Long thành cầm giả ca và thân phận con người

“Thông qua kịch bản này, tôi chỉ muốn nói lên một điều: Các triều đại có thể bị phế truất, thay đổi nhưng văn hóa dân tộc thì mãi mãi trường tồn”- Văn Lê nói

. Phóng viên: Cùng với phim Thái sư Trần Thủ Độ (truyền hình), phim truyện nhựa Long thành cầm giả ca là phim thứ hai được Nhà nước đặt hàng sản xuất phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Xuất phát từ đâu anh nảy ra ý tưởng hình thành kịch bản Long thành cầm giả ca. Và anh viết nhiều kịch bản có phải chỉ vì để dự thi?

- Biên kịch- đạo diễn Văn Lê: Từ lâu tôi đã yêu thích Nguyễn Du và những tác phẩm của ông. Các sáng tác của Nguyễn Du hầu hết đều thể hiện những niềm trăn trở day dứt về con người- thuộc vào hạng thập loại chúng sinh, họ đau khổ vì đời sống chứ không phải vì những biến động của lịch sử.

Bài thơ Long thành cầm giả ca là một trong số đó. Nguyễn Du sáng tác bài thơ này trong quãng thời gian đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) vào năm 1813 đến 1814. Tôi lấy bài thơ Long thành cầm giả ca để làm sườn cho kịch bản cùng tên này. Tháng 3 năm ngoái, tôi bắt tay vào viết và khoảng một tháng sau thì hoàn thành.


Sở dĩ tôi gửi kịch bản tham dự cuộc thi sáng tác kịch bản kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là cũng theo lời khuyên của các anh ở Cục Điện ảnh VN chứ không chủ ý viết để dự thi. Tôi viết Long thành cầm giả ca vì tình yêu Thăng Long và bản thân cũng không hy vọng đoạt giải.

img
Biên kịch - đạo diễn Văn Lê. Ảnh: C.T.V


Vì vậy, khi biết tin kịch bản được trao giải nhất với số điểm tuyệt đối, tôi cảm thấy nhẹ lòng vì công sức lao động mà mình bỏ ra đã có kết quả và quan trọng nhất là những nỗi niềm trăn trở, khao khát mà mình gửi gắm trong kịch bản đã được các thành viên ban giám khảo đồng cảm, chia sẻ.


. Cụ thể anh đã gửi gắm những gì trong kịch bản Long thành cầm giả ca?

- Lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du, thông qua nhân vật chính là cô gái gảy đàn tên Cầm và chàng trai Tố Như, kịch bản Long thành cầm giả ca nói về thân phận con người-những con người tài năng mà cuộc đời phải trải qua những biến loạn khủng khiếp nhất của xã hội VN giữa cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, một giai đoạn mà lịch sử VN có nhiều biến cố với sự thay đổi của nhiều triều đại.

Thông qua kịch bản này tôi chỉ muốn nói lên một điều: Các triều đại có thể bị phế truất, thay đổi nhưng văn hóa dân tộc thì mãi mãi trường tồn.


. Với một ý tưởng sâu sắc như vậy liệu anh có lo ngại sẽ không thể hiện hết tinh thần của kịch bản khi dựng thành phim, nhất là trong điều kiện điện ảnh đang thiếu đạo diễn có năng lực làm phim cổ trang?

- Tôi và đạo diễn Đào Bá Sơn vừa là bạn bè vừa là đồng nghiệp, chúng tôi rất tôn trọng nhau nên tôi cũng không lo lắm khi kịch bản được giao cho Đào Bá Sơn thực hiện phim. Trước đây tôi cũng từng có hai kịch bản được Đào Bá Sơn dựng thành phim khá tốt là Những đứa con của thần linh (phim truyện) và Đám mây không dừng lại (tài liệu).

Riêng về kịch bản Long thành cầm giả ca, sau khi đoạt giải, tôi đã đưa cho Đào Bá Sơn đọc và anh tỏ ra rất yêu thích, tâm huyết với những gì tôi viết. Chúng tôi đã trao đổi nhiều với nhau xung quanh kịch bản này. Ngoài ra, tôi cũng sưu tầm nhiều tư liệu về y phục quan chế thời đó để giúp cho Đào Bá Sơn có điều kiện tìm hiểu thêm. Vì vậy, tôi cũng khá yên tâm về sự hợp tác này.


. Trong định kiến của nhiều người, những kịch bản dự thi hoặc những phim làm ra dành cho những dịp lễ thường rất khó hấp dẫn công chúng. Kịch bản của anh sẽ có những yếu tố gì để khi thành phim tránh được định kiến này?

- Kịch bản của tôi có yếu tố lạ. Cái lạ nằm trong hình ảnh, lời thoại. Có những chi tiết mang hơi hướm huyền bí, tâm linh, chẳng hạn nhân vật nữ chính chỉ khóc bằng một mắt. Ngoài ra, kịch bản cũng chứa đựng nhiều đoạn lãng mạn, trữ tình, thậm chí có cả sex, nhưng tất nhiên phải bảo đảm vừa mang tính văn hóa vừa con người và phải đặt trong hoàn cảnh hợp lý nữa.


. Phim làm theo đơn đặt hàng của Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, liệu có kịp thời gian để hoàn thành phim đúng vào dịp lễ (2010)?

- Hãng phim Giải Phóng- nơi tôi đang công tác- sẽ đảm nhận vai trò nhà sản xuất. Tôi và Đào Bá Sơn vừa đi khảo sát chọn bối cảnh, dự kiến phim sẽ quay ở Huế, Hội An, Ninh Bình, Hà Tây, Hà Nội. Phần bối cảnh như vậy tương đối đã xong. Sắp tới, Đào Bá Sơn sẽ tuyển diễn viên. Nếu mọi thứ suôn sẻ, tháng 10 tới phim sẽ bấm máy.

Gương mặt kỳ cựu của phim tài liệu

Long thành cầm giả ca là kịch bản phim truyện thứ tư của Văn Lê được dựng thành phim sau Những đứa con thần linh, Vua lửa, Ngọn lửa Tà Peng, còn lại anh chỉ chuyên viết kịch bản và làm phim tài liệu. Anh là một gương mặt kỳ cựu của thể loại phim tài liệu, đã đạo diễn khoảng 30 phim tài liệu và được đánh giá là một trong những đạo diễn xuất sắc của thể loại phim này. Nhiều bộ phim tài liệu của anh mang hơi thở cuộc sống, phản ánh những trăn trở niềm tin, khao khát của con người trước cuộc sống: Thiện và ác, Niềm vinh quang lặng lẽ, Cái bến, Yến và người, Di chúc của những oan hồn... “Đôi lúc tôi cũng thấy chạnh lòng khi các tác phẩm của mình lại không có điều kiện đến với công chúng một cách rộng rãi”- anh tâm sự.
Văn Lê còn là hội viên Hội Nhà văn VN, đã xuất bản hơn 20 cuốn tiểu thuyết và thơ.

Lương duyên của Tố Như

Phim Long thành cầm giả ca xoay quanh cuộc đời và mối lương duyên của hai nhân vật chính Tố Như và Cầm, trải dài từ thuở mới lớn cho đến trung niên. Cầm là một cô gái xuất thân trong gia đình có mẹ và dì đều là ca kỹ. Lớn lên, cô được gửi lên Long thành học đàn. Trên đường đến Long thành, Cầm tình cờ làm quen với tân khoa Tố Như khi anh trên đường đi thi về. Cuộc gặp gỡ tình cờ với cô bé có nốt ruồi nơi khóe miệng đã làm xao động tâm hồn của Tố Như dù rằng anh đã có vợ ở quê nhà. Nhưng rồi đất nước tao loạn, cả hai trôi dạt mỗi người một phương. Mấy chục năm sau, họ gặp lại nhau, lúc Tố Như đã thành đạt, còn Cầm trở thành cô đào hát già, xấu xí nhưng nhờ tiếng đàn, Tố Như vẫn nhận ra nàng. Sau một đêm bên nhau, Tố Như sáng tác bài thơ Long thành cầm giả ca tặng Cầm rồi bỏ đi. Cầm ôm bài thơ lội ra giữa sông. Từ đó không ai thấy nàng nữa. Vào một ngày kia, có một ngư dân đi câu, nhân khi lưỡi câu bị mắc, anh lặn xuống dòng sông để gỡ. Lần theo dây câu, anh nhìn thấy một người đàn bà tay ôm đàn, váy áo và tóc trôi vật vờ trong dòng nước sâu thẳm...