Mời bạn đọc tham gia cuộc thi Viết cảm nhận ca khúc hay
Đơn vị tổ chức: Báo Người Lao Động
Đơn vị tài trợ: Công ty Sơn Ca
Mục đích:
Tạo sân chơi bổ ích cho bạn đọc Báo Người Lao Động yêu thích âm nhạc có điều kiện bày tỏ, chia sẻ cảm xúc của mình bằng bài viết sau khi nghe một ca khúc yêu thích nào đó. Mặt khác, sân chơi này góp phần định hướng thẩm mỹ cho bạn đọc yêu nhạc hôm nay, cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong ca khúc, tìm đến với những ca khúc có lời ca hay, giai điệu đẹp, có sức lay động lòng người.
Thể lệ:
Trừ CB-CNV Báo Người Lao Động và Công ty Sơn Ca, bạn đọc không phân biệt đối tượng, nơi cư trú, có quyền tham gia cuộc thi. Bài viết cảm nhận không quá 500 chữ, ghi rõ họ và tên, địa chỉ người viết và số điện thoại liên lạc. Những bài viết hay sẽ được biên tập để đăng trên Báo Người Lao Động và được trả nhuận bút. Bài hát được cảm nhận phải là tác phẩm đã được Bộ VHTT cho phép phổ biến trên toàn quốc.
Mỗi tháng ban giám khảo sẽ chọn ra một bài viết xuất sắc để trao giải tháng và đưa vào chung kết cuộc thi.
Giải thưởng:
. Giải nhất tháng: 1 đầu máy karaoke 6 số của Công ty Sơn ca, trị giá 3 triệu đồng
. Giải thưởng chung cuộc
- Giải nhất: 1 đầu máy karaoke 6 số và 2 triệu đồng tiền mặt.
- Giải nhì: 1 đầu máy karaoke 6 số.
- Giải ba: trị giá 1 triệu đồng.
Thời gian: Từ ngày 6-11-2006 đến hết tháng 4-2007.
Nhận bài dự thi từ ngày phát động đến hết tháng 4-2007.
Nơi nhận bài dự thi: Tòa soạn Báo Người Lao Động, 127 Võ Văn Tần, quận 3 - TPHCM (ngoài bì thư ghi rõ Bài dự thi viết cảm nhận ca khúc hay) hoặc e-mail: vannghe@nld.com.vn.
Ban giám khảo:
Nhà văn Nguyễn Đông Thức; nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện- ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TPHCM; nhạc sĩ Lê Văn Lộc, chuyên viên Phòng Quản lý Nghệ thuật Sở VHTT TPHCM.
Bạn có thể gởi bài dự thi tại đây
Tài trợ cuộc thi
Kết quả cuộc thi Viết cảm nhận ca khúc hay
Ai cũng có dòng sông tuổi thơ đoạt giải nhất
Khái niệm ca khúc hay thông qua những bài viết của bạn đọc trong cuộc thi này là những ca khúc đi vào lòng người, gắn bó như máu thịt, như chính hơi thở của người nghe. Đó là những ca khúc có ca từ đẹp, giai điệu hay, chất chứa nhiều cảm xúc của chính tác giả, mà khi nghe người nghe bỗng thấy cảm xúc dâng trào, bắt gặp một hình ảnh thân thương của mình trong đó
Sau 6 tháng diễn ra (từ ngày 6-11-2006 đến 30-4-2007) cuộc thi Viết cảm nhận ca khúc hay, do Báo Người Lao Động tổ chức, Công ty Cổ phần Truyền thông Sơn Ca tài trợ, đã nhận được gần 300 bài viết của bạn đọc từ khắp nơi gởi về tham dự, qua thư tay và e-mail, trong đó có những bạn đọc là người Việt đang sinh sống tại các nước: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức, Singapore...
Khái niệm ca khúc hay thông qua những bài viết của bạn đọc trong cuộc thi này là những ca khúc đi vào lòng người, gắn bó như máu thịt, như chính hơi thở của người nghe. Đó là những ca khúc có ca từ đẹp, giai điệu hay, chất chứa nhiều cảm xúc của chính tác giả, mà khi nghe người nghe bỗng thấy cảm xúc dâng trào, bắt gặp một hình ảnh thân thương của mình trong đó. Có khi là những ca khúc thuộc thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Có khi là những bản tình ca, những hành khúc truyền thống cách mạng. Khi lại là những bài hát trữ tình đằm thắm thiết tha về quê hương, về cuộc sống hôm nay.
Nổi lên trong số bài dự thi Viết cảm nhận ca khúc hay lần này là các bài viết mang tính hoài niệm: ca khúc gợi nhớ về một kỷ niệm tuổi thơ, về mẹ, về một tình yêu đã qua...; tính xã hội: ca khúc có sức tác động mạnh mẽ đến nhân cách sống, lối sống, giúp con người vượt qua những khó khăn, khổ đau trong đời để vươn lên.
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, một trong những ca sĩ tham gia thể hiện thành công ca khúc Đứa bé |
Ca sĩ Quang Dũng thể hiện thành công bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng
|
Ca sĩ Mỹ Linh thể hiện thành công bài hát Dòng sông tuổi thơ Ảnh: N.Duy
|
Đúng như Chung Thanh Huy (TPHCM) đã viết trong bài Ai cũng có dòng sông tuổi thơ (cảm nhận ca khúc Trở về dòng sông tuổi thơ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp): “Có những bài ca không đơn thuần chỉ là những nốt nhạc, tiết tấu hay lời ca mà còn là cả một ký ức trong mỗi tâm hồn. Để rồi, có lúc chỉ thoáng nghe qua giai điệu ấy, trong tôi chợt sống lại bao kỷ niệm của những ngày thơ ấu”.
Bạn đọc Việt Hùng (kỹ sư dầu khí) cảm nhận về Hà Nội trong 2 ca khúc Phố nghèo và Mùa thu trắng của Trần Tiến: “Nghe nhạc của ông, tôi lại nhớ đến âm thanh vang vọng của tiếng còi đêm tàu hỏa chạy tuyến Hà Nội - Gia Lâm, mỗi khi qua cầu vượt trên phố Phùng Hưng tàu lại kéo lên một hồi còi dài. Tiếng còi ấy lan mãi trong không gian của đêm đông giá lạnh, lan đến tận phố chợ Hàng Da, nằm trong chăn ấm trên gác xép tôi vẫn còn nghe thấy. Tiếng còi ấy sao buồn thế, sao lẻ loi thế nhưng sao da diết thế! Tiếng còi ấy như còn vang vọng trong tôi cho đến tận bây giờ... Rồi hình ảnh “chiếc lá bàng rơi trong đêm mưa” lại gợi lên trong tôi ký ức như “những ảo ảnh xưa” của Hà Nội một thời đơn sơ yên bình”.
Những bài viết cảm nhận ca khúc có sức lay động, tác động, làm thay đổi nhân cách sống của người viết thường gắn với câu chuyện thật, nên dễ gợi cảm xúc cho người đọc và ít nhiều có tác động tích cực đến đời sống xã hội. Trong bài viết Cho hạnh phúc mãi lung linh của bạn đọc Tiểu Quyên (TPHCM), người viết đã cảm nhận được nỗi đau của bản thân và những đứa trẻ thiếu cha, từ hạnh phúc của một gia đình trong ca khúc Ba ngọn nến lung linh ( Phương Thảo- Ngọc Lễ): “Tôi đã thắp nến xanh cho ngày sinh nhật mẹ, nến hồng cho ngày đón tuổi tôi, nhưng chưa một lần được thắp nến vàng. Bàn tay níu áo mẹ đến trường, bàn tay ôm vai thầy đi học, bàn tay vẽ mơ ước và thực hiện ước mơ nhưng lại không thể níu nổi ngọn nến vàng. Lần đầu tiên nghe bài hát Ba ngọn nến lung linh tôi đã khóc”.
Xúc động nhất là bài viết của một bạn đọc giấu tên, hiện là học viên cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh, xã Đức Hạnh, Phước Long, Bình Phước, khi anh được nghe lại ca khúc Đường đến vinh quang (Trần Lập): “Vâng, ngày đó sẽ không xa, dù khó khăn vẫn còn, tôi và các bạn sẽ là người chiến thắng. Chiến thắng bệnh tật, chiến thắng bản thân, chiến thắng những cám dỗ của ma túy”.
Bạn đọc Nguyễn Mỹ Nữ (Quy Nhơn- Bình Định) kể một câu chuyện cảm động về mình, về người bạn và bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng (Trịnh Công Sơn) đã làm thay đổi cuộc sống của họ.
Rất tiếc đã có nhiều bài viết của bạn đọc thay vì viết cảm nhận lại đi vào phân tích tác phẩm nên bài viết thiếu cảm xúc, đó là chưa nói đến khả năng đánh giá về tác phẩm âm nhạc còn hạn chế của một số bạn đọc nên bài viết chưa đạt được yêu cầu.
Nhìn chung, cuộc thi đã gặt hái thành công, những bài viết được chọn đăng trên các số báo trong suốt 6 tháng qua đã góp phần cho bạn đọc nhìn nhận đúng hơn về giá trị của những ca khúc hay, mặc dù còn rất nhiều bài viết khác chưa được chọn đăng do thời gian cuộc thi có hạn. Sau khi cuộc thi kết thúc, ban tổ chức tiếp tục chọn lọc những bài viết tốt còn lại để đăng trên các số báo tới. Rất mong bạn đọc tiếp tục tham gia bài viết cảm nhận ca khúc hay trên trang Văn hóa - Nghệ thuật, Báo Người Lao Động sau khi cuộc thi kết thúc. Bài viết chọn đăng sẽ được trả nhuận bút theo chế độ nhuật bút của báo.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức: Cảm nhận càng riêng tư càng thuyết phục Tôi tự nhận mình là một người yêu âm nhạc bẩm sinh, biết đàn guitar và mandoline, thời trẻ từng có lúc cả gan sáng tác hơn 10 ca khúc, cũng đã viết nhiều bài cảm nhận trên các báo... Vì vậy tôi rất tự tin khi được mời làm giám khảo cuộc thi viết cảm nhận ca khúc hay trên Báo Người Lao Động, thầm nghĩ có lẽ bạn đọc của báo viết cỡ mình là cùng! Thật không ngờ... Số bài viết cỡ... trên tôi là nhiều, rất nhiều, đọc và biết sợ. Mỗi người, từ mỗi góc độ và tâm trạng, đã có những cảm nhận vô cùng khác biệt và độc đáo. Không thể nào có nhiều người cùng cảm nhận giống nhau về một bài hát và tôi hiểu thêm đó chính là lý do khiến âm nhạc có sức hấp dẫn gần như là cao nhất trong các loại hình nghệ thuật. Những bài thi đoạt giải cao nhất cuộc thi này cũng chỉ có tính chất tương đối, và với riêng tôi, cảm nhận của một người càng riêng tư sẽ càng thuyết phục. Sẽ không có một công thức nào cho một cuộc thi viết về cảm nhận... |
13 tác phẩm khá nhất Từ hơn 300 bài viết, ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi đã chọn ra 13 tác phẩm khá nhất (trong đó có 6 bài viết đoạt giải các tháng) vào chung kết: Qua đi niềm tuyệt vọng (Nguyễn Mỹ Nữ- Bình Định), Ai cũng có quê hương (Nguyễn Thị Thanh Tâm- TPHCM), Lãng mạn giản đơn tình ca phố (Minh Đức- Bệnh viện Thống Nhất - TPHCM), Nghe mưa hồng ở Huế (Trần Văn Toàn- Đại học Bách Khoa TPHCM), Hà Nội, Phố nghèo và Mùa thu trắng (Việt Hùng), Đường đến vinh quang (Học viên Trung tâm chữa bệnh Đức Hạnh), Cho hạnh phúc mãi lung linh (Tiểu Quyên- TPHCM), Nỗi nhớ mùa đông- hoài niệm buồn và đẹp (Trần Thị Ngọc Mai- Bình Thuận), Bà tôi (Lê Hữu Thuận- Đại học Bách khoa TPHCM), Sức sống diệu kỳ của tình yêu (Thanh Hương- Vietsovpetro), Ai cũng có dòng sông tuổi thơ (Chung Thanh Huy- TPHCM), Thèm quá tiếng ru hời của mẹ (Hoàng Tâm- TPHCM), Hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em (Nguyễn Thị Hiền- TPHCM). Ban giám khảo cuộc thi gồm: nhà văn Nguyễn Đông Thức; nhạc sĩ Lê Văn Lộc - chuyên viên âm nhạc Phòng Quản lý Nghệ thuật Sở VHTT TPHCM; nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TPHCM, đã làm việc căng thẳng để chọn ra 3 tác phẩm trao các giải nhất, nhì, ba. Kết quả, bài viết Ai cũng có dòng sông tuổi thơ của Chung Thanh Huy (146/46 Chu Văn An, Bình Thạnh - TPHCM) đoạt giải nhất; bài viết Qua đi niềm tuyệt vọng của Nguyễn Mỹ Nữ (163 Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, Bình Định) đoạt giải nhì; bài viết Hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em của Nguyễn Thị Hiền (Bình Thạnh - TPHCM) đoạt giải ba. . Giải thưởng tháng 4 thuộc về bài viết Hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em của Nguyễn Thị Hiền (Bình Thạnh - TPHCM). Lễ trao giải sẽ diễn ra vào lúc 10 giờ ngày thứ năm (24- 5- 2007), tại Hội Nhà báo TPHCM, 14 Alexandre De Rhodes, quận 1 - TPHCM. B.T.C |
Ai cũng có dòng sông tuổi thơ đoạt giải tháng 3 Ban giám khảo cuộc thi Viết cảm nhận ca khúc hay, do Báo Người Lao Động tổ chức, gồm nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nhạc sĩ Lê Văn Lộc đã có buổi xét chọn bài viết cảm nhận hay trong tháng 3 vào sáng 13-4. Từ 12 bài viết của bạn đọc được Ban Tổ chức chọn đăng trên các số báo xuất bản trong tháng 3, các thành viên Ban Giám khảo đánh giá bài viết Ai cũng có dòng sông tuổi thơ, bài viết cảm nhận của bạn Chung Thanh Huy (TPHCM) về bài hát Trở về dòng sông tuổi thơ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, đăng trên số báo ra ngày 23-3-2007 và bài Thèm quá tiếng ru hời của mẹ của bạn đọc Hoàng Tâm (TPHCM) cảm nhận về ca khúc Mẹ ru con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là những bài viết có chất lượng, đầy xúc động. Tuy nhiên, cả ba thành viên Ban Giám khảo đều đánh giá bài viết của bạn Chung Thanh Huy viết hay hơn và nhất trí trao giải tháng 3 cho bài viết này. Thân mời bạn đọc Chung Thanh Huy liên hệ với Ban Tổ chức cuộc thi để nhận giải thưởng. |
Sức sống diệu kỳ của tình yêu đoạt giải Tháng 2-2007 Bài cảm nhận ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương (nhạc Hoàng Hiệp, lời Hoàng Hiệp – Đằng Giao) của tác giả Thanh Hương (Vietsovpetro, Bà Rịa – Vũng Tàu) với tiêu đề Sức sống diệu kỳ của tình yêu (đăng trên Báo NLĐ số ra ngày 2 – 2) đã đoạt giải tháng 2 Cuộc thi viết cảm nhận ca khúc hay. Sáng 9-3, tại Tòa soạn Báo NLĐ, Ban Giám khảo cuộc thi gồm các nhạc sĩ Lê Văn Lộc, Nguyễn Ngọc Thiện và nhà văn Nguyễn Đông Thức đã nhất trí cao khi bỏ phiếu cho bài dự thi của tác giả Thanh Hương. Theo Ban Giám khảo, bài cảm nhận ca khúc của tác giả Thanh Hương có lời văn hay, mang nhiều xúc cảm và sâu lắng. Ban Giám khảo cũng đánh giá cao một số bài cảm nhận khác, tuy nhiên, cả ba vị giám khảo đều đánh giá cao nhất bài viết được giải. Cuộc thi viết cảm nhận ca khúc hay do Báo NLĐ tổ chức sẽ kết thúc vào ngày 30-4-2007, mời bạn đọc tiếp tục tham gia. Thân mời bạn đọc Thanh Hương liên hệ với Ban Tổ chức cuộc thi để nhận giải thưởng tháng 2 của cuộc thi. |
KẾT QUẢ CUỘC THI VIẾT CẢM NHẬN CA KHÚC HAY THÁNG 1 – 2007 Cho hạnh phúc mãi lung linh... của Tiểu Quyên đoạt giải Sáng 9 – 2, Ban Giám khảo Cuộc thi viết cảm nhận ca khúc hay do Báo Người Lao Động tổ chức đã họp xét giải tháng 1 – 2007. Các thành viên Ban Giám khảo gồm nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nhạc sĩ Lê Văn Lộc đã chọn 3 bài viết xuất sắc trên tổng số 13 bài viết cảm nhận ca khúc hay đã in trên Báo Người Lao Động trong tháng gồm: Nỗi nhớ mùa đông – hoài niệm buồn và đẹp (Trần Thị Ngọc Mai – La Gi – Bình Thuận, in ngày 12 - 1); Bà tôi (Lê Hữu Thuận – Khoa công nghệ vật liệu ĐH Bách Khoa TPHCM, in ngày 5 - 1) và Cho hạnh phúc mãi lung linh... (Tiểu Quyên – TPHCM, in ngày 17 - 1). Nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận xét: “Cho hạnh phúc mãi lung linh... khúc chiết tạo được nhiều cảm xúc”, còn nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện thì: “Ca khúc Ba ngọn nến lung linh của Ngọc Lễ rất phổ biến nhờ dễ hát, dễ thuộc... nhưng Tiểu Quyên đã lồng vào được xúc cảm của riêng mình khi cảm nhận ca khúc này”. Nhận được sự nhất trí cao của Ban Giám khảo, Tiểu Quyên cùng bài viết cảm nhận ca khúc hay đã đăng quang trong tháng đầu năm 2007. Cuộc thi tiếp tục đón nhận bài viết của bạn đọc đến hết tháng 4 – 2007. |
“Hà Nội - Phố nghèo và Mùa thu trắng” của Việt Hùng đoạt giải tháng 12 - 2006 Sáng 9-1, Ban Giám khảo Cuộc thi viết cảm nhận ca khúc hay do Báo Người Lao Động tổ chức đã họp xét chọn bài viết dự thi hay của tháng 12 - 2006. Các thành viên (nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nhạc sĩ Lê Văn Lộc) đã đánh giá cao hai bài viết “Hà Nội - Phố nghèo và Mùa thu trắng” (đăng trên số báo ra ngày 1 -12 - 2006) của Việt Hùng (kỹ sư dầu khí - viethungpetechim@ yahoo.com) và “Đường đến vinh quang” (đăng trên số báo ra ngày 27 - 12 - 2006) của tác giả giấu tên (học viên khu E - đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh, xã Đức Hạnh, Phước Long - Bình Phước). Theo phân tích của Ban Giám khảo, hai bài viết này thể hiện được sự “cảm nhận ca khúc” đúng như tên gọi cuộc thi. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng giữa “kẻ tám lạng người nửa cân”, nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận xét: “Bài viết “Đường đến vinh quang” có ý nghĩa xã hội nhưng “Hà Nội - Phố nghèo và Mùa thu trắng” nhỉnh hơn ở góc độ văn”. Nhận xét của nhà văn Nguyễn Đông Thức được sự tán đồng của hai nhạc sĩ Lê Văn Lộc và Nguyễn Ngọc Thiện. Tuy “Đường đến vinh quang” không đoạt giải tháng nhưng được chọn đưa vào xét giải chung kết cuộc thi (kết thúc vào cuối tháng 4 - 2007). T.H.N |
"Qua đi niềm tuyệt vọng" đoạt giải tháng 11 Từ hơn 10 bài viết Cảm nhận ca khúc hay của bạn đọc đã được ban tổ chức tuyển chọn đăng trên Báo Người Lao Động, các số ra trong tháng 11- 2006, ban giám khảo cuộc thi (nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nhạc sĩ Lê Văn Lộc) đã chọn ra bài viết hay nhất trong tháng. Theo đánh giá của ban giám khảo, bốn bài viết: Qua đi niềm tuyệt vọng (bài cảm nhận ca khúc Tôi ơi đừng tuyệt vọng- Trịnh Công Sơn của tác giả Nguyễn Mỹ Nữ ở 163 Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, Bình Định); Ai cũng có quê hương (bài cảm nhận ca khúc Quê hương tuổi thơ tôi – Từ Huy của tác giả Nguyễn Thị Thanh Tâm ở khu phố 3, phường Bình Chiểu, Q. Thủ Đức - TPHCM); Lãng mạn, giản đơn Tình ca phố (bài cảm nhận ca khúc Tình ca phố- Quốc Bảo của tác giả Minh Đức, công tác tại Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM); Nghe mưa hồng ở Huế (bài cảm nhận ca khúc Mưa hồng- Trịnh Công Sơn của tác giả Trần Văn Toàn, ĐH Bách khoa TPHCM) là những bài viết khá. Đó thật sự là những cảm nhận từ xúc cảm sau khi nghe ca khúc, chứ không phải dựa vào nội dung ca từ trong ca khúc để diễn đạt. Bài viết Qua đi niềm tuyệt vọng của bạn đọc Nguyễn Mỹ Nữ, đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 22-11, được ban giám khảo đánh giá cao nhất bởi “văn chương hay, khả năng cảm thụ âm nhạc tốt và bài viết có tác động tích cực đến đời sống xã hội". Ban tổ chức quyết định trao giải thưởng tháng 11 của cuộc thi cho tác giả Nguyễn Mỹ Nữ với bài viết trên. Kính mời bạn đọc Nguyễn Mỹ Nữ đến Tòa soạn Báo Người Lao Động, 127 Võ Văn Tần, quận 3 - TPHCM để nhận giải thưởng (một đầu máy karaoke 6 số) do Công ty Cổ phần Truyền thông Sơn Ca tài trợ. Trong trường hợp bạn đọc không có điều kiện đến nhận, chúng tôi sẽ chuyển giải thưởng đến tận nhà. Mời bạn đọc tiếp tục tham gia cuộc thi. Thời hạn kết thúc cuộc thi đến hết tháng 6-2007. B.T.C |
Hộp thư Tuần qua Ban Tổ chức cuộc thi Viết cảm nhận ca khúc hay đã nhận được bài dự thi của các bạn đọc: Bùi Thị Anh Ánh (Quy Nhơn- Bình Định), Trần Thị Hoàng Anh, Tây Diệp Tử (TPHCM), Trương Viết Hùng, Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Tấn Thu Tâm (ĐH KHXH&NV TPHCM), Chu Văn Thắng (Long An), Vĩnh Ngô (Đà Nẵng). Ban Tổ chức sẽ tuyển chọn đăng trong các số báo tới. Cảm ơn bạn đọc đã nhiệt tình tham gia cuộc thi. Tuần qua, Ban Tổ chức cuộc thi Viết cảm nhận ca khúc hay tiếp tục nhận được bài viết dự thi của các bạn đọc: Trần Thị Thúy Vân, Trần Mỹ Lệ, Trương Thị Thanh Cúc, Phạm Minh Thư, Đào Thị Xuân, Trần Quế Chi, Bồ Xuân Quý, Nguyễn Thị Kim Thu, Xuân Miễn- Hồng Thơ, Đỗ Thông (TPHCM), Lê Mận (Đại học Luật TPHCM), Lê Thị Trinh Thơ (TP Phan Thiết), Phan Thị Thanh (Ngân hàng Nông nghiệp huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) Khamsoctrang@yahoo.com, Quang Sỹ (sysadvt@yahoo.com) Emmanuelle- Phạm Lê Hoài Anh (Singapore). Ban tổ chức sẽ chọn đăng lần lượt trong những số báo tới. Cảm ơn bạn đọc đã nhiệt tình tham gia. Thời hạn cuộc thi đến hết ngày 30-4-2007. Mong bạn đọc tiếp tục tham gia. Tuần qua Ban tổ chức cuộc thi viết Cảm nhận ca khúc hay đã nhận được bài dự thi của các bạn đọc: Đồng Thị Mỹ Hạnh, Ngô Thúy Quyên, Nguyễn Thị Thẳng, Đan Thụy, Mai Liên (TPHCM), Nguyễn Văn Nam (lớp Báo chí K05 ĐH KHXH&NV TPHCM), Ngọc Thụ (Nghệ An), Nguyễn Văn Niên (Cần Thơ), Phan Ngọc Vân (Bình Thuận). Cảm ơn bạn đọc đã nhiệt tình tham gia cuộc thi. Ban Tổ chức sẽ chọn đăng trên các số báo thứ hai, tư, sáu hằng tuần trong thời gian tới. Mời bạn đọc tiếp tục tham gia cuộc thi. Thời hạn chấm dứt cuộc thi vào cuối tháng 4-2007. Tuần qua, Ban Tổ chức cuộc thi Viết cảm nhận ca khúc hay tiếp tục nhận được bài dự thi của các bạn đọc: Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phạm Thị Thanh Nga, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Thị Thu Thủy, Lê Thị Thu Giang, Trần Cao Minh, Thụy Khanh (TPHCM), Võ Hoàng Phúc (Hà Nội), Nguyễn Minh Tiến (Hải Phòng), Trần Văn Bá (Vĩnh Long), Bùi Ngọc (Đà Nẵng), Rosa Tran (Moscow- Nga). Hà Mai, Tạ Tư Vũ, Lê Đình Du, Lê Chí Đức (TPHCM), Nguyễn Tấn Thu Tâm (ĐH KHXH-NV TPHCM), Bình An (TP Nha Trang), Nguyễn Thị Minh Phượng (Phú Thọ), một học viên khu E (giấu tên) đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh. Nguyễn Ngọc Sơn, Trần Hữu Ngư, Xuân Miễn- Hồng Thơ, Hoàng Công Mỹ, Tạ Tư Vũ, Phạm An Hòa, Uyên Trang, Nguyễn Thị Ngọc Vân (TPHCM), Nguyễn Thị Tròn (Long An); Hoàng Hữu Dụng (Cà Mau); Huỳnh Thị Đông (Đà Nẵng); Ngô Thanh Thảo (Hà Nội); Nguyễn Ngọc Vũ (Cần Thơ); ngoisaocođon 2092003@yahoo.com. Trần Ngọc Hồng, Đỗ Thông, Phan Hữu Thông, Bùi Thị Phương Quyên, Trịnh Hoài Phương Uyên, Giáng Hương, Lê Hữu Thuận, Nguyễn Thành Phương, Tạ Tư Vũ, Nguyễn Vỹ, Đoàn Minh Tuấn, Trần Thị Bảo Nghi, Ái Phượng, Nguyễn Thị Miễn (TPHCM), Hoàng Viết Thịnh, Lê Thị Hằng Nga (Hà Nội), Đỗ Ngọc Huấn (Bình Định), Thanh Hương (Vũng Tàu), Huỳnh Văn Tiến (Quảng Nam). Phan An, Nguyễn Thị Thanh Hương, Mai Liên, Lê Thị Hạnh, Vũ Thảo Nguyên, Nguyễn Mạnh Vũ (TPHCM), Nguyễn Tấn Thu Tâm (ĐH KH-XH&NV TPHCM), Lê Xuân (TP Cần Thơ), Nguyễn Quang Sáu (Vũng Tàu), Phan Thị Thơm (Bình Phước). Nguyễn Tấn Thu Tâm, Nguyễn Mạnh Vũ, Vũ Thảo Nguyên (TPHCM), Lê Xuân Bột (Cần Thơ), Nguyễn Minh Đạo (Đà Nẵng), Bùi Ngọc Anh (Bến Tre), Huỳnh Thu Thủy (Quảng Nam). Đồng Thị Mỹ Hạnh, Ngô Thúy Quyên, Nguyễn Thị Thẳng, Đan Thụy, Mai Liên (TPHCM), Nguyễn Văn Nam (lớp Báo chí K05 ĐH KHXH&NV TPHCM), Ngọc Thụ (Nghệ An), Nguyễn Văn Niên (Cần Thơ), Phan Ngọc Vân (Bình Thuận). Lê Mộng Thu, Lê Công Tâm, Phạm An Hòa, Dương Thị Minh Phương, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Minh Hải (TPHCM), Phạm Thị Tuyết Mai (Bến Tre), Nguyễn Văn Khương (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Sơn (kangta0663125@yahoo.com), Nguyễn Tấn Thu Tâm (Khoa Ngữ văn ĐH KHXH&NV TPHCM), Lê Thanh Tâm (Hà Tây), Phạm Hoàng Lan (Cục Thuế tỉnh Ninh Bình). Võ Đăng Minh Tuấn, Nguyễn Tấn Thu Tâm, Phạm Kim Sơn (TPHCM), Lê Quyết Thắng (Lớp Báo chí 2 Khoa Ngữ văn Đại học KHXH&NV TPHCM), Phạm Kim Sơn, Trịnh Phương Trà (Phú Yên), Đặng Thị Hồng Phương (Vũng Tàu), Vũ Thanh Trang (Cục BVCT1, Tổng cục An ninh, Bộ Công an). Nguyễn Thị Huyền Ngân, Phan Hiền, Lương Bích Vân, Chung Thanh Huy, Trần Văn Thưởng (TPHCM), Nguyễn Thị Thanh Hà (sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM), Đoàn Như Phú (Lớp báo chí 3- ĐH KHXH&NV TPHCM), Nguyễn Xuân Thủy (Hà Nội), Hồ Thị Ánh, Hội An (Bà Rịa- Vũng Tàu), Vũ Thị Thanh (TP Quảng Ngãi). Trần Thị Mỹ Thương (ĐH KHXH & NV TPHCM), Huỳnh Cao Minh, Trần Thị Minh Thư, Mạnh Duy, Nguyễn Minh Hải (TPHCM), Hội An, Hồ Thị Ánh (Vũng Tàu), Lê Ngọc Phúc (Đồng Nai), Nguyễn Thị Kim Thoa (Vĩnh Phúc). Hương Giang, Phạm Trang Thu, Phạm Hữu Nghĩa, Mai Anh, Trần Mỹ Lệ, Lê Anh Xuân, Đỗ Thông, Lê Phan Du, Nguyễn Thiên Đan Thanh, Nguyễn Thị Miễn (TPHCM), Trương Thị Bích Vân (ĐH KHXH-NV TPHCM), Hội An (Vũng Tàu), San Ly (Phú Thọ), Nguyễn Thị Nguyệt (Bình Dương), Trần Ngọc Thảo (Kiên Giang), khamsoctrang@yahoo.com. Mai Anh, Nguyễn Thị Trà My, Nguyễn Kim Hoàng Nam, Lương Bích Vân, Đoàn Như Phú, Trần Ban Nha, Trần Thị Ngọc Thao, Lưu Đình Long, Nguyễn Sinh (TPHCM), Lê Xuân Bột (Cần Thơ). Phan Thị Thanh (Ngân hàng Nông nghiệp Hương Khê- Hà Tĩnh), Ngô Đình Phụng Yến, Mỹ Lam, Trần Thị Ngọc Thao, Vũ Đình Sơn, Trần Thị Bích Thảo (TPHCM). Cảm ơn bạn đọc đã nhiệt tình tham gia cuộc thi. Chúng tôi sẽ lần lượt chọn đăng trong các số báo tới, vào các ngày thứ hai, tư, sáu hằng tuần. Bạn đọc tham gia bài dự thi có thể yêu cầu Ban Tổ chức không ghi tên thật và địa chỉ nơi ở trong bài viết được chọn đăng báo nhưng phải cung cấp cho Ban Tổ chức tên thật và địa chỉ cụ thể để tiện liên lạc, và trao giải thưởng (nếu có). Bạn đọc có thể tham gia viết cảm nhận ca khúc nước ngoài, với điều kiện bài hát đã được phép phổ biến tại Việt Nam và không được ưu tiên khi xét giải thưởng bài viết hay trong tháng cũng như giải thưởng chung cuộc. Bạn đọc thân! Như vậy là cuộc thi đã hết hạn nhận bài dự thi từ ngày 1-5, theo thể lệ. Bạn đọc tiếp tục tham gia viết cảm nhận ca khúc hay, sau ngày 30-4 sẽ không đưa vào tham dự cuộc thi. Trang VHVN Báo Người Lao Động sẽ tiếp nhận những bài viết này để chọn đăng trên các số báo xuất bản thời gian tới và trả nhuận bút theo chế độ hiện hành của báo. Bài viết xin gửi về Tòa soạn Báo Người Lao Động, 127 Võ Văn Tần, quận 3 - TPHCM hoặc vannghe@nld.com.vn. Kính mời bạn đọc tiếp tục cộng tác! B.T.C |
Bài dự thi Viết cảm nhận ca khúc hay
Hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em!
Nguyễn Thị Hiền (Q. Bình Thạnh – TPHCM)
Chiều nay trên đường đi làm về, bất ngờ cơn mưa dông ập đến, tôi vội nép mình dưới một mái hiên. Bỗng nhiên từ nhà ai gần đó vang lên ca khúc Đứa bé. Ca khúc tập hợp sáu mươi ca sĩ, từ chiếc radio. Các giọng ca truyền cảm, sâu lắng, khi trầm bổng, khi vút cao xoáy vào tim tôi cảm xúc nghẹn ngào, nước mắt tôi nhạt nhòa. Tôi đang khóc cho mình, cho em, cho cả hàng vạn trẻ em mồ côi trên cuộc đời này.
![]() |
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương |
Tôi sinh ra cũng mồ côi như em, nhưng tôi may mắn hơn em là được sống trong vòng tay ông bà nội, cô chú và anh chị, nên tôi có được một mái ấm để khi ra đi còn được nhớ, được mong quay về và tôi cũng không sớm vào đời bươn chải tìm “chén cơm manh áo” hay đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm như em. “Trong đêm một bàn chân bước bé xíu lang thang trên đường, ánh mắt buồn nhạt nhòa của em. Em rất buồn vì em không biết đi về đâu. Cuộc sống mưu sinh chỉ làm em qua cơn đói từng ngày”.
Chẳng biết tự bao giờ những tiếng lóc... cóc... lóc... cóc... và những tiếng rao lanh lảnh của các em vào những buổi trưa hè nắng đổ lửa, hay những đêm đông giá lạnh mưa tuôn cứ vang vọng mãi trong tôi. Những âm thanh quá đỗi quen thuộc bình thường ở thành phố này, nhưng mãi dấy lên trong tôi nỗi xót xa và tôi tin chắc rằng có lúc các em phải thốt lên:
“Cơm người khổ lắm mẹ ơi!
Không như cơm mẹ chỉ ngồi xuống ăn”.
Thật vậy! Chỉ có cơm cha cháo mẹ em mới ngồi xuống ăn vô tư mà không đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt. Nhưng thật xót xa cho đời em:
“Vì em không cha, vì em đã mất mẹ đau thương vẫn là đau thương”.
Thật đáng thương cho em và hàng ngàn trẻ em mồ côi vì mất cha, mẹ hay bị bỏ rơi không có mái ấm gia đình. Lứa tuổi các em là tuổi được sống trong vòng tay yêu thương chiều chuộng của cha mẹ, là tuổi tung tăng cắp sách đến trường, là tuổi hồn nhiên trong sáng của thiên đường tuổi thơ. Vậy mà, vì thân phận mồ côi không cha mẹ, không người thân nuôi dạy chở che, em đành bước vào đời bằng đôi cánh chim non đón nhận dông bão cuộc đời, tìm kế sinh nhai, hứng chịu bao đắng cay tủi nhục, nuốt trọn nỗi đau vào lòng không biết chia sẻ cùng ai.
“Đã lâu rồi em không có tình thương. Nhìn thấy ai, ai cũng vui bên cha mẹ. Giọt lệ em tuôn rơi hòa tan với nỗi buồn em bước đi trong chiều mưa”.
Nay, tuổi đời tôi đã bước qua tam thập. Vậy mà, tôi luôn khao khát cháy bỏng được gọi những tiếng thân thương “Cha ơi! Mẹ ơi!”. Mỗi khi nhìn thấy mọi người được cha nhìn trìu mến, mẹ âu yếm vuốt ve, tôi cảm thấy buồn tủi phận mình. Khi còn nhỏ, tôi chưa đủ hiểu biết để cảm nhận tình thương thiêng liêng ấy. Đến lúc trưởng thành tôi mới hiểu rõ sự hy sinh và thương con vô bờ bến của cha mẹ để nuôi dạy con khôn lớn, tạo cho con một nền tảng vững chắc bước vào đời. Vì tôi thiếu sự chỉ dạy của cha mẹ nên hành trang vào đời của tôi rất nhiều khiếm khuyết. Tôi bước vào đời bằng đôi chân khập khiễng dễ vấp ngã, sai lầm rồi tự gượng đứng lên, làm bài học kinh nghiệm cho mình lần sau. Còn em, không mái ấm gia đình, không ai chỉ dạy thì lấy gì làm hành trang cho ngày mai?
Đoạn cuối của bài ca, nhạc sĩ Minh Khang gởi bức thông điệp đến mọi người:
“Hãy lau khô cuộc đời em bằng tình thương lòng nhân ái của con người. Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em bằng tất cả trái tim con người Việt Nam”.
Tôi còn nhớ có lần đọc trên một trang báo, nhạc sĩ đã thổ lộ mình cũng mồ côi. Có lẽ “Sống trong cảnh hiểu được người trong cảnh” nên nhạc sĩ viết lên ca khúc bằng cả trái tim trăn trở, cảm xúc xót xa đến với các em.
Cảm ơn nhạc sĩ đã làm rung động hàng triệu trái tim để mọi người đến chia sẻ lau khô cuộc đời các em!
Bao dung hơn để nhẹ lòng
Hoài hương (Quảng Nam)
Một chiều, khi phố đã thưa người, dạ hương nồng nàn tràn vào ngõ, tự dưng trong em chông chênh đến lạ. Cảm giác cô đơn choáng ngợp cả tâm hồn khi nghe lại ca khúc Xin còn gọi tên nhau của nhạc sĩ Trường Sa. Em thấy se lòng - mắt rưng rưng lệ. Anh đã đi rồi, đi từ những lời nói dối và cả sự không bao dung của em. Em đã từng lấy đó làm sự mỉa mai để quên lãng và không tha thứ.
... “Phố vẫn hoang vu từ lúc em đi. Rồi trong mưa gió biết ai vỗ về? Bàn tay nào đưa em trong lần vui, bằng những tiếng chim non thì thầm. Cho ngày tháng ưu phiền em quên”. Nó cứ dàn trải, thắc thỏm làm em muốn khóc. Sao em lại không thể gọi thầm tên anh? Sao em không thể bao dung hơn như người ở lại trong bài hát để lòng mình nhẹ nhàng? Và em chỉ biết trả lời cho câu hỏi đó của mình rằng: Tại vì anh không xứng với tấm chân tình của em thì làm sao em có thể tha thứ? Thế nhưng, bây giờ em đang suy ngẫm về điều đó khi nghe Xin còn gọi tên nhau!
Anh đã bao giờ nghe ca khúc ấy chưa? Hãy nghe đi, anh nhé-dù chỉ một lần. Một lần thôi cũng làm cho lòng mình ấm lại, sẽ bao dung, sẽ sống tốt hơn để trôi đi chút muộn phiền, để chuộc lấy những lỗi lầm đã gieo.
“...Lời nào gian dối cũng xin qua rồi. Để lỡ ngày sau khi ta cần nhau, còn nuối chút êm vui ngày đầu, cho mình nhớ kêu thầm tên nhau’’.
Khi nghe những ca từ này anh có nghĩ thế không? Còn em, một cô gái đã quen không thể chấp nhận khuyết điểm của người khác (dù là lỗi rất nhỏ) và không biết tha thứ là gì cũng đã nghĩ được rằng: Con người ta, hãy thôi đừng trách cứ, hãy giúp người khác hoàn thiện!... Để một lúc nào đó, khi trên đường đời chông gai, thăng trầm, ta có thể gọi thầm tên nhau cho lòng ấm hơn. Lúc đó, nụ cười sẽ nở trên môi, giúp ta tự tin và bước tiếp trên nẻo đường...
Ừ, mà tùy anh thôi, còn em, khi nghe ca khúc này, em đã cảm nhận được và nghĩ như thế. Không chỉ riêng cho anh và em mà cả cho mọi người nữa. Em nhớ, có một câu danh ngôn rằng: "Dùng điều tốt để trả ơn thì ai cũng làm được. Còn dùng điều tốt để đáp lại việc xấu, đó mới là một con người thật sự". Và, Xin còn gọi tên nhau là thế, phải không anh?
Em thấy lòng mình thanh thản.
Sau bài hát, em đã thấy lòng bình yên hơn, không phải cực đoan với sự gian dối của anh nữa. Em quay vào phòng, viết tiếp truyện ngắn mà mình đang bế tắc với tựa đề Trở về. Nhân vật của em đang lưỡng lự trong việc có nên tha thứ hay là không cho người đã đánh vỡ niềm tin mà mình dệt qua bao tháng ngày. Và bây giờ, em đã mở được nút thắt ấy để nhân vật của mình mỉm cười: "Lời nào gian dối cũng xin qua rồi" và thắp “cho tình thêm say”, cho lòng nhẹ nhàng hơn và những hẹn hò không bao giờ khép lại. Bởi vì, sau lỗi lầm, người ta sẽ hoàn thiện mình hơn, phải không anh?
Và em cũng thế, em sẽ không tắt điện thoại mỗi lần anh gọi đến bảo rằng: "Anh không thể nhận được sự tha thứ qua bao lần ăn năn ư?”.
Ca sĩ Xuân Phú
Em mong được bên anh mãi mãi!
Giáng Hương (TPHCM)
![]() |
Ca sĩ Bảo Yến |
Một chiều cùng anh trên biển Vũng Tàu thơ mộng, em chợt reo vui như bắt được một điều gì tuyệt diệu. Thì ra phía xa kia, nơi bờ cát bắt đầu là những bông hoa nho nhỏ, tim tím trải mình trong nắng mới. Những bông hoa vừa như e ấp khi ánh bình minh đang nhìn mình đăm đắm vừa như chẳng buồn nhìn mọi vật đang thay đổi vào ngày mới.
Anh đã hát em nghe Chuyện tình hoa muống biển của nhạc sĩ Hoàng Phương với giọng hát ngọt ngào, đầm ấm. “Anh đến thăm em mùa vui bên biển, nụ hoa muống biển rung rinh rung rinh, chao sóng vỗ về chào em chào em, làn gió mát ru, triền sóng hát ca, hải âu tung trời đùa, cá tôm theo thuyền về, anh kể chuyện tình về biển... em nghe”. Từng lời anh hát như kéo em về chuyện tình xưa, trầm buồn mà êm đềm tha thiết. Tình yêu có những điều kỳ diệu, giúp con người vượt bao sóng gió để đến những bến bờ hạnh phúc. Người ta đã gọi tên loài hoa bé nhỏ trải mình trên bờ biển là hoa muống biển, là hóa thân của tình yêu bất diệt của đôi trai gái làng chài ngày ấy. “Đời gọi tên từ đó: bông hoa trắng xinh xinh, nhụy hoa buồn tim tím, mùa xuân không về phố bao giờ, để đêm đêm nghe biển thức vọng về...”. Cô gái làng chài nguyện chết theo chàng trai để giữ tròn lời nguyện ước và chắc chắn nơi xa kia, nơi tận cùng của biển, tình yêu của họ đã hòa cùng với gió, với mây, với nắng và với biển xanh muôn trùng.
Biển ôm trong lòng mình người con trai đang yêu và bờ cát mãi đợi những đợt sóng vỗ về, an ủi, cho những bông hoa tím nhỏ nở mãi, nở mãi không thôi. Huyền thoại về một tình yêu, một loài hoa vẫn theo em vào trong giấc ngủ. Câu chuyện tình yêu tuyệt vời của biển đã góp thêm sức mạnh cho em trong những ngày vắng anh. Biển vẫn ngàn năm bên sóng, em mong mãi mãi bên anh. Hoa muống biển từ đó trở thành biểu tượng tình yêu của hai đứa, trở thành niềm tin vào một ngày hội ngộ của riêng em. Từng lời ca dịu dàng, tha thiết anh hát ngày nào vẫn mãi bên em. Những lúc cô đơn em luôn nghĩ về anh, nghĩ về bài hát ngọt ngào anh đã hát. Ca từ nhẹ nhàng, giai điệu thiết tha trầm bổng cùng với giọng hát trầm ấm của anh đã cho em thêm nghị lực để bước đi trên mọi nẻo đường.
Nỗi nhớ khôn nguôi...
Nguyễn Tấn Thu Tâm (Khoa Ngữ văn và Báo chí ĐH KHXH-NV TPHCM)
![]() |
Ca sĩ Đan Trường |
Đã hai năm tạm rời xa quê hương tôi lên Sài Gòn học tập. Những hối hả bon chen của chốn thị thành cũng không thể nào khỏa lấp được trong tôi nỗi nhớ thương quê hương da diết. Bến Tre, mảnh đất hiền hòa thân thuộc nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời, dò dẫm từng bước đi chập chững đầu tiên. Cả một khoảng trời tuổi thơ, với biết bao kỷ niệm vui buồn ấp ủ, tất cả giờ như đang vọng về, tha thiết khôn nguôi.
Tôi chẳng biết hai nhạc sĩ Hoài An và Công Tuấn có phải là người quê ở Bến Tre hay không, chỉ biết qua lời bài hát Đắng khổ qua của hai anh, xứ dừa quê tôi hiện lên sao đẹp ân tình mà giản dị thân tình quá đỗi. Quê hương của tôi, mảnh đất trong lành dẫu còn nhiều khó nhọc “hai mùa mưa nắng dãi dầu cù lao” nhưng vẫn thanh mát trong ngần dòng nước chảy, xanh bóng hình cả hàng dừa soi, cũng như lời của bài hát: “Càng thấy đẹp sao bóng dừa nghiêng nghiêng dòng nước dừa tươi như dòng sữa mẹ”. Bên bờ sông nơi hàng dừa ấy, chúng tôi đã có những tháng ngày tuổi thơ êm đềm. Kết lá dừa làm áo, lấy đọt dừa làm phao, lúc hứng chí thì trèo lên cây cao hóng gió, khi buồn lại mắc võng vào thân cây nằm chơi, đói thì lấy cơm dừa ăn, khát lại lấy nước dừa uống. Đến cả vỏ trái dừa, chúng tôi cũng lấy làm nón, làm banh, làm cả đạn để chơi trò bắn nhau. Trong sâu thẳm trái tim mình, hàng dừa xanh thân thuộc ấy như đã trở thành một phần ký ức êm đềm ôm trọn lấy cả tuổi thơ tôi.
Chúng tôi đã lớn lên không chỉ bởi dòng sữa mẹ mà còn bằng dòng sữa của quê hương. Trong huyết quản của mỗi người, dòng sữa ấy luôn mãi còn vị ngọt một thời đã ấp ôm bao kỷ niệm dấu yêu. Câu hát ngọt ngào ca sĩ Đan Trường cất lên, ơi “thương mấy cho vừa, cho vừa người ơi”, nỗi nhớ niềm thương quê hương lại cồn cào da diết trong lòng.
Bay lên, ngày chiến thắng
Vĩnh Ngô (Đà Nẵng)
![]() |
Đan Trường đã thể hiện thành công ca khúc Đất nước trọn niềm vui |
Một lần tôi được nghe nhạc sĩ Hoàng Hà kể rằng, khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được mở, trong không khí rầm rập của những đoàn quân tiến về Sài Gòn, lòng ông rộn lên một niềm tin tất thắng, và chỉ trong ngày 26-4 -1975 ông đã viết nên ca khúc Đất nước trọn niềm vui.
Những hình ảnh thời ông theo đoàn quân tiến về tiếp quản thủ đô năm xưa đã bừng hiện lên trong tâm trí ông một Sài Gòn rất sôi động với rừng cờ, rừng người náo nhiệt của ngày chiến thắng. Từng nét nhạc, từng ý, từng lời, cứ bật ra từ trong sâu thẳm lòng ông: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây...” . Trong những ngày tháng 4 này, tôi được dịp nghe lại Đất nước trọn niềm vui với cảm xúc của người lính trong ngày chiến thắng của hơn 30 năm trước.
Trải dặm dài kháng chiến đầy gian khổ hy sinh, trong ba lô người chiến sĩ trên đường hành quân có lúc thiếu thực phẩm, lương khô... nhưng không lúc nào thiếu cuốn sổ tay ghi chép những ca khúc cách mạng. Từ thời “áo vải chân không đi lùng giặc đánh” đến “những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến” làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975, người chiến sĩ cách mạng luôn được động viên, cổ vũ kịp thời bằng những ca khúc hùng tráng theo từng chặng đường đi, theo mỗi chiến dịch được mở. Ngày kết thúc chiến tranh, ca khúc Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà như một kết tinh của dòng ca khúc cách mạng trong một chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc, như một khúc khải hoàn ca của ngày toàn thắng.
Trong ngày hội lớn đó, lòng tôi bỗng rộn ràng hơn khi nghe bài hát này, lời ca bay bổng niềm tự hào lẫn tin yêu, đã hiện lên trong tôi một miền Nam thành đồng, son sắt “đi trước về sau”, một Sài Gòn ngột ngạt bao năm vẫn vững tin vào một ngày vui giải phóng, và thấy yêu hơn từng tấc đất quê hương đã nhuộm thắm máu đào. Ca từ sống động, giai điệu hùng tráng, người nghe cảm nhận được một niềm vui trọn vẹn của ngày toàn thắng. Nhưng theo tôi, một bài hát đi vào lòng người không những chỉ có ca từ hay, giai điệu đẹp mà nó còn phải ra đời trong thời điểm có ý nghĩa. Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà là một bài hát hay, bởi ca từ hay và sống động, giai điệu hào hùng tự tin, ra đời đúng vào thời điểm lịch sử ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tầm nhìn về cuộc kháng chiến, về đất nước, con người và nét tài hoa của người nhạc sĩ đã viết nên một ca khúc hoành tráng trong ngày toàn thắng, làm xao động hàng triệu trái tim.
Tôi nghĩ rằng, nếu như trong kháng chiến, nhiều ca khúc cách mạng hùng tráng đã động viên tinh thần, thôi thúc bước chân người chiến sĩ trên đường ra trận, thì ca khúc Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà trong ngày toàn thắng như chắp cho tâm hồn người yêu âm nhạc đôi cánh bay lên, bay lên “say ngắm sông núi hiên ngang”, bay lên hát khúc ca “Tổ quốc muôn đời trọn vẹn cả non sông thống nhất, rạng rỡ Việt Nam”.
Minh chứng của sự thủy chung son sắt
Nam Phương (18/176 Phan Chu Trinh-Huế)
![]() |
Mỹ Lệ - một trong những ca sĩ thể hiện thành công bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương |
Những năm 1970, khi đất nước còn chia cắt, gia đình tôi sống ở Hà Nội, mỗi lần nghe ca sĩ Tân Nhân hát bài Câu hò bên bờ Hiền Lương (nhạc: Hoàng Hiệp, lời: Hoàng Hiệp, Đằng Giao), ba mẹ tôi luôn xúc động, nước mắt rưng rưng. Quê ba tôi ở xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị chỉ cách cây cầu Hiền Lương lịch sử khoảng 5 km. Cây cầu là ranh giới chia đôi đất nước.
“Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về. Mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê...”. Vượt lên tình yêu đôi lứa là tình yêu quê hương. Bài hát chính là tâm trạng, nỗi nhớ da diết của người con Quảng Trị sống trên đất Bắc, đang ngày đêm trông ngóng về quê hương yêu dấu, nơi đang chịu sự tàn phá khốc liệt của kẻ thù. “Trông qua rặng Trường Sơn, miền quê xa tít chân trời, mây lặng lờ trôi, mây đen lặng lờ trôi”. Đó là những đám mây hắc ám. Bầu trời trên dòng sông Bến Hải đang bị máy bay, bom đạn kẻ thù từng ngày, từng giờ giày xéo. “Hò... ơ, ơ... ớ... ơ thuyền ơi thuyền ơi có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền, nhắn ai gìn giữ câu nguyền. Trong cơn bão tố vững bền lòng son...”. Được sống ở thủ đô, được sự đùm bọc chở che của nhân dân miền Bắc thân yêu, người con xa quê càng cảm thông, muốn được sẻ chia, cùng chung nỗi đau, nỗi mất mát của những người thân đang sống trong cảnh chiến tranh. Họ muốn nhắn nhủ với người thân rằng dù chiến tranh kéo dài bao lâu nữa, vẫn luôn vững tin vào thắng lợi sẽ được trở lại quê hương trong một ngày không xa. Đó là niềm ước mong, cũng là sự khẳng định chắc chắn. Và chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 đã minh chứng cho điều đó.
Đất nước được giải phóng, gia đình tôi trở lại quê hương. Ba mẹ tôi lặng người đứng khóc bên cây cầu Hiền Lương. Lần này họ khóc không phải vì nhớ nhung, chia ly, mà là những giọt nước mắt hạnh phúc, sung sướng tự hào.
“Ơi câu hò chiều nay, tôi mang nặng tình ai.
Nơi miền quê xa vắng em có nghe thấu chăng lòng anh.
Tình này ta xây đắp nên thủy chung không bao giờ phai”.
Cho đến hôm nay, chiến tranh đã đi qua, tôi đi qua thời trai trẻ, được sống trong không khí hòa bình trên mảnh đất quê hương. ba tôi nay đã trên 80 tuổi, nhưng ông vẫn rưng rưng mỗi khi nghe bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương. Bài hát như một lời nhắc nhủ ông về một quá khứ đau thương, mất mát, nhưng đầy vinh quang.
Điệp khúc tình yêu cháy bỏng
Hồ Thị Ánh (Trường Tiểu học Điện Biên, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
![]() |
Ca sĩ Hồng Nhung |
Tuổi trẻ bao giờ cũng gắn liền với tình yêu và mơ ước. Một ước mơ và tình yêu có thể là cao cả cho đời, cho Tổ quốc nhưng cũng có thể chỉ là cho một góc trời nho nhỏ bình yên em hát anh nghe, hiểu nhau tới tận đáy lòng. Vậy mà chỉ một ước mơ cỏn con ấy lại bị chiến tranh cướp mất.
“Nhớ! Nhớ cái hôn đầu tiên anh chưa dành cho em”. Toàn thân tôi rung lên vì một lời tự sự. Tôi cũng muốn biết kỷ niệm về nụ hôn ấy như thế nào: cay, đắng, mặn, ngọt... vì tôi đã 18, 20 nhưng chưa một lần có được. “Nhớ! Bài tình ca đầu tiên anh chưa dành cho em”. Ký ức buồn cho một chuyện tình? Chưa có cái gì dành cho người mình yêu cả dẫu chỉ là một bản tình ca! Vì chiến tranh mà vết tích của nó đã để lại không thể nào quên được. Cái hôn đầu tiên để lại vị đắng, vị đau xót vì “hôn lên đôi mắt người bạn đã hy sinh”, một người bạn mới hôm qua đây còn cười đùa với mình, “bài tình ca đầu tiên” lại là “hành khúc lên đường”. Vì tổ quốc – một tình yêu thiêng liêng cao cả của một người con dành cho đất nước.
Tôi lặng người chia sẻ với những nỗi mất mát ấy. Tổ quốc bình yên mọi thứ đều có thể đâm chồi nảy lộc. Dẫu đó chỉ là những bài hát muộn màng, “bài hát của chúng ta” sẽ được anh cất lời. Đó là điệp khúc.
Một điệp khúc tình yêu cháy bỏng qua những năm tháng mất mát; chỉ có một trái tim lửa cháy cuồn cuộn yêu đương đến tận bây giờ – khi đất nước bình yên mới dâng lên cảm xúc cao độ, “hát những lời lửa cháy bằng trái tim yêu thương”, dành tặng cho nhau những gì trước kia chưa làm được.
Đã mười mấy năm trôi qua, ấn tượng về “cái hôn đầu tiên” vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong tôi, cho đến hôm nay, ca sĩ Hồng Nhung với vóc dáng bé nhỏ nhưng lại mạnh mẽ thổi tuôn trào nhiều ngọn lửa từ trái tim rực lửa của mình làm bùng cháy, tỏa sáng mãi mãi Điệp khúc tình yêu của nhạc sĩ Trần Tiến. Đánh dấu một thời tuổi trẻ đi qua chiến tranh; dẫu chiến tranh đã lùi xa 30 năm.
Đâu rồi ngày xưa ơi!
Nguyễn Thị Kim Thu (TPHCM)
![]() |
Nhóm Tik Tik Tak |
Những buổi chiều tan giờ làm, chạy xe giữa dòng người tấp nập, chen chúc giữa khói, bụi và xe... trong tôi bất chợt thênh thang khi nghe đâu đó trên phố vang lên giai điệu ca khúc Ngày xưa ơi của Yến Dung (nhóm Tik tik tak) và lúc ấy tôi vẫn thường nghêu ngao những câu hát...
“Ngày xưa có cánh diều chao hững hờ, vi vút sau rặng tre.
Ngày xưa có cánh cò bay la đà, chập chờn theo đồng lúa...”
Gần mười năm xa quê, sống giữa thành phố ồn ào, nhộn nhịp, bị cuốn vào cái “vòng xoáy vô tận” của cuộc sống, tôi dường như cảm thấy tâm hồn mình dần trở nên già cỗi, đơn điệu. Ây thế mà mỗi lần nghe Ngày xưa ơi bất chợt lòng tôi chùng xuống, có chút gì đó da diết nhớ thương. Những giai điệu giản dị, du dương làm thổn thức trong tôi những ký ức tưởng chừng như đã trôi vào quên lãng...
... Những lúc ấy, trong tôi lại là “đồng lúa”, là “cánh cò bay la đà”, là “rặng tre vi vút”..., là buổi chiều đứng tần ngần mãi trên triền đê để cảm thấy tim mình nhoi nhói khi biết rằng ngày hôm sau bước chân đi sẽ là... rời xa... xa dần những gì vốn đã trở thành thân thiết như chính mình...
Đi hết gần nửa đời người, tôi mới nhận ra được cái “quy luật khắc nghiệt” của dòng thời gian, không vật nào có thể tránh khỏi: con người già đi, vạn vật thay đổi, mọi thứ dần trôi vào lãng quên. Bởi thế nên: “Tuổi thơ như áng mây, rồi sẽ mãi bay về cuối trời” và để rồi “thời gian xóa những kỷ niệm dấu yêu”...
Còn tôi, giữa Sài Gòn xô bồ, đông đúc vẫn đau đáu trong mình một miền nhớ mà chỉ cần câu hát “Ngày xưa ơi, mãi xa tuổi thơ...” vang lên đâu đó trong tâm trí là đủ để khơi dậy cái điều sâu thẳm mà tôi đang cất giấu. Để rồi trong những lúc như thế tôi mới cảm nhận thấm thía vẻ đẹp thân thuộc, gần gũi của rặng tre, đồng lúa, con đê... quê mình. Tiếc rằng khi tôi cảm nhận được thì cũng là lúc tôi đã rời xa... Vậy đó! Những giá trị thường bị người ta lãng quên, nhất là lúc ta còn trẻ. Chỉ đến khi bước vào độ tuổi từng trải, con người mới chợt nhận ra những giá trị sâu xa của cuộc đời.
... Có ai đó đang nhớ về ngày xưa? Có ai đó muốn một lần hoài niệm? Hãy nghe và cảm nhận giai điệu tha thiết, dịu dàng mà trầm lắng, sâu sắc của ca khúc... Rồi sẽ bất chợt cảm thấy lòng bình yên lạ...
Cõng mẹ về thiên thai
Việt Khuê (Biên Hòa - Đồng Nai)
![]() |
Ca sĩ Quang Linh |
Chợt bồi hồi xúc động khi bắt gặp một ca khúc với cái tên rất lạ mà rất quen - Cõng mẹ đi chơi. Trần Quế Sơn đã gảy nên phím đàn thiêng liêng của tình mẫu tử bằng chính trái tim và tài năng của nghệ sĩ. Dùng thể loại Symphonie rock, một thể loại ca khúc hiện đại ít lời, chen lẫn các đoạn diễn tấu của nhạc khí để viết về một đề tài muôn thuở: Mẹ, có thể xem là sự kết hợp độc đáo, tinh tế.
Nỗi đau chia đôi khi được chia sẻ nhưng nó cũng âm ỉ gặm nhấm khi vô tình có ai đó chạm phải. Dù mẹ đã ra đi nhưng với tôi đó là một lời nói dối, hơn một ngàn ngày qua là nỗi nhớ mong mẹ quặn thắt mỗi khi đêm về, tôi đã tự an ủi rằng mẹ chỉ tạm đi về một nơi xa nào ấy, rồi tự gạt mình rằng mẹ giận không muốn gặp mặt tôi...
Đau đớn nhất của con người là sinh ly tử biệt, tin mẹ bị tai nạn đã quật tôi ngất đi và tỉnh lại như một kẻ mất trí... rồi từng ngày sau đó tôi đã sống để mà khóc, khóc đến nghẹn đắng, rã rời, tôi không dám chợp mắt vì mỗi khi như thế tôi lại thấy mẹ hiện hữu trước mặt, lúc nào tôi cũng có cảm giác như bị chặt mất một cánh tay, một đôi chân.
Thời gian dần trôi, nỗi đau ấy chuyển thành nỗi nhớ và sự tủi thân, nhất là khi vô tình thấy bóng ai đó nhang nhác bóng mẹ, tự nhiên mắt ràn rụa khi nghe ai đó kể về mẹ mình, hay khi ngày 8-3 – ngày dành cho mẹ - ngày 20-10 đến.
Tình yêu mẹ xoáy sâu hơn trong tâm khảm khi đứa con đầu lòng của tôi chào đời, mỗi khi ôm con trong tay tôi lại rưng rưng nước mắt, bỗng thấy hình mình trong tay mẹ ngày xưa.
Trần Quế Sơn viết về một người mẹ để tri ân mọi người mẹ. Anh có một cách nghĩ rất hay “Cuộc đời là trò chơi. Trò chơi lên trời!”. Đúng như một trò chơi, một trò trốn tìm nghiệt ngã được anh chuyển tải khéo léo qua âm nhạc.
Trong ca khúc ta cảm được hương vị dân dã, mộc mạc và chân tình của hồn Việt. Dội mạnh nhưng không ồn ào, ung dung và điềm nhiên để đi vào xứ sở thiên thai:
“Rồi vài mươi năm sau
Đi qua trần thế, con cõng mẹ về
Con cõng mẹ về thiên thai”.
Không thể bình thản nhìn bóng mẹ dần khuất, tiếng nhạc dồn hòa cùng tiếng khóc thổn thức vang trời của nhạc sĩ khiến tôi bỗng gục mặt rưng rức...
“Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai ngồi khóc bên trời
Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai mẹ bỏ con rồi
Mẹ để con mồ côi”.
Chưa gặp mặt cũng chẳng hề quen biết nhưng tôi lại có cảm giác thân thiết với Trần Quế Sơn lắm, phải chăng âm nhạc có một sức mạnh diệu kỳ - nối kết cảm xúc và sẻ chia rung động.
Nhạc sĩ đã cho tôi những cách nghĩ mới, dù thật xúc động nhưng nhẹ nhàng và bình yên hơn trước vết thương tưởng chừng không bao giờ nguôi.
“Đời là trò chơi
Trò chơi lên trời
Cuối đời là trò chơi
Trò chơi lên trời. (Hu...hu... hu). Trò chơi lên trời”... cứ ngân mãi không thôi.
Giấc mơ sẽ có thật
Tạ Tư Vũ (Nha Trang)
![]() |
Ca sĩ Quang Linh |
Nỗi niềm về một căn nhà nhỏ, nằm khép nép trong một khu phố cực nghèo xứ biển, lại hiện về trong tôi khi bài hát Xóm đêm vọng tiếng. Không biết Phạm Đình Chương thổn thức điều gì khi viết Xóm đêm, nhưng với tôi, bài hát ấy còn là một niềm trăn trở. “Đêm khuya ngõ sâu như không màu, qua phên vênh có bao mái đầu, hắt hiu vàng ánh điện câu...” . Tôi đã lớn lên từ một “xóm đêm” cũng không kém phần hiu hắt.
Xóm đêm của tôi, đó là những tháng ngày tôi cùng những người thân yêu của mình lầm lũi trong bóng tối. Bóng tối của cái nghèo, cái cơ cực. Một căn nhà xập xệ với sáu con người luôn vờ thông cảm với hoàn cảnh. Trong “màn đêm tịch liêu”, gió biển thổi ào ào như muốn cuốn bay đi những mái nhà. Nằm trong đêm gió, tôi nghe rõ tiếng thở dài buồn của ba tôi.
Thành phố của tôi đẹp như một bức tranh lung linh nhiều màu sắc. Mỗi khi đứng ngắm nhìn thành phố, tôi mơ mình sẽ có một mái nhà. Tôi mơ ba mẹ, anh em của mình sẽ không phải phập phồng trong những giấc ngủ lo trời mưa, trời gió. Tôi tin rằng, giấc mơ đó sẽ có thật, dù tôi biết rằng sau lưng tôi là một con phố nghèo nàn, nơi gia đình tôi đang ở đó.
Tôi thường lang thang trên bãi biển. Biển trời rộng mênh mông, giống như nỗi buồn gì đó của ba mẹ mà tôi chưa hiểu được. Gió đêm vẫn thổi ào ào. Những cái nghèo của xóm nhỏ vẫn rung bần bật. Tôi muốn đi tìm giấc mơ của mình. Tôi chia tay “xóm vắng im lìm” ngày tôi hai mươi.
Đã hơn năm năm tôi rời “xóm đêm” của mình. Mỗi khi nghe lại bài hát, những nỗi niềm về một giấc mơ riêng lại dậy sóng trong lòng. Tôi vẫn tin rằng giấc mơ về một mái nhà, một cuộc sống mà những người thân của tôi sẽ không còn chịu đựng cảnh mưa gió về “khua cơn mộng”, sẽ là một giấc mơ có thật. Tôi luôn vững tin vào một “ánh xuân hồng” của mình.