Hình tượng người cha trong văn học
VĂN HỌC.- Trong văn xuôi và thơ ca Việt Nam, hình tượng người cha luôn được các tác giả thể hiện sâu sắc và xúc động. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... Viết về công lao to lớn và dáng vẻ uy nghiêm như núi Thái của người cha có lẽ khó khăn hơn khi viết về tình nghĩa như nước trong nguồn của người mẹ. Có phải vì thế mà trong văn học Việt Nam hiện nay hình tượng người cha có phần chưa nổi bật so với hình tượng người mẹ.
Bông hồng cho cha
Về văn xuôi, đa số các tác giả đều viết dưới dạng tùy bút, kể về những kỷ niệm với người cha khi ông đã khuất núi, khi dáng vẻ uy nghiêm của ông đã được những đám mây trắng che phủ. Một trong những bài tùy bút viết về người cha được nhiều độc giả khen ngợi là: Một bông hồng cho cha (NXB Trẻ) của nhà văn Võ Hồng - Ông viết về người cha khi già yếu: “Tuổi càng cao, khổ càng chồng chất, dâu rể không ăn hiếp thì có con muỗi, con kiến ăn hiếp thay. Cứ cắn, cứ chích, nạn nhân nghe đâu đập đó, chứ mắt mờ đâu còn thấy rõ. Nhìn lên bầu trời đâu còn thấy chòm Bắc Đẩu mà mới ngày nào lững thững dắt con đi trong sân cha chỉ cho con nhìn”. Có một số truyện ngắn viết về người cha: Hai người cha (Lê Văn Thảo), Mây trắng bay ngang qua đỉnh núi (Phạm Thị Ngọc Liên), Cha và con (Lê Anh Dũng)... đều nói về công lao âm thầm nuôi dạy con của người cha.
Còn cha gót đỏ như son
Về thơ, hình tượng người cha nổi bật hơn trong văn xuôi. Nhiều bài thơ viết về người cha lam lũ ở ruộng đồng để nuôi con nên người: Ta đi mơ mộng trên trời. Để cha cuốc đất một đời chưa xong. (Nguyễn Duy). Nâng bát cơm lên, đã thấy bóng cha rồi. Cái hình dáng cõi còm bên nương rẫy. Mười năm trời, ngòi bút con, đúng vậy. Viết về cha là bị gẫy giữa chừng (Nguyễn Thái Dương). Sắp đi hết cuộc hành trình. Ba tìm ra được chính mình - quê hương. (Thanh Nguyên).
Còn cha gót đỏ như son. Một mai cha mất, gót con đen sì. Nhớ câu ca dao đó, mỗi người con trong mỗi gia đình Việt Nam đều mong được báo hiếu cha ngay khi gót chân mình còn đỏ như son. Riêng ở lĩnh vực văn học đương đại, hình tượng người cha vẫn luôn là một đề tài khơi gợi sức sáng tạo nghệ thuật đa dạng, dành cho các nhà văn, nhà thơ trên mỗi trang viết...