Đạo diễn trẻ chơi vơi trên sân khấu thị trường
+ Đạo diễn trẻ chưa được tạo điều kiện làm nghề một cách nghiêm túc+ Trong 10 năm qua, có gần 100 đạo diễn trẻ đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam, nhưng rất hiếm người sống được với nghề một cách đúng nghĩa.
Hầu hết họ đều phải đổi nghề hoặc chấp nhận ép mình dàn dựng những kịch bản hài chiều theo thị trường.
Phải biết dựng hài mới tồn tại
Từ những bước tiến của đàn anh, đàn chị đi trước, một thế hệ đạo diễn trẻ đã hăm hở bước vào nghề, nhưng họ đã không gặp may khi cái chuẩn chuyên môn trong cơ chế thị trường đã bị pha tạp bởi tính thương mại. Việc được giao kịch bản để dàn dựng tại các sân khấu kịch là một vấn đề nan giải. Trước hết họ phải bảo đảm được doanh thu, phải có nhiều chiêu để câu khách. Ngay cả kịch bản của Lưu Quang Vũ cũng bị bóp méo thành hài kịch, cười cợt, nham nhở, bông phèn. Trên sàn tập, đạo diễn trẻ còn phải đối đầu với một số diễn viên ngôi sao, họ đi trễ về sớm, tập tành thiếu nghiêm túc. Chưa kể đến việc đạo diễn trẻ phải chấp nhận đứng về phe cánh của ngôi sao A., danh hài B. thì mới “yên thân” dựng vở. Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc cho biết: “Đâu phải đạo diễn nào cũng có thể dựng được hài kịch. Làm cho khán giả cười với tiếng cười mỹ học, nâng cao giá trị cuộc sống qua lăng kính hài không phải là chuyện dễ. Nhưng thực tế hiện nay đạo diễn trẻ muốn tồn tại với sân khấu thị trường thì phải biết dựng hài”. Đây là một nghịch lý?
Chơi vơi giữa cơn lốc thị trường, một số đạo diễn trẻ đã âm thầm bỏ nghề. Có người xin về trường làm công tác giảng dạy, có người gắn bó với các đài truyền hình làm công tác biên tập. Đạo diễn Chánh Trực tâm sự: “Phải thừa nhận thực tế hiện nay nhiều người trong giới đánh giá cao về giá trị thị trường. Vì vậy hài kịch đang là gam màu chủ đạo hiện nay của các sân khấu. Nhưng điều chúng tôi – thế hệ đạo diễn trẻ - băn khoăn là các sân khấu đã không góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ qua những vở diễn chính thống. Bộ mặt sân khấu TPHCM đâu chỉ là hài kịch?”.
Khát vọng được làm nghề chuyên nghiệp
Khi sân khấu kịch nói rơi vào vòng xoáy thị trường với sức cạnh tranh gay gắt như hiện nay, ngay cả các đạo diễn tên tuổi còn phải chấp nhận việc nương theo thị trường để sản sinh những đứa con tinh thần ngoài ý muốn, thì nói chi đến đạo diễn trẻ. Song, một số ít vẫn cố giữ cho nghề ngọn lửa tâm huyết với những vở kịch được dư luận đánh giá cao trong thời gian qua như: Người và dã thú (Vũ Đình Toàn – Hùng Lâm), Carmen (Đoàn Bình), Tiếng chim vườn Ngọc Lan (Nguyễn Anh Đức), Bông hồng trên sàn đấu (Mỹ Khanh), Cuộc sống tươi đẹp (Nguyễn Lâm)... Ba đơn vị: Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, Nhà hát Kịch TPHCM và Nhà hát Thế giới trẻ (Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) đã tạo điều kiện cho nhiều đạo diễn trẻ xác định hướng đi với trách nhiệm khôi phục dòng kịch chính thống. Ba đơn vị này đã có nhiều vở không pha tạp chất hài vô thưởng vô phạt mà tập trung khai thác những vấn nạn xã hội, chống tiêu cực, ca ngợi gương tốt, việc tốt. Tuy nhiên số lượng kịch bản này quá hiếm. Cách dàn dựng đòi hỏi phải mang tính đột phá. Vấn đề đặt ra là bao giờ các đạo diễn trẻ có một sân chơi chuyên môn dành cho họ. Ông Lê Duy Hạnh, Tổng Thư ký Hội Sân khấu TPHCM, cho biết: “Đạo diễn trẻ phải ý thức làm nghề một cách chuyên nghiệp, tránh việc tùy tiện, dễ dãi. Sau Liên hoan Sân khấu nhỏ lần 4-2004, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM sẽ thành lập CLB đạo diễn trẻ”.
Nhu cầu được làm nghề một cách chuyên nghiệp là điều mơ ước của nhiều đạo diễn trẻ hiện nay. Nhưng trọng trách xây dựng đội ngũ đạo diễn trẻ không chỉ lệ thuộc vào một cuộc liên hoan. Họ rất cần những lớp bồi dưỡng kiến thức, chính trị, nhất là phương pháp tiếp cận những thể nghiệm mới trong dàn dựng.