Lê Lựu chưa tắt nụ cười đã rơi nước mắt
Lê Lựu vốn mau nước mắt. Chuyện buồn khiến ông xúc động, chuyện vui cũng làm ông nghẹn ngào. Nhưng khi nhà văn - gần 70 tuổi, bệnh tật đầy mình - úp mặt vào lòng bàn tay, nức nở kể chuyện vợ con, thì nước mắt ấy có lẽ là chát đắng nhất cuộc đời ông.

Vì vậy, khi thấy Lê Lựu, áo sơ mi trắng, quần sooc ngắn, bước đi có người dìu, xuất hiện tại Hội thảo Văn học Việt - Mỹ vừa diễn ra ở Hòa Bình, nhiều bạn văn của ông mừng rỡ. Còn Lê Lựu, như mọi khi, lại thoáng cười, thoáng khóc. Gương mặt râu ria, với mái tóc lòa xòa của ông rạng rỡ hẳn lên khi nghe đồng nghiệp trong và ngoài nước nhắc lại những kỷ niệm xưa, ca ngợi ông như là sứ giả đầu tiên bắc nhịp cầu hòa bình hậu chiến giữa các nhà văn Việt - Mỹ. Rồi ông khóc, lúc rấm rứt, lúc nức nở trước những cái ôm thật chặt, những lời hỏi thăm chân tình của bè bạn.

Ra ngoài được lắm người thương, nhiều bạn đọc mến mộ, nhưng trong gia đình, Lê Lựu là người chồng bị coi nhẹ, người cha bị các con ghẻ lạnh. Năm ngoái, Lê Lựu bị tai biến mạch mãu não lần thứ ba, phải nằm viện. Trong lúc nhà văn đang vật lộn giữa ranh giới của sự sống và cái chết thì vợ ông mang giấy ly hôn đến để ông ký; còn hai đứa con chỉ chầu chực chờ bố cho phép bán căn nhà 50 mét vuông ở phố Lý Nam Đế. Không muốn mất đi nơi ở đã gắn bó với mình suốt 20 năm qua và cũng mong níu kéo chút tình cảm của các con, nhà văn đã đưa ra một điều kiện đau đớn. Nếu các con ký giấy cam kết không liên quan gì đến bố nữa, thì ông sẽ đồng ý bán nhà. Không ngờ, hai đứa con ký luôn vào tờ giấy từ bố đẻ. Lê Lựu thua trắng, mất trắng và tuyệt vọng đến cùng cực.
"Hai đứa con tôi đều được ăn học đến nơi đến chốn. Đứa con gái lớn tốt nghiệp trường Ngoại giao, nay đi làm cho Liên hợp quốc. Đứa con trai tốt nghiệp Học viện báo chí, nhưng chưa làm được việc gì ra trò, suốt ngày lông bông", ông đau khổ nói.

Niềm an ủi duy nhất của Lê Lựu những ngày đó là đứa con gái ông có với người vợ đầu - người vợ mà ông chỉ kết hôn vì gia đình sắp đặt. "Dạo đó, nó cứ tối thì từ Hưng Yên lên đây chăm tôi, sáng ra lại trở về đi làm", nhà văn úp mặt vào hai bàn tay xương xẩu, khóc nức lên khi nhắc về đứa con gái vất vả nơi quê nhà - đứa con không được ông chăm sóc chu đáo nhưng lại có hiếu nhất khi bố lâm trọng bệnh.