Hụt hẫng khi xem Họa Bì

Lẽ ra, Họa bì đã có thể chuyển tải một thông điệp hiện đại trong lớp áo cổ trang và một cốt truyện đã quá quen thuộc.

Có thể nhận thấy ở bản dựng lần này, đạo diễn Trần Gia Thượng đã giảm nhẹ yếu tố kinh dị và bồi da đắp thịt cho cốt truyện Họa bì trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, bằng cách thêm vào nhiều mối quan hệ yêu đương: người yêu người, ma yêu người, ma yêu ma..., đồng thời cải biên khá nhiều chi tiết.

Chàng Vương Sinh trong truyện chỉ là một thư sinh bình thường, trên phim được xây dựng thành một viên tướng, song dáng dấp vẫn rất nho nhã (vì cả thư sinh lẫn người chinh chiến đều thường có những ẩn ức chăng?). Trong truyện, Vương Sinh tận mắt nhìn rõ sự gớm ghiếc của yêu nữ khi trút bỏ tấm da đẹp, còn trên phim chàng chỉ luôn nhìn thấy nàng ta với dung nhan mỹ miều.

Điều quan trọng nhất trong những cải biên này, là đạo diễn đã "kiềm chế" Vương Sinh, không cho anh thỏa sức hưởng lạc như trong truyện, hay nói đúng hơn, anh chỉ được "hưởng" trong mơ! Ở tác phẩm văn học, Vương Sinh ra ngoài gặp một cô gái có vẻ nghèo khó, bèn dẫn về cho ở phòng đọc sách, và "cùng nàng giao hoan, rồi vẫn giấu trong phòng kín, qua mấy ngày mà không ai biết. Sinh ngầm nói cho vợ hay".

Trên phim, Vương Sinh (Trần Khôn) trong lần công cán gặp người con gái xinh đẹp xiêm áo lả lơi đang mua vui cho bọn thổ phỉ, chàng cứu nàng rồi đem về nhà. Tiểu Duy - tên cô gái - được Vương phu nhân (Triệu Vy đóng) xem như em gái, nhưng nàng thực ra là một hồ ly tu luyện thành người, hằng ngày phải ăn tim người để không già và phải thường xuyên tô vẽ lại bộ da của mình.

Trớ trêu thay, Tiểu Duy cũng đem lòng yêu Vương Sinh. Qua ánh mắt Vương Sinh nhìn nàng, ta hiểu chàng cũng xao động. Nhưng Vương vẫn phải tỏ ra là một "phu quân tốt" trước người vợ hiền thục: "Dù nàng ấy là người hay là yêu tinh, ta cũng không bao giờ yêu nàng ấy!". Để rồi, khi nằm bên vợ, chàng hốt hoảng nhận thấy mình đang tưởng tượng ra tấm thân trần trụi quyến rũ của Tiểu Duy trên đồi cát vắng, hay bàng hoàng sau giấc mộng cùng Tiểu Duy cuồng nhiệt ân ái bên hồ nước... (dường như những lời đồn thổi rằng Tiểu Duy là yêu tinh chỉ thêm kích thích trí tưởng tượng của chàng!).

Khổ nỗi, trong đời thực, trước hành động hiến thân của Tiểu Duy, Vương Sinh vẫn phải một mực chối đây đẩy. Về cuối phim, khi đã biết rõ thân thế yêu nữ, Vương Sinh thú nhận: "Ta yêu nàng, nhưng ta đã thành thân với Bội Dung".

Sau 19 ngày đầu công chiếu, doanh thu của Họa bì đã đạt hơn 200 triệu tệ, trở thành bộ phim thứ 6 của Trung Quốc đoạt doanh thu kỷ lục này, sánh ngang với các phim Anh hùng, Hoàng Kim Giáp (đạo diễn Trương Nghệ Mưu), Lệnh tập kết (đạo diễn Phùng Tiểu Cương), Đầu danh trạng (đạo diễn Trần Khả Hạnh), Xích bích (đạo diễn Ngô Vũ Sâm). Đây là bộ phim đại diện cho điện ảnh Hồng Kông dự Oscar 2009.

Thật sự rất tiếc cho bộ phim, khi những ý tưởng về sự giằng xé giữa lý trí và thể xác, giữa đạo đức và ham muốn, giữa ẩn ức và thực tại - điều có thể đã khiến Họa bì mang thêm một tầng ý nghĩa nữa so với tác phẩm văn học - đã không được đẩy tới cùng. Trước tiên là vì đạo diễn, có lẽ do chiều lòng công chúng, muốn ngôi sao nào cũng có đất diễn, nên đã tốn quá nhiều thời gian cho các mối tình dàn trải chồng chéo, khiến bộ phim mang màu sắc "kỳ tình" thông thường của phim cổ trang Hoa ngữ.

Khắc sâu tâm trạng bấn loạn thương tâm của Vương phu nhân dẫu có đem lại cảm xúc cho khán giả nhưng cũng lại lấy đi không ít thời lượng của bộ phim. Cuộc chiến giành tình yêu của người đàn ông giữa người vợ và yêu nữ mang dáng vẻ "tâm lý xã hội" diễn ra tỉ mỉ hơn, hấp dẫn hơn, gay cấn hơn rất nhiều so với những giằng xé trong con người Vương Sinh.

Lỗi không nhỏ nữa nằm ở diễn xuất của nam diễn viên chính. Trần Khôn đã diễn rất cứng, cả ánh mắt lẫn gương mặt của anh đều thiếu sự nồng nhiệt, thì làm sao người xem có thể tin đây là gã đa tình "sá chi ngoài thật với trong mơ, đêm đêm ảo ảnh thơm chăn gối" (Tình liêu trai - Vũ Hoàng Chương) được? Lại thêm những cảnh "nóng" giữa Vương Sinh và Tiểu Duy (nghe nói được dàn dựng công phu, kỳ ảo) bị cắt càng góp phần làm cho thông điệp này của bộ phim bị yếu đi.

Đoạn kết, sau những pha đâm chém, chết đi rồi sống lại ly kỳ, Vương Sinh tỉnh dậy, việc đầu tiên của chàng không phải là bổ đi tìm người vợ trước đó đã chết trước mặt chàng, mà là trìu mến và lặng lẽ nhìn yêu nữ dần tan biết, và giơ tay ra như muốn níu giữ ảo ảnh. Muộn mất rồi, chút vớt vát này cũng không thể lấy lại những gì đã bị đạo diễn "sẩy tay" làm tuột đi để khiến người xem xúc động và phải suy nghĩ lúc ra về.

Giới điện ảnh và truyền thông Trung Quốc nói gì về Họa bì ?

* Đạo diễn Lục Xuyên: Vai diễn của Triệu Vy trong phim này là vai diễn xuất sắc nhất của cô ấy từ trước đến nay.

* Báo Bắc Kinh: Phim Họa bì mang đậm nét đặc sắc của cá nhân đạo diễn, giàu nghệ thuật, nhưng lại vô vị. Tuy cũng có khán giả cảm động vì chuyện tình yêu trong phim nhưng bộ phim lại đánh mất phần đáng yêu nhất, phần thu hút nhất của cốt truyện.

* Báo Thâm Quyến: Bộ phim được chuyển thể không hay, kém xa bộ phim Nữ quỷ họa bì của Hồng Kông trước đây. Là phim ma nhưng Họa bì không có được không khí căng thẳng sợ hãi, các tình tiết và các sắp đặt các cảnh không được thuận, về cơ bản chưa khai thác được nội dung tiềm ẩn của cốt truyện và những điều mà khán giả mong đợi. Ngoại trừ Châu Tấn, các diễn viên khác nhập vai chưa nhuyễn, còn gượng gạo, đặc biệt Trần Khôn diễn xuất rất dở, thật không xứng với danh hiệu Ảnh đế từng có.

* Mạng Tân Hoa: Khán giả chỉ thấy trên màn ảnh bài tập diễn xuất khóc lóc của các ngôi sao, vì vậy họ làm sao có thể thông cảm, cảm động được? Đó là chưa kể phần âm nhạc trong phim lại sử dụng nhạc Tây, hoàn toàn không liên quan. Tất cả các yếu tố này khiến bộ phim càng trở nên nặng nề, căng thẳng và thất bại.

Lệ Chi (tổng hợp)