Người phát hiện đàn đá cổ nhất thế giới

Bạn bè và học trò thường gọi ông là Condo. Người Mnông Gar trìu mến gọi ông là “Yoo”.

Nhà dân tộc học Pháp, GS Georges Colominas, vừa được Chính phủ VN trao tặng Kỷ niệm chương Hữu nghị do những đóng góp của ông trong lĩnh vực dân tộc và khảo cổ học.

Ông cũng là tác giả của hàng loạt công trình dân tộc học và nhân học về Đông Nam Á nói chung, và VN nói riêng

Sinh trưởng tại Hải Phòng vào những năm đầu thế kỷ 20, mẹ là người Việt, cậu bé Condominas sớm được theo cha đi đây đi đó trên khắp mảnh đất quê mẹ. Khi cha cậu được chỉ định làm đồn trưởng tại An Khê (tỉnh Bình Định trước đây, nay thuộc Gia Lai), cậu bé được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân Bahnar. Trái tim thơ trẻ của cậu đã mến yêu lối sống hồn nhiên dung dị như cây cỏ của người Bahnar. Trở về Pháp, chàng thanh niên Condominas quyết tâm theo học ngành dân tộc học. Năm 1948, anh xin trở lại thực tập tại VN. Cùng với vợ là một nữ sinh cùng lớp, chàng trai 27 tuổi đã đến mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ nhưng hùng vĩ. Không may vợ anh bị ốm nặng phải trở về Pháp, chàng trai quyết tâm ở lại theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu.

Ăn rừng, ở rừng, sống cùng người dân

Ngôi làng Sar Luk hẻo lánh, nằm sâu trong hốc núi, cách Buôn Ma Thuột khoảng 100 cây số đã thu hút chàng trai Pháp lai Việt. Đây là nơi cư ngụ của người Mnông Gar, một nhánh của người Mnông. Trong 2 năm liền, anh tự biến mình thành một người Mnông chính cống. Anh xin dân làng xây một ngôi nhà trên đất của họ, học tiếng nói của họ và thông thạo đến mức đêm nằm mơ anh cũng nói tiếng Mnông. Anh mặc khố, vào rừng săn voi, làm rẫy, đốt nương, uống rượu cần với già làng. Bản lĩnh của một nhà nghiên cứu khoa học không rời bỏ anh. Anh không ngừng ghi chép và thu thập tài liệu về đời sống của người Mnông. Bằng cảm nhận riêng, Condominas nhận thấy người Tây Nguyên coi rừng như người mẹ nuôi dưỡng mình. Họ đo không gian sống ở rừng để tính thời gian sống. Năm 1949, cuốn sách Nous avons mangé la forêt (Chúng tôi ăn rừng) ra đời, lập tức trở thành mẫu mực cách tân về điều tra dân tộc học và gây tiếng vang trên toàn thế giới. Cuốn sách viết về cuộc sống của người Mnông trong vòng một năm. “Ăn rừng” có nghĩa là phong tục đốt rẫy của người Mnông, mỗi năm “ăn” một miếng rừng, chu kỳ “ăn rừng” kéo dài 60 năm.

Khác với những nhà dân tộc học đi trước mình, Condominas tâm niệm: “Không nên áp đặt nền văn hóa của mình lên trên một nền văn hóa khác. Là một nhà dân tộc học, không được hạ thấp những nền văn hóa khác, coi nó là thấp kém hơn nền văn hóa của dân tộc mình. Phải thấu hiểu nền văn hóa khác bằng một tư duy nội tại chứ không được nhìn từ trên xuống hay từ bên ngoài vào”.

Điều may mắn từ “phiến đá lạ”

Chính những quan điểm sống gần gũi với người dân bản địa đã mang đến cho ông nhiều niềm vui và cả may mắn nữa. Ông kể, trong một đêm lạnh lẽo hơi núi rừng, ngồi mơ màng uống rượu cần với già làng Mnông bên ánh lửa bập bùng, ông chợt nghe được câu chuyện của những người phu đi làm đường kháo nhau về những phiến đá “lạ” mà họ coi là của người Chămpa. Những phiến đá đó ở tại làng Ndut Liêng Krak, cách làng Sar Luk vài chục cây số. Ông vội tìm đến nơi, thấy 11 phiến dài nằm trong một khu rừng hoang sơ. Phiến dài nhất khoảng hơn 1 m, phiến bé nhất cũng khoảng 70 cm. Ông nhận thấy, đó là những phiến đá có bàn tay chế tác của con người. Ông lấy tay gõ vào đá, những âm thanh du dương giàu nhạc tính vang lên thánh thót. Bản tính thận trọng của một nhà nghiên cứu không cho phép ông xác định ngay đây là loại đá gì, thuộc niên đại nào. Ông xin dân làng cho ông được mang những phiến đá này về Paris. Viện Bảo tàng Nhân chủng học Pháp đã đi đến kết luận cuối cùng. Đây chính là bộ đàn đá được coi là đầu tiên và cổ xưa nhất thế giới, có niên đại khoảng gần 3.000 năm. Những đóng góp của ông cho nền văn hóa các dân tộc Tây Nguyên khiến ông nổi tiếng trên toàn thế giới. Nhiều thế hệ học trò đã được nghe ông giảng dạy và nhiều nhà dân tộc học thế giới và VN đã coi những cuốn sách của ông như những cuốn cẩm nang nghiên cứu. Họ gọi ông là giáo sư Condo.

Trở lại miền đất kỷ niệm

Năm 1996, GS Condo có dịp trở lại Sar Luk sau nhiều năm xa cách. Dân làng vẫn nhớ đến ông và gọi ông là “Yoo” - cách gọi kính trọng đối với khách. Họ dựng một cái nhà để đón ông, người đã thấu hiểu đời sống của họ, chia ngọt sẻ bùi với họ trong nhiều năm. Một cụ bà rưng rưng nước mắt nhớ lại kỷ niệm với ông. Một lần đến chơi nhà “Yoo” Condo, cô bé đã được ông cho chạm tay vào bộ đàn đá và chính cô bé đã dạy cho ông những bài học tiếng Mnông đầu tiên. Lần đó, ông đi cùng với một đoàn làm phim Pháp về làng Sar Luk để quay phim về cuộc sống của người dân Mnông. Bộ phim này từng được phát trên chương trình Discovery mấy năm trước. Vào những ngày tháng 3 nắng rực rỡ Tây Nguyên, GS Condo trở về thăm lại mảnh đất gắn bó một phần tuổi trẻ của ông. Và cũng để mang bộ phim về chiếu cho dân làng Sar Luk xem như đã hứa.

Chị Võ Thị Thường, tiến sĩ dân tộc học, người được vinh dự tháp tùng “Yoo” Condo trong chuyến đi này cho tôi biết vào tháng 6 tới, bên bờ sông Seine, Paris sẽ có một cuộc trưng bày các tác phẩm nổi tiếng của GS Condominas, theo chủ đề cuốn sách nổi tiếng của ông Chúng tôi ăn rừng. Sắp tới, cuốn sách Kỳ lạ hằng ngày (L’Exotique quotidien) viết về các nền văn hóa của Tây Nguyên cũng được dịch và xuất bản ở VN.  

Vài nét về GS Condo

. Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và hải đảo (Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp).

. Nguyên giáo sư Trường Cao học Khoa học Xã hội Pháp.

. Hai tác phẩm Không gian xã hội vùng Đông Nam Á và Chúng tôi ăn rừng là hai trong số các công trình nghiên cứu quan trọng của GS Condominas được dịch ra tiếng Việt.

. Giới thiệu văn hóa của cư dân Tây Nguyên ra thế giới qua việc sưu tầm để giới thiệu và lưu giữ trong các bảo tàng.

. Là người có đóng góp quan trọng cho ý tưởng xây dựng Bảo tàng Dân tộc học VN.