Hồ Anh Thái: 'Cuộc đời giống như một nhà cười'

"Con người luôn có xu hướng thích vào nhà cười nhưng khi đối diện với gương mặt mình trong gương thì họ khóc. Trong cuốn Bốn lối vào nhà cười, tôi muốn đưa ra trước người đọc một tấm gương lồi để họ soi vào và tự hỏi: đấy là ta hay không phải là ta? Tôi cũng không muốn làm cho ai phải khóc", nhà văn tâm sự.

- Phóng viên: Anh có vẻ khoái lối viết hài hước. Phải chăng giọng điệu hài hước đang trở thành thói quen trong cách viết của anh?

- Hồ Anh Thái: Tôi từng viết những truyện thật sự bi kịch, như tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng, truyện Mảnh vỡ của đàn ông. Nhà văn thì giọng điệu nào cũng nên thực hiện, phương pháp nào cũng nên sử dụng, nhân loại phát minh ra các loại công cụ là để cho con người sử dụng mà. Tuy vậy, nếu có một cái gì đang trở thành "căn tính" thì chắc là tôi phải cân nhắc để thay đổi. Tôi không chịu được cái gọi là "căn tính" cứ bám riết lấy mình.

- Nhiều bạn đọc trẻ đã phát biểu thẳng thắn là họ không thích đọc văn chương Việt Nam, anh có bị chạm tự ái không?

- Chẳng lẽ nhà văn chỉ mong gặp toàn người khen, vì tâm lý người Việt chúng ta ai cũng nghĩ như ông Nam Cao từng viết: "Chắc nó trừ mình ra!".

- Nhiều nghệ sĩ thích mốt cạo trọc để gây độc đáo. Anh dạo này cũng muốn độc đáo để gây hấn "mắt thiên hạ" hay sao?

- Không phải tôi theo mốt mà là tự biết thân biết phận. Sớm muộn gì cũng sa vào tình trạng "rửa mặt thì lâu gội đầu thì chóng", khôn ngoan hơn cả là hãy... đi tắt đón đầu.