Mộc miên hoa ơi
Nếu trong đời thường, nhạc sĩ Huy Du là một người nổi tiếng đãng trí thì trong âm nhạc, ông lại là một nhạc sĩ cẩn thận, cẩn thận đến cầu kỳ
Nhạc sĩ Huy Du được công chúng nhớ đến suốt mấy chục năm qua là tác giả của những ca khúc trữ tình cách mạng, với quan điểm sáng tác gần như là một tuyên ngôn với chính mình: “Dù có viết gì thì tôi cũng phải giữ lại trong mình chất lãng mạn, bởi chất lãng mạn làm cho con người ta sống, hành xử với nhau đẹp hơn”.Có lẽ vậy nên mỗi ca khúc của Huy Du thường gắn với những giai thoại rất đẹp và rất đời. Hoa mộc miên, một ca khúc trữ tình sâu lắng ít được biết đến hơn là Tình em, Đường chúng ta đi hay Bạch Long Vĩ đảo quê hương, lại là câu chuyện một mối tình lặng mà theo như lời ông: “44 năm qua, tôi nghĩ là không nên giấu kín trong lòng nữa. Năm nay tôi cũng đã 80 tuổi rồi...”.
Thời gian gần đây, Huy Du sáng tác không nhiều. Ông tự nhận mình là người nhàn tản, chiều chiều đi bộ vài vòng dọc khu tập thể Thành Công, đêm về đọc sách, thấy có bài thơ nào nhẹ nhàng, tình cảm thì chọn ra phổ nhạc. Thi thoảng, ngồi vào giá vẽ cầm cây cọ, vẽ một cái gì đó, không phải vẽ để trở thành họa sĩ mà vẽ chơi, gửi đôi lời tâm sự vào bức tranh để như thể giữ thời gian ở lại.
Bức tranh với những bông hoa gạo đỏ ông vẫn chưa thấy hài lòng, có lẽ ông sẽ còn vẽ, vẽ nhiều nữa. Hoa gạo là cách gọi của Việt Nam, ở Trung Quốc người ta gọi là hoa mộc miên, một loài hoa đã đi vào ca khúc của ông 44 năm về trước. Ca khúc này viết về mối quan hệ Việt - Trung: “Hồng Hà ơi, Dương Tử ơi! Đôi ta mang một mối tình trong trắng. Đem theo phù sa tới bốn phương trời”. Thường với chủ đề ấy, ca khúc phải mang âm hưởng anh hùng ca. Nhưng điều thuyết phục của Hoa mộc miên lại ở chính giai điệu da diết, ở cái khoảng trống mênh mang như kéo tới tận cùng của cảm xúc khi kết bài: “Theo thời gian ngân mãi trong lòng ta... Mộc miên hoa... trong lòng ta...”.
“Năm 1954, tôi được điều động sang làm Trưởng đoàn Đoàn Văn công Đại đoàn 320. Lẽ ra, năm ấy tôi đã được cử sang học ở Trung Quốc cùng một đợt với Hoàng Vân, Ngô Sĩ Hiển, Phạm Đình Sáu nhưng do yêu cầu của cấp trên cần người đứng ra tổ chức một liên hoan toàn quân vào cuối năm nên tôi ở lại đến năm sau mới tiếp tục công việc tu nghiệp. Đất nước Trung Quốc với những đường phố rộng, với những di tích cổ kính, không khác lắm so với suy nghĩ của tôi ban đầu. Một điều làm tôi ngạc nhiên là các cô gái Trung Quốc rất thân thiện, giản dị và dễ mến. Trong số họ, tôi có để ý đến một cô ít hơn tôi 5 tuổi, vui tính, hay cười và là con của một gia đình dòng dõi họ Tôn”.
Câu chuyện của ông không phải là một chuyện tình lâm ly bi đát gì nhưng ông không phủ nhận đấy là tình yêu. “Có thể vợ tôi đến giờ vẫn nghĩ rằng chúng tôi là bạn bè, nhưng thực ra thì “tình trong như đã...”. Chỉ có điều thời ấy, nếu phải lòng nhau cũng giữ kín trong lòng, còn đi xa quá, nhà trường phát hiện thì chắc chắn sẽ bị đuổi học”. Tình cảm của họ không vượt quá cái nắm tay, nếu có hẹn hò thì hai người cũng không dám, mà khi đi chơi đâu thường phải rủ thêm một nhóm bạn, khi thì cùng nhau bên một chén trà nóng, khi thì đi chơi ở thành cổ Bắc Kinh hay có nhau trên những con phố dài. Ông bảo rằng ông thích nụ cười hồn nhiên giấu sau cặp kính trắng của cô gái trông rất thông minh ấy.
Năm 1958, Huy Du lại về phép và chính lần về này, cuộc đời ông lật sang một trang khác-ông cưới vợ. Vợ ông là một người cũng hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc và là em gái của một người bạn cùng đội tuyên truyền với ông năm xưa. Họ biết nhau từ trước khi Huy Du tu nghiệp và đã hẹn hò nhau nhưng ông chưa từng nghĩ đến chuyện hôn nhân. Và lần về này, Huy Du không muốn cô gái của mình phải chờ đợi nữa. “Đám cưới không có một xu nào nhưng vẫn cứ... hồn nhiên cưới. Cưới xong, tôi lại lên đường sang Trung Quốc”.
Năm 1960, ông học xong, lên đường về nước. Và mỗi người về với hạnh phúc giản dị của mình. Nhưng ca khúc thì như xoáy sâu vào tâm hồn người sáng tác cũng như người thưởng thức. Có cái gì đó như ngăn trở, như xa xôi, như nuối tiếc trong những giai điệu du dương mà rất trong sáng: “Hồng Hà ơi, Dương Tử ơi. Đôi ta mang một mối tình trong trắng. Đem theo phù sa tới bốn phương trời. Có phải rằng xưa nơi đây đã mọc lên. Cây hoa mộc miên đời đời còn nhớ”. Năm 1962, trong một chuyến lưu diễn ở Trung Quốc của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (Quân đội Nhân dân Việt Nam), Huy Du gặp lại đóa mộc miên trong nỗi nhớ của mình nhưng giờ đây, cô ấy đã lấy chồng. Mãi tới sau này, khi chiến tranh kết thúc, Huy Du mới gửi ảnh và địa chỉ sang Bắc Kinh nhờ người tìm hộ đóa mộc miên xưa, thì câu trả lời là cô gái với nụ cười trong sáng trong mối tình thầm lặng của ông đã chuyển công tác từ Bắc Kinh về Hải Nam và gần như họ bặt tin nhau từ đó.
Năm 1979 với sự kiện biên giới phía Bắc, một lần tình cờ nhạc sĩ Huy Du nghe trên Đài Phát thanh Bắc Kinh có một người hỏi thăm nhạc sĩ Huy Du. Ai vào đó nữa, chính là cô gái họ Tôn, đóa mộc miên một thời! Thì ra, cái tình cảm thoang thoảng hương nhài một thời vẫn không dễ bay đi dù có bao biến động thời gian và lịch sử, dù cho mỗi người về với mỗi cuộc đời, mỗi số phận riêng...
Cũng năm ấy, ông viết thư trả lời. Một điều đặc biệt là từ đó, mỗi độ Xuân về, gia đình ông lại nhận được một bức thư và một tấm thiệp chúc Tết từ đất nước của Vạn lý Trường thành. 27 mùa Xuân rồi, những bức thư thường đến tay gia đình ông đúng vào dịp Tết Nguyên đán, ông bóc cho cả gia đình cùng đọc. Vợ và các con ông rất vui với một tình bạn lớn của gia đình. Còn ông, hằng năm cứ cảm nhận dòng chữ như run hơn, như già nét hơn từ những bức thư, những tấm thiệp, nhưng chút tình thoảng hương nhài thì vẫn thế, vẫn trong sáng, thánh thiện từ một thời hoa đỏ diệu kỳ cho đến bây giờ, khi họ đã bước sang bóng chiều tà của cuộc đời.