Kỳ vọng The Voice Việt

Khán giả đang kỳ vọng sự bứt phá của The Voice Việt khi những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc khác đang bắt đầu thoái trào hay ít nhất là hạ nhiệt sau nhiều năm ra mắt

Sẽ khập khiễng nếu so sánh The Voice Việt (Giọng hát Việt) và The Voice Mỹ (cả 2 đều là chương trình phiên bản được nhượng quyền sản xuất từ chương trình gốc The Voice of Holland (của Hà Lan). Thế nhưng, thật khó để có thể bỏ qua khi The Voice phiên bản Mỹ (mùa thứ ba) quá nổi tiếng (đang được phát sóng) và The Voice Việt lần đầu ra mắt cũng được đầu tư khá quy mô, hoành tráng.

Gây chú ý trước khi lên sóng

Dễ hiểu vì sao khi mùa giải đầu tiên của Giọng hát Việt được cả giới chuyên môn lẫn khán giả quan tâm một cách đặc biệt. Vòng thi Giấu mặt với sự tranh tài của 120 thí sinh diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 18 đến 22-6 tại Nhà Thi đấu Nguyễn Du - TPHCM) ít nhiều để lại ấn tượng với người xem.
Thậm chí, những cuộc bàn tán sôi nổi về thí sinh The Voice rất đáng lưu ý rằng “The Voice kiếm được rất nhiều giọng hát có chất, máu lửa như hiện tượng Uyên Linh ở Vietnam Idol mùa giải trước”. Đây không phải là sự tán dương quá lời và chắc chắn nó sẽ được kiểm chứng khi chương trình chính thức lên sóng.
img
Các ca sĩ Trần Lập, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng
ngồi ghế giám khảo trong chương trình. Ảnh: NGUYỄN TRUNG ĐÀI
Tập 1 của vòng thử giọng Giấu mặt chính thức ra mắt khán giả truyền hình  lúc 21 giờ ngày 8-7 trên kênh VTV3 với sự xuất hiện của 16 thí sinh đầu tiên bằng nhiều phong cách và cá tính âm nhạc khác nhau. Trong tập này, khán giả sẽ được chứng kiến một cuộc cạnh tranh “nảy lửa” giữa 4 huấn luyện viên (cũng là giám khảo) là Đàm Vĩnh Hưng, Trần Lập, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh và đặc biệt là 2 huấn luyện viên nữ luôn chiếm được cảm tình của các bạn thí sinh.
Những khoảnh khắc nuối tiếc của Hồ Ngọc Hà hay sự hưng phấn của Thu Minh khi chọn được thí sinh như ý cũng như phần đối thoại hài hước của 4 huấn luyện viên đã tạo một cuộc tranh tài gay cấn và thú vị. Năm tập phát sóng vòng tuyển sinh Giấu mặt sẽ được lên sóng vào mỗi chủ nhật hằng tuần lúc 21 giờ, lần lượt vào các ngày 8, 15, 22, 29-7 và 19-8.

Với sự kiểm soát chặt chẽ của nhà sản xuất phiên bản gốc, The Voice Việt phải tuân thủ một cách tuyệt đối, từ thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, khung - sàn sân khấu… đến ghế xoay của 4 huấn luyện viên. Bốn chiếc ghế của 4 huấn luyện viên được đặt làm trong hơn 3 tháng và phải bảo đảm giống hoàn toàn. Mọi khâu chuẩn bị tổ chức đều được giám sát một cách chặt chẽ, bảo đảm được tính chính xác và đúng với định dạng chuẩn từ phía chuyên gia Hà Lan.

Sự quan tâm một cách đặc biệt này đều bắt nguồn từ một phiên bản The Voice thành công ngoài mong đợi ở Mỹ. Tính đến thời điểm này, The Voice là đối thủ nặng ký của 2 chương trình truyền hình thực tế, cũng tìm kiếm các tài năng âm nhạc là Idol và Got Talent vốn đứng đầu danh sách về lượng khán giả theo dõi và doanh thu quảng cáo từ nhiều năm nay.
Vì thế, khán giả yêu nhạc Việt cũng đang kỳ vọng sự bứt phá của The Voice Việt khi những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc khác đang bắt đầu rơi vào thế thoái trào hay ít nhất là hạ nhiệt sau nhiều năm ra mắt.

Hồi hộp chờ đợi

Còn quá sớm để nói hay hoặc dở, nhất là khi chương trình còn chưa lên sóng. Nhưng không phải vô lý khi giới chuyên môn đồng ý với nhận định: “Nhà sản xuất đang quá tham khi xây dựng  một ban giám khảo là những người quá nổi tiếng để lôi kéo khán giả ngay từ đầu. Trong khi đó, nhà sản xuất The Voice Mỹ không quá chú trọng đến tên tuổi người nổi tiếng ở vị trí ghế nóng.
Christina Aguilera, Cee Lo Green, Adam Levine (giọng ca chính của ban nhạc Maroon 5) và Blake Shelton không phải là những cái tên đình đám hàng đầu của làng giải trí, nhưng những điều họ nói, những việc họ làm đều đủ sức thuyết phục người xem. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào chất lượng chuyên môn nghề mà còn là “cái duyên đáng mến và cách nói thuyết phục trong những nhận xét của họ” - như lời nhận xét của ca sĩ Bảo Lan. Tất nhiên, cái duyên này không chỉ tự nhiên mà còn được tạo bởi quan niệm thông thoáng.
Tức là mọi nhận định dù thẳng thắn như “tát nước vào mặt”, một phong cách rất Simon Cowells, vẫn được chấp nhận và hoan nghênh. Trong khi đó, qua nhiều chương trình và thực tế đã chứng minh, mọi nhận định của ban giám khảo luôn cẩn trọng, thậm chí nhận xét cũng phải trải qua sự gọt giũa từ kịch bản viết sẵn của nhà sản xuất hòng bảo đảm chương trình luôn nằm ở thế an toàn nhất. Chính sự cẩn thận đến quá đáng này của nhà sản xuất, kênh truyền hình phát sóng đã làm mất đi ít nhiều cá tính có sẵn của các thành viên ban giám khảo. Để rồi, chương trình vốn rất hay ở nước ngoài lại diễn ra nhàn nhạt ở Việt Nam.

Lỗi này không hoàn toàn thuộc về nhà sản xuất bởi chính khán giả luôn cần nhẹ nhàng, mềm mỏng, nhún nhường trong việc lựa chọn giải pháp thay vì nói thẳng, nói thật cho nhanh gọn. Đó là chưa kể tâm lý “tội nghiệp” thí sinh lấn át trong mỗi khán giả khiến những câu chuyện cổ tích thời nay luôn được khai thác trong  xây dựng kịch bản các chương trình tìm kiếm tài năng.

Chương trình Giọng hát Việt được Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cát Tiên Sa sản xuất, mua bản quyền từ Công ty Talpa Distribution (Hà Lan) với
sự tài trợ của Công ty Điện tử Samsung, lên sóng VTV 3 vào ngày 8-7.

Chương trình ở hàng ăn khách nhất

The Voice là chương trình tìm kiếm những giọng hát xuất sắc xuất phát từ phiên bản The Voice of Holland (của Hà Lan).

Năm 2011, đài truyền hình NBC của Mỹ lần đầu tiên đưa vào sản xuất với tên gọi The Voice, mùa thi khởi đầu đã được các đài truyền hình nổi tiếng của 47 quốc gia trên thế giới phát sóng: Canada, Pháp, Mexico, Argentina, New Zealand, Úc, Singapore, Đan Mạch...

Tại châu Á, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên mua bản quyền và được phát sóng trên kênh AXN Asia vào năm 2011. Như vậy, sau Hàn Quốc, Việt Nam là quốc gia thứ hai được cấp phép và sản xuất The Voice.