Lưu Gia Bảo – Âm nhạc là đam mê cháy bỏng
Nhiều lúc tôi cũng tính bỏ cuộc, nhưng đó là cái nản thoáng qua thôi, đã làm công việc nào phải có trách nhiệm với công việc đó, là ca sĩ, tôi phải có trách nhiệm với khán giả, họ đã cho mình tình thương và cho tiền bằng cách mua vé vô coi mình hát, mình phải trả nợ cho họ.
LTS: Lưu Gia Bảo tên thật là Phan Hoàng Hải, quê ở Sóc Trăng. Chọn nghiệp đi hát với nghệ danh Hoàng Chí Hải (sau đổi thành Lưu Gia Bảo vì hâm mộ diễn viên Lưu Đức Hòa) tính ra đã hơn 3 năm. Mới đây phát hành album vol.3 Lời xin lỗi muộn màng Lưu Gia Bảo đã phần nào thành công về mặt doanh thu khi nhằm vào thị trường giải trí bình dân. Ca khúc Biết thế tôi không yêu thật nhiều do chính Lưu Gia Bảo sáng tác đang lọt tai nghe của nhiều bạn trẻ, nhưng ít ai biết để thực hiện ước mơ ca sĩ, Bảo đã phải trải qua những bước đường truân chuyên đến mức nào ...
Từ buôn quần áo sang làm ca sĩ
Tôi quê ở Sóc Trăng, hồi nhỏ có tham gia văn nghệ trong trường, nhưng không đoạt nhiều giải cao vì thi hát về chủ đề trường lớp mà tôi cứ nhắm mắt nhắm mũi hát tình yêu cho đã! Sau này tôi có đoạt giải B của trường, đi thi tỉnh hát bài Một đời người một rừng cây, nghe hay nên nhiều bạn yêu cầu chép lời ra để tặng, tôi thấy mình như người nổi tiếng rồi, thế là mơ ước thành ca sĩ. Học hết lớp 12 tôi đòi lên Sài Gòn, cha không cho đi, bảo dưới này không có trường Đại học hay sao mà cứ phải lên đó thi cho xa. Nhà có sẵn nghề kinh doanh, mở xưởng cà phê, tôi học về quăng cặp ra là đi giao cà phê rồi, gần như quán xuyến hết công việc giao nhận hàng, nay đòi lên thành phố dĩ nhiên cha bị hụt hẫng.
Thi rớt ĐH tôi cũng không chịu về, tìm cách làm sao ở lại thành phố, làm phục vụ nhà hàng lương 400.000đ/tháng, ngày đầu tiên bưng lò lửa ra cho người ta làm lẩu đã được “boa” 50.000đ. Làm ở quán đó ông chủ rất thương, 6h tối mới bưng bê phục vụ còn ban ngày tranh thủ lấy cà phê của gia đình đi bỏ mối. Tôi đi khắp các quận bán cà phê, bán được lắm, vô quán cà phê tôi còn pha giúp người ta, chỉ cách sử dụng nước thế nào, pha thế nào để không mất mùi cà phê. Sau đó tôi nảy ý định đi Hồng Kông mua quần áo, quá trình đi cũng kỳ cục lắm, chưa đi máy bay bao giờ, tiếng Anh không biết một chữ, tiếng Hoa học lâu quá quên rồi, vậy mà vẫn liều đi, mà đi được. Ban đầu mua quần áo về mặc thôi, nhưng bạn bè thích, thế là mua về bán. Lúc ấy còn ít người đi Hồng Kông mua đồ thời trang, có chuyến tôi đánh hàng ngàn bộ đồ, làm ăn trúng lắm.
|
Cũng nhờ đi buôn đồ thời trang mà tôi gặp được các ca sĩ nổi tiếng, bán quần áo cho họ mà. Nào anh Lý Hải, Nhật Hào, Minh Thuận… Có hàng mới là tôi điện thoại cho các anh ấy, bán giá thấp thôi, không cầu lời vì mình thần tượng, mong được gặp nhiều ca sĩ! Thỉnh thoảng đi chơi, anh Lý Hải thấy tôi hát karaoke tốt, lại mê Jimmii Nguyễn nên mọi người chọc vui "Sao ca giống Jimmii thế? gọi là Jimmii Hải đi, thôi chuyển qua làm ca sĩ chứ bán quần áo làm gì". Tôi tự hỏi sao mình không thử làm ca sĩ. Thú thực lúc đó công việc kinh doanh đang rất tốt, cứ nhập hàng nước ngoài về bỏ cho khách rồi thu tiền. Cho đến giờ tôi đi hát mấy năm cũng không bằng đi buôn quần áo đâu, vì hát được bao nhiêu bỏ vào đầu tư trang phục, làm album hết rồi.
Ngấm “đòn” độc quyền
Ngày xưa hát theo quán tính, luyện giọng... karaoke. Vào Trung tâm Đ.G tôi được học luyện thanh, nhạc lý. Trước đó tôi cũng đã học hát ở trung tâm, học phí chỉ mấy trăm ngàn đồng/tháng, vô Đ.G ông bầu đòi 5 triệu/tháng, ổng nói không học thì ổng không làm bầu cho nữa. Album đầu tiên Anh đã hiểu tình em thực ra là cha cho tiền làm. Năm 2003, làm album đầu tay "trúng" được 4 bài Anh đã hiểu tình em, Phi trường biệt ly, Cuộc tình chia đôi, Tình huynh đệ. Khán giả thích lắm. Cha ở Sóc Trăng bán được tới 20.000 đĩa cho tôi. Lúc đầu đi hát còn bỡ ngỡ, cũng có người bảo thôi bán quần áo được rồi, làm ca sĩ chi cho khổ. Nhưng ra sân khấu được khán giả cổ vũ, nhiều người biết, tự nhiên thấy... khoái. Thế là dẹp quần áo, quyết tâm chuyển qua nghành ca nhạc. Rồi ông bầu ở Đ.G bảo tôi làm hợp đồng độc quyền, nếu tôi bỏ giữa chừng phải đền 500 triệu đồng vì ký 5 năm. Tôi thì chỉ nghĩ làm ca sĩ cho thoả đam mê thôi, thích hát quá rồi, nên mặc kệ hết, cứ ký bừa.
|
Thời gian đầu, ông bầu cũng nhiệt tình tìm sô cho tôi, nhưng sau này ông ấy không làm gì nữa. Tôi cứ ngồi hoài mà nghĩ sao chẳng thấy ai mời mình hết trơn, vì người ta chỉ liên lạc với bầu thôi. Sau đó gặp mấy người quen hỏi "Bảo ơi, sao mày đóng băng vậy? Trúng được mấy bài, khán giả thích quá trời mà sao không đi hát nữa?". Tôi mới vỡ lẽ cứ mỗi lần người ta mời tôi là ông bầu lại đòi kèm thêm một ca sĩ nữ, chưa trúng bài nào mà "hét" cát xê cao. Vậy đâu ai muốn mời mình?! Tôi bảo thôi không làm với ông ấy nữa, thế là ổng mang hợp đồng ra bắt thường. Tôi mang tiếng là ca sĩ chính của trung tâm này mà đi hát về không được đồng cắc nào. Cứ giở ra là ông ấy trừ nọ trừ kia, nào là quan hệ báo chí, bảo vừa ngồi cà phê với báo chí tốn mấy trăm, nào trả tiền nhóm múa phụ hoạ, kêu tôi móc tiền túi ra trả, rồi than chi phí không đủ cho tôi hát. Cứ thiếu tôi phải bù, huề vốn không chia, còn lời thì ông ấy hưởng 30% … , nghĩa là đằng nào cũng chết với ổng.
Đã thế ban đầu ông ấy còn hăm kiện tôi, hăm dọa cả cha tôi. Cha tôi tức quá bảo: “Tôi đầu tư cho nó quá trời mà chẳng thu lại được đồng nào, ông làm bầu của nó nhưng ông có bỏ ra đồng cắc nào đâu mà đòi chia 3/7, rồi còn không nhận sô cho nó nữa”. Từ album đầu tiên đến 2 năm rưỡi nay tôi không lên được, khán giả vừa biết đến tôi qua một vài bài rồi tôi mất tích luôn, không hiểu chuyện gì mà không hát, không ra album nữa. Thực ra tôi có quyền kiện ông ấy chứ ông ấy có quyền gì mà kiện tôi? Đầu 2006 tôi mới quyết định kiện ông ấy, lá đơn đã gửi đi rồi. Nay tôi không dám tìm bầu, không thuê quản lý nữa, vì nghe thấy hai tiếng “độc quyền” giống như bị điện giật vậy!
Tôi... khôn hơn rồi!
Nhiều lúc tôi cũng tính bỏ cuộc, nhưng đó là cái nản thoáng qua thôi, đã làm công việc nào phải có trách nhiệm với công việc đó, giống như tôi bán quần áo phải có trách nhiệm với khách hàng, nay ca sĩ phải có trách nhiệm với khán giả, họ đã cho mình tình thương và cho tiền bằng cách mua vé vô coi mình hát, phải trả nợ cho họ chứ. Có đi hát tỉnh (đặc biệt là miền Tây) mới thấy sự cuồng nhiệt của khán giả thế nào, nó khiến cho tôi không thể bỏ nghề. Có lần ở Hải Phòng tôi hát 22 bài liên tục, uống 4 chai nước để khỏi khô giọng, bởi chừng nào khán giả còn vỗ tay yêu cầu thì còn hát, càng tỉnh xa bà con càng ưa chuộng. Nay tôi đang gắng trở lại với khán giả. Tâm sự những điều này chỉ mong khán giả hiểu hơn về tôi. Dù mọi người nghĩ tôi là ca sĩ thị trường, hát nhạc bình dân cũng được, nhưng tôi có khán giả của mình. Tôi quan niệm rằng mình có thể hát không thật hay, không thật kỹ thuật nhưng mình sống có lễ phép, có trước có sau, mỗi khi đi hát lại hỏi thăm sức khỏe, trò chuyện chân tình với khán giả nên được bà con thương, tình cảm ấy mới lâu bền chứ một bài hát trúng thì cũng chỉ rộ lên vài tháng, một năm là hết.
|
Album Vol 3 "Lời xin lỗi muộn màng" chưa kịp phát hành đã bị người ta ăn cắp. Bài hát "Biết thế tôi không yêu thật nhiều" do chính tôi sáng tác được mọi người yêu thích, nhưng khi đi diễn lại... không dám hát. Mình đứng trên sân khấu, đang say sưa biểu diễn mà phía dưới xì xào "Sao bài hát này nghe quen quen, hình như là đạo nhạc?", làm sao tôi chịu được? Đang từ kẻ "có công" bỗng thành ra "có tội", tôi không biết nói sao cho khán giả hiểu. Nhớ lúc đầu, khi vừa sáng tác xong ca khúc này, tôi có bật cho cô X.N nghe thử, chính miệng cô ấy dặn tôi "Nhạc sĩ bây giờ ghê lắm, phải cẩn thận không họ ăn cắp bài hát của mình". Và để chứng minh, cô X.N đã... ăn cắp ngay bài hát đó, chế biến thành bản "Tình yêu & giọt nước mắt" để bán cho ông bầu V.T. Bài học quá lớn và thiết thực, bảo sao tôi không... khôn ra!
Mới đây, đọc truyện ngắn Thiên Di của nhà văn Dương Bình Nguyên tôi thấy hoàn cảnh nhân vật trong truyện sao mà... giống mình quá vậy. Tôi ngỏ ý với anh mua bản quyền truyện ngắn này để chuyển thể kịch bản làm phim ca nhạc. Rồi nhìn qua một danh sách các truyện ngắn khác của anh như Sapa tuyết trắng xoá, Mắt mùa thu... tôi tự nghĩ những truyện ngắn này giống như câu chuyện về các mùa trong năm, tại sao mình không mua luôn để làm thành một bộ đĩa với chủ đề 4 mùa xuân-hạ-thu-đông? Thế là tôi chọn thêm Phố trắng, mưa ban sáng với chủ đề mùa xuân, Cải lạc loài với chủ đề mùa hạ cho đủ 4 mùa. Tham khảo nhiều nơi, tôi đề nghị mức tác quyền cho 4 truyện ngắn là 60 triệu đồng và anh đồng ý. Biết tin này, có người nói tôi... ngu!
Tôi không có ngọai hình quá baby, không có giọng hát quá kỹ thuật, nhưng tôi luôn cố gắng để đến với khán giả bằng niềm đam mê âm nhạc. Khán giả yêu quý tôi vì thành thật và hát hết mình. Cuộc đời đi hát, chưa lần nào tôi hát nhép. Tôi muốn xây dựng hình ảnh một ca sĩ gia đình, ca sĩ của mọi nhà. Dòng nhạc và phong cách tôi theo đuổi sẽ không quá sang và cũng không quá thị trường. Tôi muốn cống hiến trọn vẹn và đổi lại là tình yêu chân thành của khán giả nghe nhạc. Vì tôi quan niệm, văn là người, văn là cuộc sống, nên tôi muốn đưa chất văn học vào trong các album VCD sắp tới để khán giả thấy tôi gần gũi họ hơn. Tôi cho rằng chất thơ trong ca từ, hình tượng văn học trong các cảnh quay video clip sẽ làm cho các bài hát của tôi không bị đánh giá là thị trường nhưng cũng chẳng quá cao siêu, mà nó bình dị và gần gũi. Vậy nên, mặc cho có người xì xào, tôi vẫn cho rằng mình đang làm đúng.