Kết quả bầu chọn bảy kỳ quan thế giới mới

(NLĐO)- Vạn lý Trường thành của Trung Quốc; thành phố Petra ở Jordan và tượng Chúa Cứu thế ở Brazil là những công trình nhận được nhiều phiếu bình chọn nhất trong danh sách 7 kỳ quan thế giới mới

Bốn kỳ quan được bầu chọn còn lại là Machu Picchu - khu định cư trên núi, biểu tượng cho đế chế Inca của người da đỏ tại Peru; di tích kiến trúc của người da đỏ Maya tại Chchen Itza ở Mexico; đấu trường La Mã (Colosseum) ở Italia và lăng mộ Taj Mahal ở Ấn Độ.

Đây là kết quả bình chọn của hơn 100 triệu người trên toàn thế giới thông qua mạng Internet, gửi tin nhắn và qua điện thoại. Kết quả bình chọn này đã chính thức được công bố tại một buổi lễ ở sân vận động Befiaca ở Bồ Đào Nha vào đúng ngày thứ bảy, ngày 7 tháng 7 năm 2007.

img
Thành phố cổ Petra (Jordan)

Theo các nhà tổ chức, chưa bao giờ trong lịch sử lại có nhiều người tham gia vào một quyết định toàn cầu như vậy. Cuộc thi này được xem là cơ hội tạo ra một sân chơi văn hoá toàn cầu và công nhận những thành tựu của xã hội ngoài châu Âu và Trung Đông. Bảy kỳ quan thế giới trước đây đã tồn tại hơn 2.000 năm và tất cả đều nằm ở khu vực Địa Trung Hải. Ngày nay, chỉ còn Kim Tự Tháp Giza còn đứng vững.

img
Tượng Chúa Cứu Thế (Brazil)

Bảy kỳ quan thế giới mới đã đánh bại danh sách 14 công trình khác được đề cử, trong đó có tháp Eiffel Tower của Pháp, tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ và khu đền Angkor ở Campuchia và Acropolis ở Hy Lạp.

img
Machu Picchu - khu định cư trên núi (Peru)

Theo TTXVN, chiến dịch đề cử bảy kỳ quan mới của thế giới được ông Bernard Weber, một người Thuỵ Sĩ ưa mạo hiểm, khởi xướng năm 1999. Ban đầu có khoảng 200 công trình được đề cử và sau đó được rút xuống 21 công trình để bình chọn vào năm 2006.

img
Di tích kiến trúc của người da đỏ Maya tại Chchen Itza

Tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ, nhà hát opera ở Australia luôn đứng cuối danh sách bình chọn.

img
Đấu trường La Mã (Colosseum) ở Italia

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản đối việc bầu chọn kỳ quan thế giới, trong đó có các quan chức của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của LHQ (UNESCO). Những người phản đối nói rằng, không thể lựa chọn các kỳ quan của thế giới thông qua một cuộc bầu chọn đại chúng như vậy .

img
Lăng mộ Taj Mahal ở Ấn Độ