Khát vọng sống của Nguyễn Hồng Công

Cuốn tự truyện Khát vọng sống để yêu (NXB Công an Nhân dân) vừa phát hành đã gây xôn xao dư luận. Tác giả cuốn sách là một cô gái 29 tuổi mà cuộc đời của cô nhiều người ngỡ như trong huyền thoại. Cô có cái tên rất dễ nhớ: Nguyễn Hồng Công thực ra, Nguyễn Hồng Công đã nổi tiếng từ mấy năm trước, khi cô và gia đình được mời tham dự chương trình Người xây tổ ấm trên VTV.

Lúc ấy, nhiều khán giả đã viết thư động viên Công, đồng thời chúc mừng cô có người cha dượng tuyệt vời.

Cuộc đời bệnh tật

- Gia đình Công cũng khá đặc biệt, bố hy sinh khi cô chưa chào đời, 14 năm sau mẹ đi bước nữa với một người cũng từng là lính và đã có một con trai. Bố dượng dành cho Công tình yêu, sự chiều chuộng mà cô luôn coi đó là phần thưởng lớn lao nhất mà cuộc đời đã ban tặng cho mình. Hạnh phúc vì đã có cha mà suốt tuổi thơ nghèo khao khát nhưng không lâu sau đó, bất hạnh lại giáng xuống Hồng Công và gia đình khi các bác sĩ phát hiện Công bị viêm cầu thận cấp, rồi suy thận, phải lọc máu để kéo dài sự sống. Căn bệnh quái ác đó cũng dần dần kéo đổ từng bộ phận trong cơ thể của Công. Cô bị khớp, jonal thần kinh, dạ dày, hành tá tràng. 17 tuổi, quả tim của Công phình to, 20 tuổi thì tim bị suy. Giờ đây tai, mũi, họng, mắt và tất cả các bộ phận trong cơ thể Công đều đang ở giai đoạn mãn. Cách đây 10 năm, Công đã mất 87% sức khỏe. Công là một trong những bệnh nhân lâu năm nhất của xóm chạy thận bệnh viện Bạch Mai, lại là khách hàng thân thiết của bệnh viện K, Mắt, Tai mũi họng. Mỗi lần thấy Công, các bác sĩ lại hỏi, có mắc thêm bệnh nào mới không?

Mười mấy năm trời Công sống như thể để nuôi đủ thứ bệnh tật trong người, nhiều lúc đau không đủ sức kêu, cứ đập đầu vào tường. Bố mẹ sợ con vỡ đầu phải lấy chăn bông đỡ. Lẽ ra Công đã phải bỏ học từ ngày cấp II nhưng vì tính Công không chịu được buồn khi phải xa bạn, xa trường, hơn nữa Công vẫn mơ ước được học giỏi, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người nên cô không chịu đầu hàng. “Ngày tôi thi tốt nghiệp lớp 12, bố mẹ phải phục kích ngoài phòng thi, thi xong bố mẹ đưa vào bệnh viện luôn”- Công nhớ lại. Không thể học thêm được nữa song Công vẫn quyết thực hiện ước mơ được quen nhiều, biết nhiều, được mở rộng lòng mình. Chính bố mẹ Công cũng phải kêu lên “Trời ơi, sao mày nhiều bạn thế hả con?”. Công thừa nhận, mình là người hướng ngoại, hay nói và rất có duyên nên ai gặp cũng quý. Có hôm đi khám bệnh, không hiểu ông bác sĩ tức tối chuyện gì mà đuổi hết bệnh nhân ra ngoài nhưng nhìn thấy Công lại gọi “cháu gái ở lại”. Cũng chỉ có mấy lần viết thư cho nhà thơ Đặng Vương Hưng mà nhà thơ cũng tìm vào tận nhà xem mặt. Thấy Công hay than thở thì anh bảo viết sách. Rồi Công viết Khát vọng sống để yêu trong đúng một năm, cũng chỉ viết được trong những lúc cơ thể thật đau đớn, tâm trạng thật buồn rầu hoặc thật vui thôi, còn lúc bình thường thì không thể viết được chữ nào.

Tôi sống như hôm nay là ngày cuối cùng

- Khi cuốn sách vừa ra mắt, mỗi ngày Công nhận được cả trăm tin nhắn. Những tin nhắn đầy yêu thương và cảm phục: tôi có cảm giác như sống cùng em để tận hiểu nỗi lòng em phải chịu đựng. Tôi cầu mong một phép mầu sẽ đến với em. Thật ra, trong thâm tâm tôi đang dần mất đi một điều gì đó vô cùng to lớn vượt quá sự tưởng tượng của tôi. Tôi lo sợ khi không nhận được tin nhắn của em mặc dù tôi chưa một lần gặp và biết em. Nhiều người gọi cô là “khát vọng ơi”. Cô ngồi đọc tin nhắn quên ăn quên ngủ, hàng xóm bảo Công dở hơi, cứ làm những việc không đâu. Công cười sung sướng: “Bác không biết cháu đang là người hạnh phúc nhất trên đời à?”. Lúc rảnh, Công lại ngồi đánh máy từng tin nhắn để lưu trong vi tính. Công bảo, một ngày có đến ba anh nhận cô là em gái, bốn anh đòi yêu. Có lần, cả lớp học sinh đang học cũng gọi điện đến động viên. Cuộc sống của cô như đang ở trong mơ. Công còn là người tư vấn tình yêu và sức khỏe nữa chứ vì nhiều người viết thư đến hỏi mà. Có lẽ vì họ nghĩ Công yêu nhiều. Những mối tình đã được Công viết khá rõ trong cuốn tự truyện và cô coi đó là những kỷ niệm đẹp nhất của đời con gái. Lúc buồn, Công đi chụp ảnh cưới giữ cho riêng mình chứ không dám mơ ước xa hơn. Cô chỉ muốn tận dụng những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời để nhìn ngắm thế giới. Bất cứ lúc nào có thể là Công đi chơi quanh thành phố. Công rất thích ngắm trẻ con, đó cũng là niềm hạnh phúc mà cô biết không bao giờ mình có được. “Mỗi ngày trôi qua, tôi cảm nhận rõ sức khỏe của mình giảm thêm một chút nhưng tôi thấy yêu cuộc sống rất nhiều. Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể ra đi bất cứ lúc nào. Có người đã chết trên bàn khi đang lọc máu, có người chết khi đang ngủ. Còn tôi chỉ biết sống như hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình vậy” - Công nói.

Chưa hết buồn đau

- Mười năm nay, Công ở trọ trong căn hộ cấp 4 cùng với các cư dân của xóm chạy thận gần Bệnh viện Bạch Mai để tiện việc chữa trị. Mười năm cũng là khoảng thời gian cả gia đình cô điêu đứng bởi việc chữa chạy hết sức tốn kém. Là người nhạy cảm, Công hiểu rõ nỗi đau thầm kín mà bố mẹ phải chịu đựng vì mình. Bố dượng là thương binh về hưu vẫn hằng ngày tần tảo cùng vợ ra chợ bán hàng rau quả để lấy tiền cho con chữa bệnh. Kiếm không đủ tiền thì phải đi vay bạn bè. Có người vừa nhìn thấy ông Kỳ (tên bố dượng Công) là biết ngay ông đến vay tiền. Họ còn bảo, ông vay nợ nhiều thế lấy đâu để trả, mà có chữa cho nó thì cũng chỉ vài năm, cuối cùng cũng không tránh được cái chết. Thương bố mẹ ốm cũng không dám đi chữa, Công cũng thử làm nhiều việc, bán nước, gấp phong bì, thiếp mời nhưng chỉ với hơn 10% sức khỏe còn lại trong cơ thể, nhiều lần Công xỉu khi đang làm nên đành bỏ cuộc. Công biết mẹ buồn vì có chồng hy sinh mà không được hưởng chế độ vợ liệt sĩ, cô gắng dùng chút sức lực cuối cùng đã cất công đi từ xã lên huyện, tỉnh để đòi chế độ cho mẹ. Vòng vo mãi, câu trả lời Công nhận được là con đã được hưởng rồi thì mẹ phải thôi. Tủi thân quá, nhiều lần vừa bước ra khỏi phòng là Công khóc như mưa. “Một người đã mất gần hết sức khỏe mà không được sự ưu tiên nào ư?”. Nghĩ vậy nhưng sau hai năm theo đuổi, Công đành thôi.

Bây giờ, điều hạnh phúc nhất đối với bố mẹ là Công đã trưởng thành, đã viết sách, được nhiều người biết đến. Ngày Công đưa sách về bố mẹ đọc và khóc, lúc ấy người Công cứ nghẹn lên, không dám nhìn.