Mai Đình Tới và giai điệu từ những vật dụng thô sơ

Tối mai 4-6, Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM sẽ tổ chức chương trình Gương mặt âm nhạc về nghệ sĩ Mai Đình Tới với những loại nhạc cụ tự chế

. Phóng viên: Vào nghề từ năm 1979 với khóa nhạc cụ dân tộc Trường Nghệ thuật Sân khấu Hà Nội, nhưng tại sao anh lại rẽ sang con đường biểu diễn những nhạc cụ tự chế?

- Nghệ sĩ Mai Đình Tới: Sau bốn năm tốt nghiệp, tôi về công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nghĩ mình sẽ gắn bó với sân khấu tuồng vì năm 1992 khi dự thi Diễn tấu âm nhạc toàn quốc, tôi đoạt  HCB. Tôi say mê và miệt mài với những bài học từ căn bản đến nâng cao. Âm nhạc của tuồng đã thấm vào máu thịt và cho tôi tình yêu sân khấu mãnh liệt. Cũng trong năm ấy, tôi tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Hà Nội. Tôi giữ vai trò thổi kèn với tiết mục Ngày hội non sông. Do chủ quan, lưỡi gà của cây kèn lá bị xước, không thể thổi nốt cao, tôi thất bại thảm hại trong ánh mắt khinh thường của dân nhà nghề. Tôi buồn nản vô cùng. Phải mất hết một năm tôi mới lấy lại thăng bằng. Năm 1993, tôi vào Vũng Tàu chơi nhạc cho một nhà hàng. Anh bạn tôi đánh đàn, tôi thổi kèn. Một hôm anh ấy bận việc không đến diễn, tôi tự nghĩ ra cách vừa thổi kèn, vừa lấy chân gõ nhịp song loan. Tôi nghĩ, tại sao mình không sáng chế cách chơi hai loại nhạc cụ cùng một lúc. Thế là vào cuộc...

. Để có thể đạt được thành công, anh đã buộc mình vào một nguyên tắc khắc nghiệt: Suốt 7 năm tự tập tiết mục vừa thổi sáo bằng mũi, vừa dùng chân gõ trống?

- Lúc tôi buộc mình vào nguyên tắc tập luyện “khổ sai”, vợ con, bạn bè đã lo lắng cho tôi, bảo quá liều. Bảy năm tập có lúc chân sưng vù, mũi gần như không ngửi được mùi thơm của thức ăn. Nhưng tôi vẫn quyết chí tập. Vừa tập, vừa đi diễn để nuôi gia đình, sau bảy năm tôi đã tự tin giới thiệu tiết mục này trong chương trình Bạn yêu âm nhạc do VTV 3 tổ chức cùng với ca sĩ Quang Linh, Hồng Nhung.

img. Như vậy anh đã trả được món nợ thất bại trong nghề?

- Mới đây, sau 14 năm, trở lại biểu diễn tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, tôi đã xin phép khán giả cho tôi được khóc. Tự dưng hình ảnh của một nhạc công trẻ thất bại năm nào hiện về trong tôi, nhưng thay vào đó là tiếng vỗ tay tán thưởng, hoa và cả những nụ hôn. Sắp tới, tôi sẽ về biểu diễn tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, chiếc nôi trong cuộc đời nghệ thuật của mình.

. Trong chương trình Gương mặt âm nhạc, anh sẽ giới thiệu những tiết mục nào mới?

- Tất cả những “ngón nghề” mà tôi đã khổ luyện trong suốt 14 năm qua như: vừa thổi sáo bằng mũi, vừa đánh trống (ca khúc Chim sáo ngày xưa, Thuở ban đầu, Tây du ký), thổi kèn bằng dây ống nước (Huế thương, Ca dao em và tôi), thổi kèn bằng vỏ chai nước ngọt (Làng tôi, Lý kéo chài, Việt Nam quê hương tôi), đánh đàn kính vác qua vai, gõ đàn chén, gõ đàn chuông, kéo đàn bóng điện... Đặc biệt, trong chương trình này, tôi sẽ giới thiệu “cây đàn” mới, đó là xe gắn máy mắc dây đàn.

. Anh đã từng biểu diễn 25 loại nhạc cụ tự chế trong các chuyến lưu diễn tại Ấn Độ, Nhật, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Malaysia, Thụy Sĩ...Chắc chắn có nhiều kỷ niệm đẹp dành cho anh trong những chuyến “đem chuông đi đánh xứ người”?

- Quả là chuông đấy. Khi sang Paris biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng, lúc thấy tôi xách mấy cuộn dây ống nước, bóng đèn điện cũ kỹ... có nghệ sĩ nước bạn đã che miệng cười. Nhưng khi tôi hòa tấu với họ bài Romeo & Juliet, họ ngạc nhiên và tán thưởng. Sau buổi diễn, phải mất một giờ tôi mới được ra xe về khách sạn, vì khán giả và nghệ sĩ nước bạn đến chúc mừng. Họ cho rằng từ những vật dụng thô sơ, tôi đã phả vào đó hồn thơ và âm nhạc. Tôi cố gắng khi đến mỗi nước thì học cho được một bài nhạc phổ biến của họ, để khi hòa nhạc, khán giả tìm được sự đồng cảm với tôi. Ví dụ như ở Trung Quốc tôi chơi bài Tây du ký, ở Nhật tôi chơi bài Hoa anh đào...

. Kế hoạch lưu diễn của anh trong năm 2004? Anh có nghĩ mình sẽ viết sách hướng dẫn cách chế tạo nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ?

- Ngày 12-6, tôi sẽ tham dự Festival Huế 2004, đến tháng 9 tham gia Liên hoan Nhạc cụ dân gian tại Nam Phi. Có người mời tôi sang Mỹ, Thái Lan biểu diễn nhưng tôi chưa nhận lời. Tôi không dám nhận học trò vì nghề của mình còn chưa tìm ra điểm chuẩn, làm sao dám nghĩ đến chuyện viết sách truyền nghề. Nói gì thì nói, nghề của tôi là do kiên trì, do tự ái mà sinh ra nghề, từ cái khó ló cái khôn.