Một kiểu xuất bản... “ma quái”

Đọc bài Truyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn được xuất bản hợp pháp? của tác giả Hữu Thân (Báo Người Lao Động - thứ năm, ngày 22-5-2003), tôi bị “sốc”. Tôi không thể tin có chuyện “ma quái” như thế. Nhưng khi có thời gian đối chiếu giữa đầu sách Chuyến xe ma quái (NXB Văn Học 8-2002) và CD Chuyện ma có thật (do Nguyễn Ngọc Ngạn diễn đọc với Hồng Đào, được sản xuất tại Mỹ và lưu hành trôi nổi tại thị trường băng đĩa lậu ở VN), thì chuyện “ma quái” xuất bản ấy là có thật 100%... Và dù hết sức bình tĩnh, tôi thấy mình “đã biết” rồi thì phải “lên tiếng” thôi.

Điều “ma quái” là một đầu sách với hàng tít đậm trên bìa sách “Truyện ma - kinh dị VN hiện đại” vẫn có đầy đủ giấy phép của Cục Xuất bản (ghi ở trang thủ tục cuốn sách này). Có sự đánh tráo tên đầu sách chăng? Hoặc NXB đăng ký đề tài, nội dung lành mạnh nhưng khi in ấn lại đổi qua nội dung ma quái? Sự ủy quyền “chịu trách nhiệm xuất bản”, “chịu trách nhiệm bản thảo” cho NXB đã có kẽ hở để người làm sách luồn lách, đánh tráo vì lợi nhuận.

Điều “ma quái” nữa là sự gán ghép tùy tiện, chụp giựt trong cái bọc chung “Truyện ma - kinh dị VN hiện đại”. Nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn với tác phẩm có nhiều hàm lượng văn chương rất nổi tiếng của những năm 30 - 40 thế kỷ 20, Ai hát giữa rừng khuya không thể ghép chung với các loại truyện “hàng chợ” như: Ngôi mộ mới đắp, Chuyến xe buýt... của các tác giả Nguyễn Ngọc, Lâm Ngữ Minh... Sự gán ghép giữa văn chương thứ thiệt với thị hiếu dễ dãi, chạy theo thị hiếu của một xã hội xa lạ là điều không thể chấp nhận được. Sự hấp dẫn của cây bút đường rừng Tchya không thể bị gán ghép với những độc tố ma quái, dễ dãi trong Chuyến xe ma quái.

Và còn “ma quái” hơn là những người làm sách đã tự ý (?) hay có hợp đồng (?) thay đổi tên tác giả để qua mặt Cục Xuất bản và đánh lừa độc giả. Từ đó tạo điều kiện để chuyển “ô nhiễm” về quê nhà.

Chuyện xuất bản Chuyến xe ma quái cùng một lúc gây ra tác hại dây chuyền. Nó làm tổn thương đến Hội Nhà văn VN, Cục Xuất bản, cố nhà văn Tchya và bạn đọc trong nước. Vì chạy theo lợi nhuận, nó đã đi ngược lại với trào lưu sáng tác và xuất bản trong nước khi mà trong thời gian qua, Hội Nhà văn VN, Hội Nhà văn TPHCM đã nỗ lực, tích cực mở ra nhiều trại sáng tác, hỗ trợ kinh phí để xuất bản nhiều đầu sách tốt, có chất lượng. Cần phải ngăn chặn kịp thời và thu hồi loại sản phẩm như thế.