Giải phóng Sài Gòn, một nỗ lực giàu xúc cảm
Trong điều kiện khó khăn, những người làm phim đã nỗ lực để có những cảnh quay hoành tráng gây hứng khởi cho người xem
Vừa xuất xưởng sau 10 năm thực hiện, bộ phim truyện nhựa Giải phóng Sài Gòn (Hãng phim Truyện VN) sẽ được trình chiếu khai mạc “Đợt phim kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975–30.4.2005)” vào tối 27-4 tại Hà Nội và 28-4 tại TPHCM.Tái hiện các sự kiện lịch sử chính
Bộ phim Giải phóng Sài Gòn được thực hiện thoạt đầu dựa trên kịch bản Sài Gòn – bản hùng ca của nhà văn Hoàng Hà. Song trong quá trình thực hiện, do khó khăn nhiều mặt, bộ phim đã chỉ dừng lại ở một số sự kiện lịch sử chính trong tiến trình giải phóng Sài Gòn. Đó là trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, khiến chính quyền Sài Gòn hốt hoảng cầu cứu viện trợ quân sự Mỹ, đồng thời tìm cách cố giữ Huế và Đà Nẵng nhưng kết cục phải tháo chạy trước sức mạnh vũ bão của quân và dân ta; là trận đánh chiếm ngã ba Dầu Giây đầy sáng tạo nhưng cũng không kém phần gian nan của quân ta nhằm giải phóng Xuân Lộc, mở cánh cửa phía Đông cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn; là những trận pháo làm tê liệt sân bay quân sự Biên Hòa và Tân Sơn Nhất; là việc Mỹ buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức để lập nội các mới do Dương Văn Minh cầm đầu; là sự kiện quân Mỹ rút chạy khỏi Sài Gòn bằng trực thăng. Bao trùm lên tất cả những sự kiện này là kế hoạch đầy trí tuệ của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: tiến vào Sài Gòn bằng năm mũi, chiếm năm vị trí trọng yếu nhất, khéo léo phối hợp với lực lượng nổi dậy tại chỗ, xộc thẳng vào dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền, buộc tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện mà Sài Gòn vẫn nguyên vẹn.
Nỗ lực trong các đại cảnh
Với thời lượng chỉ trên dưới 120 phút của Giải phóng Sài Gòn, những sự kiện lớn kể trên lần lượt hiện ra một cách thoáng qua. Ấn tượng nhất có lẽ là cảnh thể hiện trận đánh ở ngã ba Dầu Giây, giải phóng Xuân Lộc. Cảnh tượng xe tăng được giấu dưới lòng đất bỗng bò dậy hàng loạt, truy kích xe tăng địch đã làm người xem hứng khởi và không khỏi thán phục nỗ lực của đoàn phim, trong hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt của điện ảnh nước nhà, vẫn dựng lại được những cảnh quay hoành tráng. Khó khăn này còn rất nhiều trong những cảnh trận đánh chỉ diễn ra ở bìa rừng, những trận pháo kích vào sân bay không một bóng người, những cảnh đường phố bó hẹp trong vài căn nhà, vài góc đường, cũng như hầu hết các cảnh quay các nhân vật của chính quyền Sài Gòn đều diễn ra ở trong phòng. Gần như tất cả những đại cảnh dự tính ở kịch bản phân cảnh ban đầu thực hiện được.
Hầu hết các nhân vật mang tính lịch sử ở thời điểm này đều có mặt trong phim: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Trọng Tấn, đặc phái viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh... Ở phía chính quyền Sài Gòn là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đại tướng Dương Văn Minh, đại sứ Mỹ Martin, đại tướng Mỹ Weyand... Những nhân vật hoạt động bí mật cho Mặt trận Dân tộc giải phóng như luật sư Triệu Quốc Mạnh, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh..., những diễn viên được mời vào vai các nhân vật lịch sử này đều được chọn phần nào dựa trên sự giống nhau về nhân dáng nhưng hầu hết đều không có được cái thần, sự tinh anh thông qua gương mặt và đôi mắt như những nguyên mẫu, nhất là với các lãnh tụ cách mạng.
Nhiều tình tiết bi tráng
Bên cạnh những nhân vật lịch sử có thật, bộ phim cũng đã hư cấu câu chuyện về gia đình sư trưởng Trần Du. Ông và vợ (Bảy Lương) vốn là người miền Nam tập kết, trở về tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng hai ngả đường, hai trọng trách khác nhau. Họ không ngờ trong đoàn chiến sĩ trẻ tiến về Sài Gòn còn có Trần Bình, đứa con trai xa mẹ từ nhỏ. Cả đời họ chiến đấu cho đất nước hòa bình, song ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đứa con duy nhất của họ đã mãi mãi nằm lại ở cửa ngõ Sài Gòn. Cùng với câu chuyện gia đình Trần Du, mối tình chớm nở với chàng lính trẻ Hà Nội của cô biệt động thành Út Liên, phút chia tay ngậm ngùi của người mẹ Huế không chịu di tản cùng người con trung tá quân đội Sài Gòn... là những chi tiết làm dịu đi ít nhiều tính khốc liệt, song tiếc là cũng chỉ có thể thoáng qua.
Giải phóng Sài Gòn chỉ mới như một phác thảo sơ sài nhưng nỗ lực của người làm phim cũng đem lại những xúc cảm và niềm tự hào về chiến công lịch sử của dân tộc cách đây 30 năm. Tuy vậy, để thực sự có một “Sài Gòn – bản hùng ca” như mong đợi thì vẫn còn là món nợ của điện ảnh VN chưa biết bao giờ mới trả nổi.
------------------
Biên kịch: Hoàng Hà, Nguyễn Trần Thiết (đại tá), Long Vân, Lê Đăng Thực, Vũ Văn Nha. Đạo diễn: Long Vân, đạo diễn hậu kỳ Vũ Xuân Hưng. Quay phim: Vũ Quốc Tuấn. Diễn viên: Hà Văn Trọng, Hoàng Quân Tạo, Hồ Tháp, Lan Hương, Thành Hội, Minh Hoàng, Thanh Thúy, Bùi Ngọc Thảo, Khương Đức Thuận, Nguyễn Sỹ Hiển, Bùi Đức Hùng, Hoàng Trí Phúc, Rasencop...