“Dựng chuyện” phim khi còn rất trẻ
Không gia nhập các nhóm viết, một số cây viết trẻ đã chọn con đường độc lập viết kịch bản phim, tự khẳng định tên tuổi, tự xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm, dù chẳng hề dễ dàng
Xuất hiện liên tiếp trong 2 bộ phim truyền hình vừa ra mắt gần đây Tình yêu tìm lại và Những đóa hoa tình yêu là cái tên Phạm Trung Tín ở vị trí tác giả kịch bản. Cây bút trẻ này cũng có thêm một kịch bản với đề tài, phong cách khá lạ Oan gia đại chiến vừa được Hãng phim M&T Pictures chuẩn bị bấm máy.
Dù chỉ ở giai đoạn khởi đầu nhưng có thể nói sự xuất hiện liên tục những sản phẩm của Phạm Trung Tín trên màn ảnh nhỏ là một thành tích đáng ghi nhận về thái độ làm việc miệt mài, tích cực của cây bút vừa tốt nghiệp khoa đạo diễn Trường Sân khấu Điện ảnh này.
Độc lập, bản lĩnh
Phạm Trung Tín nói rất khó để một sinh viên mới ra trường được mời làm phim nên anh chọn cho mình con đường riêng, khởi đầu bằng việc viết kịch bản. Anh chia sẻ: “Viết cũng là một cách trải nghiệm cuộc sống và hiểu nghề rõ hơn.
Đến một lúc nào đó, khi đủ vững vàng và tự tin với nghề, tôi sẽ làm đạo diễn nhưng cũng sẽ không bỏ việc viết kịch bản, tôi đã lựa chọn nghề này làm đường dài cho mình, một phần cũng vì muốn nối nghiệp ba tôi” – (Phạm Trung Tín là con trai của nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân – PV).
Không núp dưới cái bóng quá lớn của cha, Phạm Trung Tín chỉ viết cùng nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân kịch bản Những đóa hoa tình yêu, còn lại các kịch bản khác là sự sáng tạo của riêng anh.
“Vốn sống của người viết có thể qua quan sát, nghiền ngẫm cuộc sống, tình huống câu chuyện nảy sinh từ sự tưởng tượng và cảm nhận. Câu chuyện và các nhân vật đôi khi là sự sáng tạo của cá nhân, tôi chọn cách viết độc lập vì rất ngại những tranh cãi, bất đồng có thể xảy ra khi làm việc nhóm. Nếu mình dành toàn tâm và thời gian cho nó thì cũng không quá nhiều áp lực để hoàn thành đúng hạn định” – Tín nói.

Phim điện ảnh Thiên sứ 99 – kịch bản của Diệu Như Trang, sẽ được ra mắt trong dịp Tết năm nay. Ảnh: Tấn Lợi
Cùng quan điểm với Phạm Trung Tín là Diệu Như Trang. Không chịu sự ràng buộc của bất cứ công ty, đơn vị nào, Trang làm việc độc lập trong “văn phòng chính” là nhà riêng của cô ở Q. Phú Nhuận - TPHCM.
Ban ngày, đi “giao dịch” kịch bản hoặc làm “đủ chuyện lăng quăng”, thời gian viết tập trung vào ban đêm, có khi kéo dài đến 2, 3 giờ sáng. Hết kịch bản này đến kịch bản khác, Diệu Như Trang là một cây bút trẻ hiếm hoi có thể “sống thoải mái” với bản lĩnh viết kịch bản độc lập của mình.
Không tập trung toàn thời gian cho kịch bản nhưng cây bút trẻ Thiên Di – tác giả đoạt giải khuyến khích cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 vừa qua - cũng đang cặm cụi thử sức mình với việc viết kịch bản.
Phong cách kịch bản khác văn chương, nhưng dù có phải sửa tới sửa lui đến mấy lần thì Thiên Di vẫn âm thầm cố gắng hoàn thiện kịch bản độc lập đầu tay. Còn cô gái trẻ Như Quỳnh có lúc còn gây bất ngờ khi bỏ việc “về quê đóng cửa” để viết kịch bản phim. Bên cạnh đó còn có những cái tên Mỹ Trang, Phạm Tân, Tuấn Anh... cũng chọn con đường sáng tác độc lập.
Chấp nhận thử thách
Điều lo lắng nhất của người viết trẻ trong việc viết kịch bản độc lập là thời gian và vốn sống. “Viết nhóm thì yên tâm hơn về chỉ tiêu thời gian vì mỗi người đảm nhận một phần việc. Thêm nữa, nhiều người sẽ có những phản biện để tính cách của nhân vật hợp lý hơn” – Phạm Trung Tín phân tích.
Mới 23 tuổi nhưng Diệu Như Trang đã có một “gia tài” kịch bản đáng nể: phim truyền hình Thứ ba học trò, Màu của tình yêu, Hãy nói anh yêu em, Bản quyền sắc đẹp; phim điện ảnh Thiên sứ 99; kịch bản sân khấu Sám hối và hai tác phẩm văn học chuyển thể từ kịch bản Sám hối và Nhất quỷ nhì ma. |
Tuy nhiên, điều khó khăn của việc viết kịch bản độc lập không chỉ nằm ở bản lĩnh của người viết mà còn ở đường đi của kịch bản. “Nếu không có mối quan hệ quen biết với nhà sản xuất thì để kịch bản được đón nhận là một quá trình hết sức nhiêu khê” – một người viết trẻ chia sẻ.
Để tránh tình trạng “lạc loài” này, một số người thường thông qua nhà biên kịch đã có tên nhằm dễ bề tiếp cận với nhà sản xuất. Tuy nhiên, hệ lụy của việc này là dễ bị “phỗng tay trên” khi số tiền nhuận bút kịch bản đến tay tác giả có thể bị “xén” bớt.
“Có khi nhà sản xuất trả tiền rất chậm, đòi thì họ nói phải làm việc với nhà biên kịch – tức là người chịu trách nhiệm giao dịch kịch bản. Hỏi lại “nhà biên kịch” thì nghe câu trả lời bên sản xuất chưa nói gì. Chỉ còn biết ngậm bồ hòn mà đợi” – một cây bút trẻ khác nói.
Nhưng đó chỉ là một vòm tối nhỏ bởi theo Diệu Như Trang, “dù bạn có là người trẻ không tên tuổi, nếu kịch bản của bạn tốt thì nhà sản xuất cũng sẽ chỉ nhìn vào sản phẩm của bạn”. Cách làm của Trang là cứ mang đề cương đến gõ cửa thẳng nhà sản xuất. Vậy là cô gái trẻ này đã từng bước chuyển giai đoạn từ “gõ cửa” sang “được đặt hàng”.
“Viết kịch bản là con đường dài, không thể một sớm một chiều mà thành công được. Vì vậy, hãy xem những khó khăn ban đầu là thử thách khả năng và cả niềm tin của chính mình. Nghề nào cũng đòi hỏi sự tôi luyện và hơn hết là niềm đam mê” – Diệu Như Trang đúc kết.