Khán giả sẽ chọn game show hay reality show?
Reality show (truyền hình trực tiếp) được dự báo sẽ ăn khách trong thời gian tới. Những chương trình như Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước, Phụ nữ thế kỷ 21 mang đậm hơi thở cuộc sống, người chơi thể hiện tất cả cảm xúc thật của mình, đó chính là những điểm khán giả khó tìm thấy ở game show
Hằng ngày, khán giả ở mọi độ tuổi hầu như không gặp khó khăn để tìm xem một game show bất kỳ trên hai đài truyền hình lớn của cả nước là VTV và HTV. Tính sơ cũng có khoảng trên dưới 40 game show, hầu hết được chia thành các nhóm chính như ca nhạc (Nốt nhạc vui, Trò chơi âm nhạc, Hát với ngôi sao), kiến thức (Ai là triệu phú, Đấu trường 100, Rung chuông vàng, Quà tặng tri thức, Thử thách), trò chơi may rủi (Chiếc nón kỳ diệu, Ai là ai, Chung sức, Hãy chọn giá đúng, Siêu thị may mắn)...Đáp ứng nhu cầu giải trí, giá trị giải thưởng lớn là hai yếu tố chính làm nên sức hấp dẫn của game show. bên cạnh đó game show còn mang lại sự hợp tác có lợi nhiều bên giữa nhà đài, doanh nghiệp, khán giả, người chơi nên sự bùng phát đến mức tràn ngập game show trên các màn ảnh nhỏ như hiện nay là chuyện tất yếu.
Món ngon, ăn mãi cũng ngán
Tuy nhiên, ngoài chuyện phát triển chất lượng không đi cùng với số lượng, “đất sống” của thể loại game show ở ta không thể tồn tại lâu dài như ở các nước phương Tây-nơi sản sinh các game show đang phát sóng ở VN hiện nay- còn vì nhiều lý do khác, trong đó phải kể đến nguyên nhân từ phía người dẫn chương trình lẫn người chơi. Trong bất kỳ một game show nào, “hạt nhân” không ai khác hơn chính là người chơi. Thế nhưng do tâm lý Á Đông, hầu hết người VN không quen với việc bộc lộ mình trước đám đông nên khi lên hình rất gượng gạo, cứng ngắc dù có thể ngoài đời nhiều người rất hoạt bát, nhanh nhẹn. Nhiều game show như Kim tự tháp, trong đợt tuyển tháng 5 vừa qua lượng người chơi đăng ký lên đến hơn 1.000 người nhưng số người đáp ứng yêu cầu lên hình chỉ 60-70 người. Người chơi thiếu cá tính, nội dung nhiều game show lại na ná nhau, trách sao khán giả không mau nhàm chán.
![]() |
Game show Kim Tự Tháp vừa thay đổi một số nội dung để thu hút khán giả hơn. Ảnh: CTV |
Người dẫn chương trình (MC) - nhân vật quyết định 50% thành công của game show - cũng là đối tượng bị khán giả than phiền nhiều nhất. Sở dĩ Nốt nhạc vui vẫn còn được khán giả yêu thích như hiện nay công đầu thuộc về MC Thanh Bạch. Tài hoạt náo, biết tạo cảm hứng cho người chơi, lôi kéo khán giả vào cuộc của anh không phải bất kỳ MC nào cũng làm được. Nhìn lại số MC game show chỉ quanh quẩn vài cái tên: Thanh Bạch, Chi Bảo, Quyền Linh, Thanh Thảo, Tạ Minh Tâm... Có thể nói MC là vấn đề làm đau đầu các nhà sản xuất hiện nay và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người xem “ngoảnh mặt thờ ơ” với game show.
Reality show sẽ thắng thế?
Khi game show không còn sức hấp dẫn như buổi ban đầu nữa thì những thể loại khác sẽ chiếm chỗ. Theo Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM Huỳnh Văn Nam: “Sau thời gian nở rộ, game show sẽ được tiết giảm thời lượng phát sóng. Thay vào đó là reality show (truyền hình thực tế) và talk show (trò chuyện)”. Hiện nay, khán giả đã được làm quen với thể loại talk show qua một số chương trình như Trò chuyện với người nổi tiếng (HTV), Người đương thời (VTV). Hình thức trò chuyện-giao lưu này lôi cuốn người xem vì họ được tiếp cận, khám phá thêm nhiều điều về cuộc sống của những người nổi tiếng. Tuy vậy, cái khó của thể loại này là đòi hỏi ở người dẫn chương trình sự sắc sảo, bản lĩnh, vốn kiến thức mà điều này không phải MC nào cũng đạt được. Thêm vào đó không phải đối tượng được phỏng vấn nào cũng thoải mái thể hiện cảm xúc của mình trước ống kính máy quay (như kiểu Tom Cruise nhảy lên ghế sofa bày tỏ tình yêu với Katie Holmes trong buổi trò chuyện với Oprah Winfrey) hay sẵn sàng trả lời tất tần tật những câu hỏi, nhất là những vấn đề liên quan đến đời tư (thường là điểm khán giả quan tâm).
Reality show đang được dự báo sẽ ăn khách trong thời gian tới. Những chương trình như Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước, Phụ nữ thế kỷ 21 mang đậm hơi thở cuộc sống, người chơi thể hiện tất cả cảm xúc thật của mình, đó chính là ưu điểm mà khán giả khó tìm thấy ở game show. Cuối tháng 9 tới, HTV ra mắt thêm chương trình Khoảnh khắc vui nhộn mua bản quyền từ Funniest home video, Mỹ. Thời gian đầu sẽ phát sóng có chọn lọc một số đoạn video clip nước ngoài, sau đó phát những hình ảnh do chính khán giả tự ghi lại và gửi.
Nhà đài cũng phân vân Tuy nhiên, không phải dạng chương trình truyền hình “người thật việc thật” nào cũng được khán giả hồ hởi đón nhận, bằng chứng Vui là chính vừa ra đời đã gặp phải sự phản ứng tiêu cực từ phía người xem. Ngoài ra, reality show còn có hạn chế lớn là kinh phí sản xuất khá tốn kém, gấp 3-5 lần và thời gian ghi hình cũng kéo dài gấp 2-3 lần so với sản xuất một game show. Đây là những khó khăn mà các nhà đài và các công ty hợp tác khai thác chương trình truyền hình đang phân vân nên chọn game show hay reality show. |