Hoa mai 100 - 150 cánh!

Được biết, “Đà Nẵng có cây mai hoa nở trăm cánh”, tôi chợt nhớ từng nghe đâu đó chuyện một người ở tỉnh Bình Phước cũng có loại hoa mai nở ra nhiều hơn trăm cánh. Và tôi đi tìm.

Gần 3 giờ đồng hồ từ TPHCM đi xe máy hơn 100 km đến Đồng Xoài (Bình Phước), và phải mất một lúc khá lâu để hỏi thăm đường, tôi được một cô bé cho biết: “Chú muốn tìm vườn mai của ông “Hội đồng” hả, cứ men theo bờ hồ Suối Cam rồi rẽ trái đi thẳng là gặp”. Tôi hỏi tại sao gọi là vườn mai ông “Hội đồng”? Cô bé đáp: “Vì ổng là đại biểu hội đồng nhân dân”. Chủ nhân vườn mai này là ông Trần Văn Hữu, nhà ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài. Trong vườn của ông ngoài 2 cây mai cổ thụ trưng trước cửa nhà còn có 400 đến 500 chậu mai nhỏ. “Tất cả các chậu mai trong vườn đều được nhân giống bằng cách chiết, giâm cành hoặc ghép cành. Vì vậy cả vườn mai khi nở, mỗi hoa đều có đến... trăm cánh” – ông Hữu khẳng định. Như để chứng minh cho lời nói của mình, ông đưa tôi vào vườn và ngắt ngẫu nhiên một hoa đã nở, đưa cho tôi xem rồi cả hai cùng ngồi đếm: 10 cánh, 20 cánh, 30 cánh... cho đến con số cuối cùng là 115 cánh! Thấy chưa... chắc ăn, tôi xin phép được ngắt thêm vài nụ hoa để xé ra đếm, có nụ 80 cánh, có nụ 95 cánh, và nụ 110 cánh...

Tuy nhiên, theo ông Hữu, chuyện mỗi một bông mai trong khu vườn nhà ông có đến hàng trăm cánh... vẫn chưa có gì lạ! Bởi vì đã nhiều năm nay một số chậu mai sau khi đem tặng bạn bè và bán cho người chơi mai kiểng, khi hoa nở ngắt xuống đếm số cánh lên tới... 150! Tôi hỏi giống mai tên gì? “Mai 150 cánh” – ông Hữu trả lời. Lý do phải gọi là “mai 150 cánh” theo ông Hữu, chính bản thân ông cũng không biết nó là giống mai gì. Khi đếm thấy có tới 150 cánh thì gọi như vậy. Tuy nhiên, loại mai này cũng có một số đặc điểm khác biệt so với mai “dảo” (loại hoa mai thường có 5-12 cánh) như: cành mai trăm cánh có màu sậm hơn, lá nhỏ nhưng dài và có khía, sau khi nở hoa và rụng hết cánh thì không ra trái (mai “dảo” thường rụng cánh rồi thành trái), hoa nhỏ hơn hoa mai “dảo” do có quá nhiều cánh chen nhau mọc dày đặc và trông như hoa cúc! Đặc biệt, loại mai này có rất nhiều nụ.

Khi được hỏi về nguồn gốc loại mai 100 cánh, ông Hữu cho biết: Trước năm 1993, tại khu mộ cổ nằm trong một khu vườn hẻo lánh ở tỉnh Tiền Giang, có một cây mai gốc rất to, không biết do ai trồng và trồng từ khi nào. Hằng năm, cứ vào dịp Tết, cây nở rất nhiều hoa, cánh rụng vàng khắp cả một vùng. Đặc biệt, mỗi hoa nở ra có hàng trăm cánh. Tôi lấy giống từ cây mai này và nhân ra.

Hằng năm, gia đình ông Hữu cung cấp từ 400 - 500 cây mai cho những người chơi mai kiểng, mỗi cây tùy theo dáng đẹp (phân cành, phân nhánh rõ ràng, hoa đẹp) sẽ có giá khác nhau. Chẳng hạn cây có độ tuổi 1-2 năm, đường kính khoảng 1,5 - 2 phân, cao khoảng 50 cm, có giá từ 80.000 đồng trở lên. Đối với cây độ tuổi 3-5 năm, đường kính 5-10 phân, cao 1-1,2 m, có giá khoảng 2 triệu - 3 triệu đồng. Nhờ nguồn thu từ việc trồng và bán mai kiểng, ông Hữu nuôi 2 con học xong đại học và có công ăn việc làm ổn định. Ước mơ của ông là phát triển được giống mai trăm cánh để nhiều người được chiêm ngưỡng loại mai đặc biệt này. Ông mong sau này đứa con út học nông lâm để đem khoa học vào ứng dụng nhằm bảo tồn và phát triển giống “mai trăm cánh”.