Địa chỉ của văn hóa trà Việt

Nếu đến Hà Nội, mời bạn thử một lần đến Hiên trà Trường Xuân để thưởng thức hương trà của người Hà Nội

Nói đến nghệ thuật trà Việt Nam, không thể không nhắc đến thú thưởng trà của người Hà Nội. Từ bát chè xanh mộc mạc chốn thôn quê, người Hà Nội đã có công thả vào đó nét thanh lịch, cầu kỳ, nâng lên thành một thú chơi tao nhã. Xếp bậc nhất về trà ở Hà Nội hiện nay, có lẽ không ai khác ngoài danh trà Trường Xuân.

Sáu đời làm trà

Linh Dược trà – đó là tên của một hiệu trà nức tiếng đất Hà thành xưa. Hiệu này chuyên sao chế, buôn bán những loại trà ngon nổi tiếng chốn kinh kỳ như trà sen, trà nhài, trà bạch cúc... Đời thứ 5 của Linh Dược trà là nghệ nhân Trường Xuân.

Nghệ nhân Trường Xuân đã dành gần trọn cuộc đời mình cho trà, kể từ lúc còn là một cậu bé con cho tới nay, khi ông đã bước sang tuổi 75. Ông đã đi khắp nước, tới những rừng chè trải dọc biên giới phía Bắc, những đồi chè xanh mướt ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Lâm Đồng..., thu thập cho mình những kinh nghiệm về cách sao chế trà. Hiện nay, trà Trường Xuân do chính tay ông làm được chia thành ba nhóm chính. Nhóm trà mộc là trà xanh nguyên thủy được mang về từ Phìn Hồ, Đồng Văn, Suối Giàng, Tà Sùa, Tân Cương..., được ông chọn kỹ lưỡng, đánh hương lại theo kinh nghiệm gia truyền. Nhóm trà bổ dưỡng là sự kết hợp giữa trà với thuốc bắc, long nhãn, hạt sen, mật ong, hoa cúc... thành những vị thuốc quý. Độc đáo nhất là nhóm trà ướp hương hoa tự nhiên với vị thơm mát của hoa bưởi, ngọt ngào của ngọc lan, nồng nàn của hoa nhài, thanh khiết của hoa sen...

Không chỉ dừng lại ở việc chế biến những loại trà quý, nghệ nhân Trường Xuân còn dành công sức, tâm huyết để nghiên cứu, tìm hiểu trà ở góc độ văn hóa. Đi tới vùng trà nào, ông cũng chú ý lắng nghe những câu chuyện xoay quanh ấm trà, để tìm ra những nét tinh tế, độc đáo của trà Việt. Chính vì vậy, ông có một kiến thức rất phong phú và khả năng cảm nhận rất tinh tế về nghệ thuật thưởng trà. Tình yêu với trà, ông đã truyền sang cho người con trai của mình, anh Hoàng Anh Sướng, đời thứ 6 của Linh Dược trà.

Văn hóa trà Việt

img
Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng

Theo nghệ nhân Trường Xuân, nếu như cách uống trà của người Trung Quốc thiên về thẩm mỹ, của người Nhật Bản mang nặng chất “Đạo” với những quy định khắt khe thì trà Việt lại khá cởi mở, không quá gò bó trong những luật lệ, phép tắc. Nhưng điều đó không có nghĩa là cách uống trà Việt đơn giản, đại khái. Từ khâu chọn trà cho đến thưởng trà là cả một nghệ thuật, một nghệ thuật ẩn chứa nhiều đạo lý. Người ta uống trà để đáp lại lòng mến khách của gia chủ, để bắt đầu những câu chuyện nhân tình thế thái, để sảng khoái, tĩnh tâm, để cảm nhận hương vị trời đất, cỏ cây...

T.Chi

“Dĩ trà hội hữu”

Với tâm niệm “Dĩ trà hội hữu” – (dùng trà để hội tụ văn nhân) nghệ nhân Trường Xuân đã cùng người con trai mở ra Hiên trà Trường Xuân ở số 13 Ngô Tất Tố, Hà Nội. Không gian Hiên trà được chia làm 4 phần, ứng với tứ trí trong Kinh Dịch. Khu trí giác gắn với trà sen, là nơi để người ta tìm sự thanh thản. Khu trí hành, nơi thưởng thức trà Bạch Ngọc Hoa - loại trà ướp 5 loại hoa trắng: nhài, mộc, cúc trắng, hồng bạch, ngọc lan - gồm hai gian nhà mái cọ, là nơi gắn với chuyện tình cảm, có xếp những chiếc chõng tre nhỏ để các đôi trai gái ngồi đối ẩm. Khu trí xảo để uống trà Tà Sùa và Thượng Sơn, hai danh trà vùng cao nổi tiếng có hoạt chất đậm đặc, kích thích thần kinh mạnh, thích hợp cho việc mưu tính công việc. Khu trí duy thì suy tư, sâu lắng, đậm chất “thiền” với trà Bạch Linh làm từ ba loại hoa quý: hoa mộc, hoa ngọc lan, hoa bưởi...

Ngồi bên ấm trà trong không gian ấy, người ta thấy mình như nhẹ đi, như những ham hố đời thường tan biến. Nhưng điều khiến Hiên trà Trường Xuân hấp dẫn mọi người hơn cả là tới đây, họ được nghe cha con ông chủ quán chuyện trò, đàm đạo về nghệ thuật trà. Cũng tại nơi này, cách đây 4 năm, CLB Những người yêu trà Việt đã được thành lập. Cứ ba tháng một lần, hơn 300 hội viên tâm huyết với trà lại gặp mặt để chia sẻ với nhau niềm đam mê.

Nâng niu nghệ thuật trà Việt

Theo tiết lộ của Hoàng Anh Sướng, anh đang nung nấu ý định viết một cuốn sách chuyên khảo về văn hóa trà Việt Nam. Cuốn sách đó, theo phác thảo ban đầu của anh Sướng, sẽ không thể thiếu những phần quan trọng: lịch sử trà Việt, giới thiệu những vùng trà, danh trà nổi tiếng, bàn về nước và dụng cụ pha trà, nghệ thuật thưởng trà... Ngoài ra, anh còn mơ ước nhân rộng thêm được nhiều địa điểm như Hiên trà Trường Xuân. Anh Sướng tâm sự: “Trà là báu vật mà cha ông ta đã để lại, nếu chúng ta không biết trân trọng, cứ để các thức uống công nghiệp lấn át thì buồn lắm. Trà có thể hướng con người tới điều thiện.