Ðịa phương sản xuất phim, tín hiệu mới!
ÐIỆN ẢNH.- Một số tỉnh, thành ở phía Nam đầu tư sản xuất phim truyện với nhiều đề tài đa dạng, tạo nguồn cho phim truyện Việt Nam. Phong trào địa phương tự sản xuất phim dường như rộ lên, từ sau bộ phim Những đứa con thành phố của Hãng TFS được HTV và VTV 3 phát sóng
Giáo dục truyền thống qua phim
Ðồng Nai khởi đầu với bộ phim nhiều tập Cửa ngõ, kịch bản Nguyễn Khắc Phục, hợp tác với Cơ quan thường trú Ðài Truyền hình Việt Nam (TTÐTHVN) tại TPHCM, phim đã thực hiện xong phần hậu kỳ. Cần Thơ đã hoàn thành bộ phim nhiều tập Lửa vòng cung, hợp tác giữa Ðài Phát thanh Truyền hình Cần Thơ với Cơ quan TTÐTHVN tại TPHCM. Phim do đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện. Cà Mau “vào cuộc” với bộ phim dài 15 tập: Lời thề đất Mũi (kịch bản: Nguyễn Bá - Nguyễn Khắc Phục) cũng kết hợp với Cơ quan TTÐTHVN tại TPHCM. Cùng lúc, Kiên Giang chuẩn bị sản xuất hai bộ phim: Ấp ba nhà (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, 4 tập) hợp tác với Cơ quan TTÐTHVN tại TPHCM và Những người con của biển, phim truyện nhựa, hợp tác với Công ty Ðiện ảnh TPHCM. Riêng Bến Tre và Hãng phim Quân đội thực hiện phim truyện nhựa Lửa hương rừng dừa (kịch bản: Thanh Giang, đạo diễn: Trần Phương) với kinh phí 1,5 tỉ đồng...
Các địa phương cũng có nhu cầu dùng phim phản ánh lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương mình, không chỉ để tự hào mà qua đó giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Phim Cửa ngõ phản ánh cuộc chiến đấu ác liệt của quân và dân Ðồng Nai trong việc mở toang cửa ngõ mặt trận Xuân Lộc, tạo thuận lợi cho những cánh quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn. Phim Lửa vòng cung tái hiện lại trận chiến ác liệt của quân và dân Cần Thơ trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Phim Lời thề đất Mũi kể về quá trình giác ngộ cách mạng, đi theo Ðảng giải phóng quê hương của người dân ở vùng đất tận cùng của Tổ quốc. Phim Ấp ba nhà là câu chuyện tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường của người dân Kiên Giang...
Cần đầu tư về chất lượng nghệ thuật
Ông Lương Hoành - Giám đốc Cơ quan TTÐTHVN tại TPHCM, nhận xét rằng vào lúc các đài truyền hình, các hãng phim thiếu kinh phí sản xuất phim, thì việc hợp tác với các địa phương sản xuất phim truyện là biện pháp tốt nhất để nâng cao số lượng phim truyện Việt Nam, đáp ứng yêu cầu tăng thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam trên màn ảnh truyền hình.
Thực tế, việc các địa phương có chủ trương làm phim truyện là điều kiện thuận lợi giúp các nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim có thêm cơ hội tham gia sáng tác, có công ăn việc làm ổn định, tạo sự kích cầu và tạo nguồn cho phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất, cần được chú ý chăm sóc vẫn là chất lượng nghệ thuật của phim...