Mạnh Hùng - ông chủ trẻ đi làm tài tử
Dạo phim Người đánh trống trường đang phát trên HTV9, bạn bè gặp anh khen: “Mày đóng vai ác coi bộ hợp ghê!”, Hùng mừng muốn rớt nước mắt.
Bởi “cái mặt hiền hiền của thằng Hùng chắc muôn đời cũng chỉ hợp với những vai nông dân hay bộ đội mà thôi”Bảy Chơn hối hả chạy ào về bên mẹ sau bao năm xa cách; Bảy Chơn xóc đống lúa mà vẫn miên man nhớ về những đồng chí, đồng đội đã nằm xuống trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ; Bảy Chơn thổ lộ tình cảm với cô Mến; Bảy Chơn trò chuyện về lý tưởng của mình đối với trùm mật thám Bazin; Bảy Chơn tâm sự cùng anh nhân viên phòng giấy có tư tưởng tiến bộ Brochelieu... Những trường đoạn mà Mạnh Hùng thể hiện trong phim Dưới cờ đại nghĩa đã chiếm được ít nhiều cảm tình của người xem.
Vào trường Nghệ thuật sân khấu II năm 1989, đến năm 1991, trong khi bạn bè đang háo hức chờ ngày tốt nghiệp, Hùng đành tạm biệt trường lớp, bè bạn vì công việc kinh doanh của gia đình khi đó đang cần anh.
Ngày các bạn tốt nghiệp, vui cho họ nhưng Hùng lại chạnh lòng cho mình. Làm kinh tế phụ gia đình được một thời gian, Hùng đi nghĩa vụ quân sự. Những phút rảnh rỗi trong đời quân ngũ, Hùng lại miên man nghỉ về nghề, lại mong một ngày được gia nhập làng nghệ thuật như các bạn đồng môn. Mấy năm theo quân ngũ không ngờ đã giúp ích cho anh rất nhiều trong những vai chiến sĩ cách mạng sau này.
Đầu những năm 2000, khi Hùng xuất ngũ, một cửa hàng kim khí điện máy nho nhỏ ra đời ở đường An Dương Vương với ông chủ trẻ là Mạnh Hùng. Việc học dở dang khiến Hùng dù tiếc nuối nhưng vẫn đành dẹp bỏ ước mơ nghệ thuật để tập trung vào công việc kinh doanh.
Là “ông chủ” nhưng mọi hoạt động kinh doanh vẫn không khiến Hùng nguôi khát vọng một lần được hóa thân vào một số phận nào đó trên phim, cho bõ những ngày miệt mài trên giảng đường nghệ thuật, cho vơi đi nỗi mệt mỏi bởi phải tiếp xúc với những con số khô khốc hằng ngày. Qua báo chí, qua bạn bè, Hùng vẫn được cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình phim ảnh và vẫn dõi theo từng bước tiến của các bạn cùng khóa với anh ngày trước. Thời gian rảnh hiếm hoi, Hùng vẫn dành cho phim, cho kịch. Một lần đi xem kịch, may mắn, Hùng gặp lại một bạn học cùng khóa với anh ngày trước ở trường sân khấu. Hiểu được tâm trạng của Hùng, anh bạn đã cho Hùng một bất ngờ lớn khi âm thầm kéo anh đến giới thiệu với đạo diễn Trần Quang Đại, khi đó đang ráo riết tìm diễn viên cho một số vai chính trong Trùng Quang tâm sử. Kết quả là vai người nghĩa quân tên Tính đã được trao cho tân binh Mạnh Hùng.
Tuổi 30 cận kề, Hùng mới bắt đầu bước lên phim. Ít lâu sau đó, nỗi mất mát quá lớn từ sự ra đi của người cha đã khiến Hùng suy sụp, muốn buông xuôi. Những bàn tay bạn bè lại đưa ra kịp lúc, giúp Hùng đứng dậy sau cơn đau, để hôm nay, gương mặt Mạnh Hùng được khán giả biết đến.
Chỉ vào nghề vài năm nhưng Hùng may mắn được thử sức ở nhiều loại vai. Trùng Quang tâm sử, Lời thề đất Mũi, Bẫy tình, Một thời ngang dọc, Người đánh trống trường, Xóm Suối sâu, Ngã rẽ cuộc đời, Dưới cờ đại nghĩa, Đi về phía mặt trời, Cay đắng mùi đời, Ghen..., danh mục phim Hùng tham gia cứ dày thêm theo thời gian.
Thế nhưng, Bảy Chơn trong Dưới cờ đại nghĩa vẫn là vai khiến khán giả biết đến Hùng nhiều nhất và là vai diễn dài hơi nhất với Hùng.
Giờ thì nỗi buồn của Hùng cũng dần vơi đi, các vai diễn lại đến với Hùng nên anh đã sang cửa hàng kim khí điện máy cho người khác để rảnh tay thực hiện khát vọng của đời mình. “Đi sau phải cố gấp đôi”, vẫn nụ cười hiền như thường thấy trên màn ảnh, Hùng bộc bạch.