Làm thế nào để có phim hay?

BÀN TRÒN ĐIỆN ẢNH.- Bộ phim Gái nhảy đã “kéo” khán giả đến các rạp. Bên cạnh sự lạc quan ban đầu, thành công của nó cùng nhiều bộ phim khác đã gợi ra nhiều ý tưởng về việc nâng chất phim VN

Chắc hẳn các nhà chuyên môn đã và đang phân tích nguyên nhân tạo nên thành công của Gái nhảy và một số bộ phim khác. Riêng khán giả, đối tượng phục vụ của ngành điện ảnh, trong mối quan tâm về sự phát triển của ngành nghệ thuật này, cũng đúc kết được nhiều điều từ góc nhìn người xem. Làm thế nào để có phim hay? là câu hỏi do chúng tôi đưa ra. Và họ đã trả lời.

Kiến trúc sư Nguyễn Đình Phước (Công ty Xây dựng và Thiết kế số 1):

Khai thác đời thường một cách sâu sắc

Theo tôi, phim VN cần đi vào thực tế, khai thác đời thường một cách sâu sắc, chứ đừng đi theo “mô típ” hễ cô Tấm thì cực khổ, rồi sau đó... sung sướng! Lâu nay chủ đề phim VN không sâu sắc, giải trí nửa vời, ý tưởng giáo dục cứng nhắc. Các bộ phim truyền hình như: Blouse trắng, Người đàn bà yếu đuối và mới đây là Gái nhảy đã tìm một suy nghĩ khác trong cách đặt vấn đề, vì thế phần nào lôi cuốn người xem. Đã gọi là phim thì hình ảnh phải đẹp, thật. Vừa qua, do diễn viên thiếu nên ta phải lấy từ nhiều nguồn, lại quay vội vàng, chạy theo kế hoạch nên một số người diễn hời hợt. Vì sao trong chiến tranh thiếu thốn trăm bề mà ta vẫn có những bộ phim hay đoạt các giải thưởng quốc tế như: Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu? Không thể đổ lỗi cho nghèo để không tìm tòi sáng tạo.

Ông Nguyễn Thái Hòa - Phó Giám đốc Hãng phim Giải phóng:

Phim hay đồng nghĩa với đông khán giả

Vào thời điểm những năm 1991 - 1995, khi trình độ thẩm mỹ của đa số khán giả chưa cao, việc phim VN có đông khán giả chưa hẳn là phim hay. Nhưng đến thời điểm năm 2003, khi trình độ thẩm mỹ của số đông khán giả đã được nâng lên rất nhiều, khái niệm phim hay phải đồng nghĩa với phim có đông khán giả. Lâu nay phim VN sản xuất thường có ba loại: Phim sản xuất phục vụ cho các ngày lễ lớn của đất nước; phim làm để “trổ tài cao thấp” giữa các nghệ sĩ với nhau và phim sản xuất nhắm tới đối tượng khán giả. Trong đó, phim nhắm tới đối tượng khán giả rất ít. Phim làm ra mà không có khán giả thì không thể gọi là phim hay được. Suy cho cùng, tác phẩm điện ảnh cũng là hàng hóa. Hàng hóa thì phải có người mua. Nếu không có người mua, người sản xuất coi như phá sản!

Đ.Huy ghi

Chị Bùi Ngọc Thoan (giáo viên môn văn Trường cấp 3 Trần Khai Nguyên, Q.5 - TPHCM):

Làm phim đừng “giả” quá

Tôi thường xuyên theo dõi các phim truyền hình do TFS sản xuất. Nhiều phim rất khá, nhưng nhiều phim dài dòng, nội dung gượng ép quá. Gần đây, TFS hay làm phim về đề tài người tốt việc tốt, nhân tố mới trong xã hội, đây là điều rất hay nhưng phải làm sao cho gương điển hình đó thuyết phục được người xem, đừng có “giả” quá! Qua phim Gái nhảy, nói chung rất đáng mừng vì bộ phim đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức và giải trí của người dân. Nếu người làm phim tự cho là “hay” mà chúng tôi không cảm thấy hấp dẫn, không đến rạp thì cũng như thất bại.

Chị Như Bình (thợ may, 232 lô J chung cư Nguyễn Thiện Thuật):

Tình yêu trong phim không giống ngoài đời

Phim VN gần đây cũng hay, có nhiều diễn viên trẻ đẹp đóng. Có khá nhiều phim đề cập đến chuyện tình cảm trai gái nhưng tôi có cảm giác nó không giống tình cảm thật ngoài đời. Cũng ít có phim diễn tả hay về tâm lý con người. Tôi thấy trong phim Hàn Quốc, diễn viên diễn tả tâm lý rất hay, cuốn hút. Tôi cũng mong sẽ đến một ngày, hễ đến giờ chiếu phim VN, khán giả không bỏ sót một tập phim nào trên truyền hình cả. Cần làm phim hay, xúc động hơn nữa về tình yêu!

Anh Nguyễn Ngọc An (Bí thư Đoàn Khoa Xã hội học, Đại học KHXH & NV TPHCM):

Phải có kịch bản hay

Một bộ phim hấp dẫn người xem trước tiên phải là phim có kịch bản hay, góc quay độc đáo, sau đó mới kể đến yếu tố diễn xuất của diễn viên. Tôi không ủng hộ chuyện ca sĩ, người mẫu đi... đóng phim, vì đó không phải là sở trường của họ. “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” mà! Sắp tới, mong sao các nhà làm phim thực hiện những bộ phim nói về công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cuộc sống của họ rất đa dạng, phong phú nhưng cũng không kém phần phức tạp.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (Công ty TNHH Hóa chất C.J. Petrow - Singapore):

Xem mở đầu, biết... kết phim

Thú thật, tôi không thường xuyên đi xem phim VN ở rạp, không phải do không có điều kiện mà là vì tôi không thích. Bởi, đa số nội dung các phim  VN đều na ná nhau, xem phần mở đầu có thể đoán biết được kết cuộc, còn diễn xuất của diễn viên thì gượng gượng thế nào, không tự nhiên... Các nhà làm phim cần tạo nét mới, sinh động và đa dạng đề tài cho phim VN.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (Văn phòng Công đoàn ngành công nghiệp VN tại phía Nam):

Cần tiếp thị, quảng cáo phim VN tốt hơn

Tôi nghĩ phim Gái nhảy hấp dẫn vì tựa phim “đánh” vào sự tò mò của người xem. Khán giả đến xem phim đông là muốn tìm hiểu thế giới đó. Nhưng chưa chắc các phim sau sẽ thu hút, vì tính hiếu kỳ ở mỗi bộ phim của VN chưa được đầu tư, nói đúng hơn là công tác tiếp thị, quảng cáo không mạnh. Lâu nay, phim VN không lôi cuốn khán giả vì nội dung nghèo nàn, ứng xử trong phim cách xa đời thường. Diễn viên không tự nhiên, lại thêm khâu lồng tiếng như. .. thoại kịch. Theo tôi, để thu hút khán giả thật sự (chứ không chỉ là xu hướng tò mò như phim Gái nhảy) cần có nhiều thời gian để khán giả quen với phim VN và cần làm tốt công tác tiếp thị.