Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân

Bộ phim do Đài Truyền hình Vân Nam (Trung Quốc) phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội thực hiện tại hai nước Việt Nam và Trung Quốc l Những người con của lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn đều có mặt trên phim

Nội dung: Bộ phim sẽ gồm 4 tập, mỗi tập dự kiến kéo dài 45 phút, gồm: Tập 1: Giới thiệu gia đình tướng Nguyễn Sơn và hoạt động cách mạng ban đầu của ông; tập 2: Giới thiệu hoạt động cách mạng của tướng Nguyễn Sơn tại Trung Quốc và những câu chuyện ly kỳ của ông; tập 3: Giới thiệu câu chuyện đấu tranh cách mạng của ông ở Việt Nam và tập 4: Giới thiệu đánh giá và niềm tưởng nhớ tướng Nguyễn Sơn của nhân dân và quân đội hai nước Việt - Trung.

 Ý tưởng thực hiện bộ phim về tướng Nguyễn Sơn đã được Chử Gia Hoa, một đạo diễn tên tuổi của Đài Truyền hình Bắc Kinh, từng đạo diễn rất nhiều phim tài liệu về các lãnh tụ Trung Quốc như Giang Trạch Dân, Đặng Tiểu Bình..., ấp ủ từ những năm 90, trước khi tác phẩm Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương của Trần Kiếm Qua, người vợ Trung Hoa của Nguyễn Sơn, phát hành tại Trung Quốc. Chờ đợi gần mười năm, bộ phim vẫn chưa có cơ hội thực hiện bởi rất nhiều lý do. Và phải đến tận tháng 5-2001, khi Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội đến thăm và làm việc với Đài Truyền hình Vân Nam, ý tưởng sản xuất bộ phim Lưỡng quốc tướng quân của Chử Gia Hoa (lúc này đã chuyển từ Đài Truyền hình Trung ương Bắc Kinh sang Đài Truyền hình Vân Nam) mới trở thành hiện thực. Tháng 9-2001, một bản ghi nhớ giữa hai đài truyền hình được ký kết. Tại Trung Quốc, Chử Gia Hoa bắt tay viết kịch bản phim, chuyển thể từ tác phẩm Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương. Phía Hà Nội bắt đầu tìm các nhân chứng. Ba tháng sau, ngày 21-1-2002, Chử Gia Hoa cùng Đặng Tiểu Bân (quay phim), Lý Minh (kỹ thuật kiêm thư ký) tới Hà Nội, quay những cảnh đầu tiên về cuộc đời vị tướng  đặc biệt này.

Nguyễn Sơn qua hồi ức của những đồng chí, đồng đội.- Suốt một tháng, cùng bảy thành viên của Công ty Nghe Nhìn Hà Nội, đoàn làm phim đã đi qua rất nhiều nơi, từ Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, TPHCM tìm gặp nhân chứng. Cả năm người trong số sáu người con (do một người - Nguyễn Việt Hồng - đang nằm viện) của tướng Nguyễn Sơn đều có mặt trong bộ phim này, đó là Vũ Thanh Các, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thanh Hằng, Nguyễn Cương, Nguyễn Mai Lâm. Trong số những nhân chứng đoàn làm phim tìm gặp, có những vị tướng đã già, có những người còn rất trẻ, có người đã gặp tướng Nguyễn Sơn nhiều lần nhưng cũng có người mới chỉ nghe tên ông. Cảm động nhất là cuộc gặp gỡ để hồi tưởng những kỷ niệm về Nguyễn Sơn của cán bộ, học viên khóa 2 Trường Võ bị (nay là Trường Lục quân 1 - Sơn Tây). Những vị tướng già, có người đã gần 80 như Trung tướng Đỗ Văn Đức (nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng), Trung tướng Trịnh Trân (nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Biên phòng), Đại tá Trần Hậu Tưởng... ngực đeo đầy huy chương, cảm động kể lại những hồi ức về Nguyễn Sơn thời trai trẻ. Trung tướng Đỗ Văn Đức cũng là người đã từng tham dự lễ cưới của tướng Nguyễn Sơn với bà vợ người Việt Nam Lê Hằng Huân và buổi phong tướng cho ông tại Thọ Xuân, Thanh Hóa trong năm 1948. Cảm động nữa là dù đi đâu, đoàn cũng nhận được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của người dân địa phương. Vội vàng từ Nha Trang vào TPHCM để có thể quay những rặng dừa và cánh đồng hai bên đường, chỉ kịp mua vé ngồi (loại ghế cứng) nhưng khi trình bày với trưởng tàu lý do, “nhà tàu” đã nhiệt tình cho đoàn cả một khoang giường để có thể quay phim. Một chuyện nữa cũng được những người làm phim nhớ đến, đó là sự mến khách của ông chủ nhà số 1 đường Nguyễn Sơn, Gia Lâm, Hà Nội, ngôi nhà cũ của gia đình tướng Nguyễn Sơn. Mùng ba Tết, trời mưa lạnh đến thấu xương, cái không khí ngại ngùng khi mời người lạ vào nhà ngày Tết vẫn còn nhưng ông chủ nhà rất nhiệt tình khi được đoàn làm phim mời phỏng vấn. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng những bạn chiến đấu của ông cũng đã làm cho không ít người trong đoàn ngạc nhiên vì thái độ cởi mở của mình.

Cháu ngoại tướng Nguyễn Sơn làm thông dịch viên cho đoàn phim.- Có một điều bất ngờ là khi tìm nhân chứng chuẩn bị cho đoàn làm phim Trung Quốc sang Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Công ty Nghe Nhìn Hà Nội, mừng như bắt được vàng khi tìm được một phiên dịch “người nhà”. Người nhà theo đúng nghĩa đen, bởi đó chính là cháu ngoại của tướng Nguyễn Sơn, con gái người con thứ năm Nguyễn Thanh Hà của ông: Hà Tường Thu, sinh năm 1975, hiện là phóng viên ban tiếng Trung của Báo Ảnh Việt Nam. Chị từng tốt nghiệp khoa tiếng Trung Đại học Văn hóa Ngôn ngữ Bắc Kinh, nói tiếng Trung lưu loát như tiếng Việt và rất nhiệt tình làm phiên dịch cho đoàn phim nói về chính ông ngoại mình, xem đây là một điều may mắn. Lúc nào, chi cũng thấy trong người dâng lên cảm giác xúc động bởi những câu chuyện về ông. Có một lần, trong lễ chào cờ ở quảng trường Ba Đình, khi nghe bài hát Tiến quân ca vang lên hào hùng, nghĩ về ông ngoại, chị đã khóc. Một lần nữa, ở Thanh Hóa, khi quay cảnh núi rừng trùng điệp cuối buổi chiều, đạo diễn Chử Gia Hoa nói với Thu rằng ông rất khâm phục ông ngoại của cô: đang là công tử Hà Nội, giàu như thế mà lại bỏ tất cả đi hoạt động cách mạng, chịu bao nhiêu khó khăn gian khổ. Thu bảo lúc ấy chị nghĩ mà thương ông nhưng cũng hãnh diện về ông vô ngần.

Sau khi hoàn thành phần quay ở Việt Nam, ngày 25-2, ông Chử Gia Hoa và đoàn làm phim Trung Quốc đã quay trở về thực hiện nốt phần còn lại tại Trung Quốc. Ông Đào Quang Thép, Phó Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội cho biết dự kiến tháng 5-2002, bộ phim sẽ hoàn thành và Đài Truyền hình Vân Nam sẽ gửi sang Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội một số bản phim để có thể phát sóng phục vụ nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước.

 Vài dòng tiểu sử

Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, sinh ngày 1-10-1908 tại Hà Nội trong một gia đình giàu có. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Bắc Kỳ ở Hà Nội, năm 16 tuổi ông sang Trung Quốc tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, trở thành một trong những người cộng sản Việt Nam thời kỳ đầu, tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu). Trong hơn 20 năm hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, ông đã được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phong cấp thiếu tướng và phong tặng ba loại Huân chương Hạng nhất.

Ông trở về Việt Nam lúc nước ta bước vào thời kỳ kháng chiến lâu dài. Ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam và tháng 1-1948, ông được Hồ Chủ tịch sắc phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông bị bạo bệnh mất năm 48 tuổi tại quê nhà Việt Nam.

(Trích dựa theo Hồi ký Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương của tác giả Trần Kiếm Qua, người vợ Trung Hoa của Nguyễn Sơn)