ĐỌC SÁCH.- Cây hợp hoan - không phải thuốc an thần!
Nhà văn Trung Quốc Trương Hiền Lượng đã được độc giả Việt Nam biết đến qua tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà (NXB Lao Động 1989). Ông sinh năm 1936, tại Giang Tô, giáo viên trường văn hóa cán bộ ở Ninh Hạ. Năm 1957, ông viết trường ca Khúc hát đại phong, bị quy là “phái hữu” và bị đưa đi cải tạo. Năm 1979, ông được minh oan và được trả tự do. Hiện ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Ninh Hạ và ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc.
Theo sách Từ Hải: Cây lục hóa, tên khoa học là Albiz Julibrissin, còn có tên là cây mã anh, cây hợp hoan. Hoa và vỏ của cây có công dụng làm thuốc an thần, giải muộn, chữa chứng uất, mất ngủ... Trương Hiền Lượng lấy tựa truyện Cây lục hóa vì nhân vật nữ chính trong truyện là Mã Anh Hoa. Dịch giả Trần Đình Hiến dịch tác phẩm Cây lục hóa thành Cây hợp hoan (NXB Văn Nghệ - 2001) cũng theo ý nghĩa trên.
Giống như cuộc đời tác giả, nhân vật Trương Vĩnh Lân, 25 tuổi, dạy học, bị quy là “hữu phái” và bị đưa đến “nông trường lao cải” vào những năm 60. Sau đó, Lân được đưa đến một nông trường ở cao nguyên hoàng thổ, lao động có trả lương. Tuy được tự do hơn nhưng vì thiếu lương thực nên cơn đói vẫn luôn hành hạ anh. Nhờ dáng vẻ thư sinh, anh được cô nông dân Mã Anh Hoa yêu thương, dù đã có một đứa con nhưng cô biết lợi dụng sắc đẹp để những gã si tình cho cô lương thực. Vĩnh Lân đã được cô chăm sóc miếng ăn và hát cho nghe những bài dân ca mộc mạc để anh thanh thản “đọc sách”.
Trong những đêm đến nhà Hoa, Lân đều gặp Hỉ - anh chàng đánh xe ngựa cục mịch nhưng hát dân ca rất hay. Hỉ rất yêu Hoa và thường cung cấp lương thực cho cô. Khi biết Hoa chỉ yêu Lân, Hỉ đã gặp Lân nói sẽ trốn nông trường ra đi và chúc Lân ở lại hạnh phúc. Đội trưởng Tạ cũng khuyên Lân nên lấy Hoa để an tâm sinh sống ở nông trường. Khi Lân quyết định lấy Hoa thì anh bị bắt đưa đi một “nông trường lao cải” khác, vì tội đã không khai báo việc Hỉ trốn đi...
Đọc truyện Cây hợp hoan, người đọc sẽ đồng tình với tác giả nhận xét: “Trong nền văn học Trung Quốc và châu Âu mà tôi đã hấp thụ, hình như vẫn chưa có những chỗ đứng cho người lao động chân tay, những con người thô lỗ và hoang dã, tuân theo một quy phạm đặc biệt về đạo đức, nhưng lại rất có trí, thông minh cao đẹp, tình người” (trang 248). Mã Anh Hoa không phải là vị thuốc an thần, trị mất ngủ mà những người sống như cô sẽ khiến người ta mất ngủ và thao thức để suy nghĩ.