Hợp ca tranh tài chưa tạo sức hút

So với các chương trình truyền hình thực tế cùng thời điểm thì Hợp ca tranh tài có vẻ yên ắng hơn. Trên các diễn đàn mạng khán giả không bàn tán nhiều về cuộc thi này

Hôm qua, 23-3, 5 đội hợp ca của cuộc thi Hợp ca tranh tài còn lại, gồm đội Hà Nội của ca sĩ Khánh Linh, đội Quảng Ninh của ca sĩ Ngọc Anh, đội Huế của ca sĩ Mỹ Lệ, đội Buôn Ma Thuột của ca sĩ Siu Black, đội TPHCM của ca sĩ Phan Đình Tùng và đội Long Xuyên của ca sĩ Đức Tuấn đã có đêm tranh tài thứ 3, được phát sóng trực tiếp lúc 20 giờ trên kênh VTV3.

Sau các đêm tranh tài, điều dễ dàng nhận thấy Clash of the choirs phiên bản Việt với tên gọi Hợp ca tranh tài, do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty BHD tổ chức sản xuất, chưa tạo được sức hút như mong đợi. So với các chương trình truyền hình thực tế cùng thời điểm thì Hợp ca tranh tài có vẻ yên ắng hơn. Trên các diễn đàn mạng, khán giả không bàn tán mấy đến cuộc thi này.

một trong những điều khiến khán giả không mấy hứng thú với chương trình truyền hình thực tế phiên bản Việt này là phần tranh tài (yếu tố cốt lõi của chương trình) trình diễn hợp ca giữa các đội chưa tạo được sức hấp dẫn như mong muốn.

img

Một tiết mục trình diễn của đội hợp ca Long Xuyên - ca sĩ Đức Tuấn trong Hợp ca tranh tài. Ảnh do BTC cung cấp

Cảm nhận chung của người xem là sự phô tài của ca sĩ, còn yếu tố “hợp ca” lại xếp xuống vị trí thứ yếu. Bởi lẽ, phần hợp xướng thường được thu sẵn để bảo đảm chất lượng chương trình truyền hình thực tế, trong khi thi hát live (hát trực tiếp) mới là yếu tố tranh tài và tạo nên sức hấp dẫn bởi bộc lộ mức độ hơn thua giữa các đội.
Và thực ra, kết quả này cũng phần nào dễ hiểu khi các đội hợp ca nghiệp dư này chỉ được dựng lên phục vụ cho một chương trình truyền hình và... chấm hết. Trong khi đó, việc đào tạo chuyên môn, hướng dẫn cho cả dàn hợp ca vốn không phải sở trường của ca sĩ. Điều đó lý giải vì sao phần hợp ca của hầu hết các đội thường không đồng đều và phần dựng bè cũng không tạo được ấn tượng. Thậm chí, nhiều ca sĩ cũng đuối theo phần bè không chuyên này.

Đây chỉ là một cuộc chơi và thật khó để đòi hỏi những tiết mục biểu diễn “tuyệt vời” như những gì khán giả từng nghe hay biết về dàn hợp ca, hợp xướng chuyên nghiệp. Tuy vậy, sự cộng hưởng của những điều chưa làm được khiến cho Hợp ca tranh tài thiếu màu sắc và không đủ sức giữ chân khán giả truyền hình. Đó là chưa kể phần chấm điểm lẫn nhau giữa các đội không tạo được hứng thú cho người xem bởi sự giao đãi của những người trong cuộc.

Tuy nhiên, Hợp ca tranh tài cũng mang đến cho khán giả những tiết mục có sự nỗ lực của ca sĩ trong việc làm mới những tiết mục của chính họ trước đây. Tiêu biểu là tiết mục theo xu hướng mix - up của đội Long Xuyên do Đức Tuấn làm chủ. Đội trưởng Đức Tuấn cho biết mỗi tuần, anh muốn tạo một màu sắc khác nhau.
Tuần này, anh chọn phong cách mix-up với 3 ca khúc Tình ca phố - Phố xa - Umbrella. Cách kết hợp nhiều bài hát với phong cách có thể không liên quan với nhau thành một bài hát xuyên suốt đang rất thịnh hành trên thế giới. Đức Tuấn chia sẻ: “Người ta có thể lấy các bài của những ca sĩ nổi tiếng như Lady Gaga hay Michael Jackson mix-up lại thành một bài.
Vì vậy, Tuấn nghĩ tại sao không lấy những bài hát của Việt Nam mix-up với một ca khúc nổi tiếng nước ngoài. May mắn là Tuấn đã tìm được 3 bài hát có hợp âm rất giống nhau ở phần điệp khúc”. Với sự lựa chọn phong cách mix-up, Đức Tuấn tỏ ra là đội trưởng có năng khiếu sư phạm tốt nhất trong các ca sĩ tham gia Hợp ca tranh tài.
Đội hợp ca Long Xuyên đang tạo nhiều ấn tượng bởi nét hiện đại trong cả cách hát lẫn  dàn dựng tiết mục biểu diễn. Phong cách mà đội Long Xuyên của Đức Tuấn chọn là đơn giản nhưng rất hiệu quả. Đội TPHCM của ca sĩ Phan Đình Tùng cũng tạo nhiều ấn tượng với phong cách trẻ trung và mạnh mẽ. đội Quảng Ninh của Ngọc Anh cũng gây ấn tượng ở những tiết mục trình diễn dân ca…