trạng không tìm ra kịch bản hay chúng tôi phải lao vào cuộc".
Vấn đề đặt ra cho các đạo diễn trẻ khi tham gia viết kịch bản là phải thâm nhập vào đời sống thực tế. Họ vẫn quen nằm nhà sáng tác dựa trên ý tưởng được nảy ra qua trao đổi với bạn bè hoặc đọc sách, báo, xem truyền hình. Vì thế kịch bản họ sáng tác thường rơi vào tình trạng “non tay nghề”.
Tranh chấp tác quyền T.P và T.Q đều là sinh viên Khoa Đạo diễn Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Lúc còn thân nhau, cả hai bàn bạc đề tài ngôi sao ca nhạc nhí nhố. Thế rồi cả hai đều tự viết hai kịch bản khác nhau nhưng có chung một ý tưởng và suýt choảng nhau vì tranh giành quyền sở hữu câu chuyện kịch. Khi họ ra trường, đều làm đạo diễn, đã có hai bản dựng ở hai sân khấu na ná giống nhau về đề tài này. Không riêng gì đạo diễn trẻ, những đạo diễn có tên tuổi cũng lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười này, khi trong những cuộc “trà dư tửu hậu”, họ kể cho nhau nghe về một ý tưởng kịch. Thế là dân trong nghề chộp lấy, viết đêm, viết ngày, đến lúc bán cho một sân khấu, ông bầu đã điên đầu vì các bên tranh chấp tác quyền dữ dội. |