Ly Ly yêu và sống bằng niềm tin

Biên đạo múa Trần Ly Ly thừa nhận chị từng rất “vật vã” vì “việc mình làm không được đánh giá đúng” nhưng có niềm tin mạnh mẽ rằng vẫn còn những người coi trọng múa và thực tế đã chứng minh

Nổi danh trong làng múa từ rất lâu với vai trò biên đạo của những vở múa lớn như Một ngày (One Day) hay Cuộc sống trong chiếc hộp (Living in the box) nhưng phải đến khi tham gia ngồi “ghế nóng” các chương trình truyền hình thực tế, biên đạo múa Trần Ly Ly mới trở nên quen thuộc hơn với khán giả.

Sáng tạo trên quê hương

Tốt nghiệp bậc đại học về múa ở Úc và từng hơn 1 năm biểu diễn ở Pháp theo đoàn múa Atlantique của biên đạo múa người Pháp Régine Chopinot, rất nhiều lời mời gọi làm việc tại nước ngoài đã đến với Trần Ly Ly nhưng chị lại khiến không ít người thắc mắc khi từ chối tất cả để trở về Việt Nam trong bối cảnh múa đương đại còn rất xa lạ với phần lớn công chúng trong nước.

Yêu múa từ năm lên 10 tuổi, Trần Ly Ly đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều chuyên gia nước ngoài và vun đắp đam mê ở những đất nước mà múa đương đại đã phát triển đến đỉnh cao nhưng rồi sự cô đơn nơi xứ người đã trở thành một phần động lực thôi thúc chị trở về, chọn Việt Nam để làm nghề và gắn bó với nghiệp biên đạo trong khi nhiều bạn bè khác lại lựa chọn ngược lại. Về Việt Nam, chị tạo dấu ấn với những vở múa lớn, trong đó vở múa Một ngày từng được chọn đại diện cho Việt Nam biểu diễn trong sự kiện “Ngày châu Âu tại Việt Nam” năm 2007. Thế nhưng, các tác phẩm dài của chị lúc ấy dường như chưa thể gặp được số đông công chúng, vì không nhiều người có thể hiểu được tư tưởng mà chị gửi gắm trong đó.

 

Trần Ly Ly Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Trần Ly Ly Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG

 

Ly Ly thừa nhận chị từng rất “vật vã” vì “việc mình làm không được đánh giá đúng”. Nhưng với niềm tin mạnh mẽ rằng vẫn có những người coi trọng múa, chị kiên trì với công việc của một biên đạo và một giảng viên múa đương đại tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Sau những tác phẩm dài, chị tìm thấy cảm hứng và sáng tác dồi dào với nhiều tác phẩm ngắn, bởi đó là nhu cầu và vì chị còn có những đơn đặt hàng. Chị tâm sự: “Những đơn hàng giúp tôi có động lực vì mình phải suy nghĩ đề tài cho các tác phẩm thi tài năng, thi sáng tác...”.

Thời gian qua, cái nhìn của xã hội về múa đương đại cũng dần chuyển biến theo hướng tích cực với việc các giải thưởng cũng xuất hiện nhiều hơn. Trần Ly Ly đoạt được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi quốc gia và khi mang tác phẩm ra các cuộc thi quốc tế, trong đó gần đây nhất là huy chương vàng cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc cho vở Linh thiêng đêm tháp cổ. Với Trần Ly Ly, có được những thành công ấy là may mắn, bởi giải thưởng tuy không phải là tất cả nhưng nếu con người lao động không được đánh giá đúng mức thì không thể làm tốt được vì không có động lực. Ngoài ra, những cuộc thi khiêu vũ xuất hiện ngày càng nhiều cũng góp phần định hướng cho khán giả và sự đa dạng loại hình múa cũng giúp khán giả có nhiều lựa chọn hơn.

Trần Ly Ly của hiện tại không chỉ là một biên đạo múa mà còn là một giảng viên (Phó Hiệu trưởng Trường Múa TP HCM) và là người mẹ 2 con. Đảm đương nhiều vai trò nhưng Ly Ly vẫn đang nung nấu ý tưởng cho một vở múa dài. Chị thổ lộ: “Làm tác phẩm ngắn cũng như viết truyện ngắn vậy, rất thú vị, cũng cần mạch lạc lắm nhưng tác phẩm dài thì phải “trường” và tích thật đầy đủ vốn”. Có thể thời gian tới sẽ có một tác phẩm dài của biên đạo Trần Ly Ly hoàn toàn không giống các tác phẩm trước đây nhưng chị chỉ hé lộ đến thế vì sợ “nói trước bước không qua”.

Tâm huyết đào tạo thế hệ trẻ

Đã hơn 3 năm vào Nam sống và làm việc tại TP HCM, Trần Ly Ly nhận thấy đây đang là “miền đất hứa” để phát triển múa nói chung và múa đương đại nói riêng khi có mặt bằng rộng, khối lượng công việc nhiều và là trung tâm của những game show múa. Để có những vở múa đẳng cấp, đòi hỏi phải có những vũ công thật sự đẳng cấp và đòi hỏi việc đào tạo phải đi từ gốc rễ. Vì vậy, Trần Ly Ly và những người bạn của chị bắt tay thực hiện một giáo trình khung đầu tiên cho múa đương đại ở Việt Nam.

 

Biên đạo Trần Ly Ly và vũ công Thanh Phong trình diễn trong đêm chung kết chương trình Vũ điệu đam mê. (Ảnh do Cát Tiên Sa cung cấp)
Biên đạo Trần Ly Ly và vũ công Thanh Phong trình diễn trong đêm chung kết chương trình Vũ điệu đam mê. (Ảnh do Cát Tiên Sa cung cấp)

 

Ly Ly chia sẻ: “Múa hiện đại đã vào Việt Nam cách đây 20 năm rồi và cũng có nhiều người ra nước ngoài tham gia những khóa học nghiêm túc mà tôi là một trong những người này. Tôi cùng bạn bè tham gia những dự án dài hơi, vừa diễn vừa làm vừa sáng tác, được học hỏi và đào tạo. Đã có nhiều kinh nghiệm, bây giờ là lúc mình sẽ tổng hợp, viết một giáo trình, đầu tiên là cho Trường Múa TP HCM, sau đó phổ biến toàn quốc cho các trường múa chuyên nghiệp, rồi từ đó các bạn sẽ phát triển thêm. Tất nhiên mình viết cái cốt lõi, tiêu chí đặc trưng nhất, vì ngôn ngữ múa đương đại rất sáng tạo, ngẫu hứng, mang tính cá nhân cao nên giáo trình cũng không thể quá chi tiết”.

Khi được hỏi liệu Trần Ly Ly có tin mình đang đi đúng hướng, chị trả lời ngắn gọn: “Tôi có con đường của mình, đúng sai vô thường lắm nhưng tôi biết mình phải làm gì, tôi chọn sâu và cao chứ không phải rộng và nông. Muốn như vậy thì phải từ từ, chúng tôi đang làm chậm từng bước và đã có những hạt giống tài năng”.

Ngày nay, vũ công trẻ ra trường còn gặp phải sự cạnh tranh của những nhóm nhảy không chuyên chỉ trải qua vài khóa đào tạo nhưng Trần Ly Ly tin vào quy luật đào thải. Chị bộc bạch: “Vì sao tôi lại làm ở trường học trong khi ở những nơi khác có nhiều lời mời? Vì tôi vẫn có niềm tin, nếu mình cứ dạy tử tế thì những thế hệ vũ công mới sẽ tốt dần, những người có nghề sẽ kiếm nhiều tiền hơn những người không có nghề và thế hệ vũ công sẽ được thanh lọc dần”. 

 

Trải nghiệm giám khảo

Không phát ngôn gây sốc, Trần Ly Ly gây ấn tượng trên ghế giám khảo các cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ hay Vũ điệu đam mê với mái tóc tém cá tính và phong cách nghiêm túc nhưng không thiếu sự “máu lửa”. Đã ngồi ghế giám khảo, có lúc được tung hô, lúc lại bị “ném đá” nhưng với Ly Ly đó không phải là vấn đề lớn. Chị chia sẻ: “Biên đạo múa như tôi là một phần của làng giải trí nhưng không phải sống nhờ vào đó. Những lời mình nói ra đều chắt lọc từ quá trình sống, làm việc cật lực và kinh nghiệm nghề. Dĩ nhiên con người thì không phải lúc nào cũng chuẩn vì chúng tôi phải nói trong thời gian rất ngắn, phản ứng của chúng tôi nhiều khi không hoàn toàn chuẩn xác, có những lúc có “sai số” nhưng “sai số” đó không làm thiên lệch bản chất”...