Hoạn quan - Dấu lặng của lịch sử
Một phần không thể thiếu trong cung cấm ngày xưa chính là sự hiện diện của những hoạn quan hay thái giám. Số phận của họ đã trở thành một mảng màu trầm tối của những thăng trầm lịch sử...
Từ phương Tây...
Từ hoạn quan hay thái giám - eunuch vốn bắt nguồn từ Hy Lạp cổ eunouchos, nghĩa là “giữ giường”. Tại nhiều di tích ở Ai Cập, người ta đã phát hiện được những hình ảnh về những người nô lệ bị hoạn nhằm phục vụ cho những phu nhân của các gia đình giàu có. Những dấu tích đó cho thấy hoạn quan đã từng tồn tại ở Ai Cập cách đây khoảng 4.000 năm. Những kẻ trở thành hoạn quan thường là nô lệ hoặc là kẻ phạm tội. Theo hình luật của Vương quốc Assyrie - khu vực Lưỡng Hà (1450-1250 TCN), nếu người chồng bắt được vợ mình đang ngoại tình với kẻ khác, anh ta có thể trừng phạt kẻ tình địch bằng cách thiến, biến hắn trở thành hoạn quan. Tại đảo Chios thời Hy Lạp cổ đã có những người chuyên hành nghề thiến nam nhân để bán họ thành nô lệ phục dịch cho các gia đình quyền quý.
Theo nhà nghiên cứu Adamson thì Vương triều Ottoman (1300-1922) đặt thủ đô tại Constantinople (Istanbul ngày nay) có rất nhiều hoạn quan là nô lệ da đen, trong đó có nhiều người có chức vụ cao trong triều. Năm 1595, một hoạn quan còn được cử làm tổng điều hành tại những nơi thiêng liêng ở thánh địa Mecca và Medina. Những vua chúa Hồi giáo có tới hàng trăm nô lệ da đen bị hoạn để hầu hạ các hoàng phi và cung phi. Nhiều hoạn quan đã vượt qua nỗi đau và trở thành những người nổi tiếng như tại Marseille có triết gia Favorino, tại Ai Cập có nguyên soái Aristonicus.
Từ thế kỷ 9, trong cuốn sách Hồi ức của một hoạn quan vùng Byzantine (Memoirs of a Byzantine Eunuch), học giả Christopher Harris đã đề cập đến số phận của những hoạn quan sống ở khu Lưỡng Hà. Theo đó thì các hoàng đế thường chọn những hoạn quan có mặt mũi xấu xí để đưa vào hầu hạ những quý phi, phi hậu. Tại một số nhà thờ, người ta sử dụng những chàng trai có giọng nam cao vút như con gái để hát trong dàn đồng ca. Nhiều người trong họ đã tự hoạn để giữ được giọng hát trong trẻo như con gái. Trường hợp tự hoạn nổi tiếng nhất là ca sĩ Carlo Broschi Farinelli (1705-1782). Tuy nhiên trào lưu này sau đó đã bị Giáo hoàng Leo XIII cấm vào năm 1878.
...sang phương Đông
Ở phương Đông, hoạn quan đóng vai trò đặc biệt hơn. Tại Trung Hoa, hoạn quan bắt đầu được sử sách ghi nhận từ khoảng năm 900 TCN. Hoạn quan (huan Quan) hay thái giám (taijian) thường có nguồn gốc khác nhau. Ngoài những người cam chịu tự cung (thiến) để vào làm hoạn quan trong triều đình và nhận những khoản bổng lộc cho gia đình, trên thực tế còn có những hoạn quan là những tội phạm cam chịu gia hình nhằm giảm tội và phục vụ trong hoàng cung. Ngoài ra còn có những hoạn quan vốn là những thanh niên của những địch quốc bị bắt, chịu cung hình và trở thành phận tôi đòi trong chế độ phong kiến.
Quan điểm phương Đông về dòng tộc rất quan trọng. Chính vì vậy không dễ tìm ra những người sẵn sàng chịu hy sinh giống nòi của mình cho dù khi được vào cung cấm, cuộc đời họ gắn với nhung gấm lụa là. Những người chuyên làm công việc cắt bỏ bộ phận sinh dục để biến người bình thường thành hoạn quan là những người có tay nghề đặc biệt gọi là “đao tử tượng”. Mỗi lần “giải phẫu”, họ được trả khoảng 6 lạng bạc. Trường hợp những người quá nghèo muốn thuê “đao tử tượng" giải phẫu thì phải cam kết trả được tiền hay phải cam kết có người đỡ đầu trả tiền (phòng trường hợp sau giải phẫu bị chết). Những “đao tử tượng” muốn giữ bí mật phương pháp bí truyền nên chỉ nhận đệ tử là con cái hay họ hàng thân thích mà thôi. Thậm chí có gia đình “đao tử tượng”, như Tất Ngũ và Tiểu Đao Lưu dưới thời nhà Thanh, còn được phong quan ăn lương triều đình để chỉ làm nhiệm vụ “đao tử tượng” mà thôi.
Những chứng nhân lịch sử
Thời xưa, cung hình (bị hoạn) là một trong những hình phạt thảm khốc dành cho những tội nhân. Người bị cung hình nổi tiếng nhất thời cổ đại chính là sử gia vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc: Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên (khoảng 145-90 TCN) vì bênh vực cho tướng quân thua trận Lý Lăng nên đã bị vua Hán nổi giận, phạt tội “cung hình”. Tuy nhiên, sau đó do kiến văn quảng bác nên ông vẫn được giữ lại làm quan tại Sử quán và đã trước tác nên bộ Sử ký Tư Mã Thiên danh tiếng. Nhiều hoạn quan khác cũng đã có những đóng góp to lớn cho lịch sử Trung Hoa nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung như hoạn quan Cái Luân, người phát minh ra giấy (105 TCN). Ngoài ra còn có thủy sư đô đốc tài danh Trịnh Hòa (1371-1435), người mà gần đây đã có nhiều cứ liệu sử học cho rằng đã tìm ra châu Mỹ trước cả Christopher Columbus.
Một trong những hoạn quan nổi tiếng nhất trong lịch sử chính là Triệu Cao. Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, Triệu Cao đã đứng sau bức màn trướng, viết lên cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Trung Hoa. Triệu Cao đã thuyết phục tể tướng Lý Tư sửa chiếu thư của Thủy Hoàng, phế bỏ thái tử Phù Tô, đôn Tần Nhị Thế lên làm vua. Sau đó cũng một tay Triệu Cao ép Phù Tô, Nhị Thế và Lý Tư uống thuốc độc tự tử và chút nữa thì Triệu Cao đã bước lên ngai vàng. Tuy nhiên sau đó viên hoạn quan đầy tham vọng này đã chịu hình phạt thảm khốc: bị ngũ mã phanh thây!
Không hiếm trường hợp có hoạn quan vẫn còn khả năng đàn ông. Chẳng hạn Lao Ái, hoạn quan nhà Tần, thông dâm với mẹ của Tần Thủy Hoàng và có hai con riêng với bà này. Triều Thanh có trường hợp hoạn quan An Thế Hải thông dâm với cung tần mỹ nữ.
Thời Minh, trong triều có tới 20.000 thái giám. Triều đình nhà Thanh có 9.000 thái giám. Kể cả dưới triều Từ Hi Thái hậu, con số thái giám vẫn ở mức 2.000 người. Sau cách mạng Tân Hợi năm 1922, con số đó là 1.137 người.
Trong sử sách Trung Hoa xuất hiện một hoạn quan là kiến trúc sư tài danh gốc Việt Nam, đó là Nguyễn An (1381-1453). Triều Hồ đưa ông sang Trung Hoa như một cống vật và trở thành hoạn quan của nhà Minh. Triều Minh đã cho ông đảm nhận một công việc cực kỳ quan trọng: xây dựng thành Bắc Kinh. Nguyễn An đã chỉ huy một lượng nhân công lên tới hàng triệu người và tốn 17 năm để tạo thành một kiệt tác ghi tên vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Sử gia Trương Tú Dân đã ghi công của Nguyễn An: “Dân thành Bắc Kinh ngày nay nên kỷ niệm Nguyễn An, vị công trình sư đời nhà Minh, người An Nam”. Tên ông còn được nhắc trong cuốn sử The Cambridge History of China, theo đó ông được coi là một kiến trúc sư kỳ tài bậc nhất.
Hình nhân trong cung cấm
Bởi cuộc sống cô độc, không người nối dõi nên nhiều vị thái giám tìm đến giới đạo Phật và nhiều thái giám đã xây chùa miếu. Nổi tiếng nhất có ngôi Pháp Hải thiền tự ở núi Thúy Vi, phía Tây thành Bắc Kinh được xây từ năm 1439 đến năm 1443 mới hoàn thành. Đây là ngôi chùa được thái giám Lý Đồng xây dựng và là nơi những thái giám đến sống những ngày cuối đời. Ở Việt Nam có chùa Từ miếu - Huế, cũng là nơi dành cho hoạn quan.
Những hoạn quan sau khi bị cung hình sẽ giữ gìn cẩn thận “phần đã mất”. Họ ngâm phần đó với hương liệu quý giữ trong những chiếc hộp nhỏ treo cẩn thận trên xà nhà. Mỗi năm vào ngày lễ, họ treo chiếc hộp đó cao hơn một chút nhằm hàm ý thăng tiến trong triều đình. Khi được xét thưởng hay trong mỗi dịp triều đình điều tra, họ phải chứng minh mình vẫn là hoạn quan bằng cách trưng ra chiếc hộp đó. Cho đến khi qua đời, chiếc hộp đó sẽ được chôn theo những hoạn quan với mong mỏi kiếp sau họ sẽ sống như người bình thường.
Hoạn quan có những hành động bất thường có lẽ chính là vì những nguyên nhân tâm sinh lý. Cuộc sống tình dục thiếu hụt, vào luồn ra cúi, bị hoàng gia coi như vật trang trí, giữ mãi phận tôi đòi và ấn tượng khi bị “cung hình” luôn ám ảnh họ. Sử gia Tư Mã Thiên khi nghĩ lại giây phút bị cung hình đã cay đắng viết: “mỗi khi nghĩ đến nỗi nhục đó thì mồ hôi ướt đầm áo, nghĩ mình chỉ đáng canh cửa cho đàn bà, hay tốt hơn là nên ẩn thân vào nơi sơn cùng thủy tận”.
Năm 1996, Sun YaoTing, vị hoạn quan cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa qua đời, đặt dấu chấm hết cho hiện tượng hoạn quan.