Nhà “xuất nhập khẩu văn hóa” Hữu Ngọc
Hẹn đi hẹn lại, cuối cùng nhà văn hóa Hữu Ngọc mới dành cho tôi một cái lịch tiếp vào lúc 5 giờ chiều. Ông bảo “3 giờ tôi tiếp khách Pháp, 4 giờ tiếp khách Mỹ, 5 giờ sẽ tiếp cô”. Lịch làm việc của nhà văn hóa được mệnh danh là “nhà xuất nhập khẩu văn hóa” ở tuổi 89 thật đáng nể!
. Phóng viên: Thường xuyên tiếp xúc với khách nước ngoài, mỗi khi phải giới thiệu về Việt Nam, ông thường ngắn gọn điều gì? Đâu là điều mà ông hay phải diễn giải nhiều nhất với người nước ngoài?
- Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Điều đầu tiên mà tôi phải nói với họ là văn hóa Việt Nam khác văn hóa Trung Quốc. Nhiều người cứ tưởng Việt Nam là cái đuôi của văn hóa Trung Quốc vì đến đền chùa toàn thấy chữ Nho cả. Tôi phải nói với họ, văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa độc đáo, không Tàu, không Tây, có thể coi nó như một cây đa mà từ gốc chia làm 4 cành là bốn thời kỳ và bốn ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài. Gốc rễ của nó là nền văn minh sông Hồng, điển hình cho văn hóa lúa nước của các nước Đông Nam Á, xuất hiện cách đây 3.000 năm vào thời kỳ đồ đồng. Còn bốn cành thì có thể nói, cành đầu tiên là 2.000 năm ta chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, trong đó có 1.000 năm bị đô hộ và 900 năm các triều đại vua độc lập. Tuy ảnh hưởng nhưng ta vẫn giữ được bản sắc dân tộc, chống lại những yếu tố Trung Quốc không thích hợp và tiếp thu những gì thích hợp để hình thành những giá trị mới. Cành thứ hai là 80 năm Pháp đô hộ ta (1858-1945) với diễn biến văn hóa tương tự. Cành thứ ba là thời kỳ từ tháng 8-1945 đến năm 1986. Đây là thời kỳ cách mạng và 30 năm chiến tranh, miền Bắc xây dựng XHCN, miền Nam ảnh hưởng của phương tây. Cành cuối cùng là thời kỳ mở cửa, chấp nhận nền kinh tế thị trường từ năm 1986 đến nay. Với khuynh hướng hội nhập ngày càng tăng, chúng ta vẫn đang trong quá trình, một mặt chống lại những ảnh hưởng không thích hợp, đồng thời mở cửa đón nhận những gì hợp với ta, luôn luôn bảo vệ truyền thống đi cùng hiện đại hóa... Nhưng đấy mới chỉ là cái khung, còn những điều hay nằm ở nội dung.
Sáng 1-12, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã cùng các dịch giả Thúy Toàn, Nguyễn Quang Thiều, Thu Hà, Xuân Hồng dự lễ ra mắt cuốn Truyện kể dân gian Na Uy do đại sứ quán Na Uy và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức. Ở tuổi 89, ông vẫn miệt mài làm việc, dịch sách, viết báo, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa. Khi tôi hỏi, trong cả cuộc đời làm việc miệt mài của mình, điều gì làm ông hạnh phúc nhất? Ông cười, rất hạnh phúc. “Hạnh phúc nhất là suốt mấy chục năm nay, những cuốn truyện cổ do tôi dịch luôn được tìm đọc. Có gia đình không phải chỉ hai mà tới ba thế hệ đều đọc cuốn Truyện cổ Grim tôi dịch từ tiếng Đức cách đây đã hơn bốn chục năm”. H.L.Anh |
. Vậy những nội dung ấy là gì, thưa ông?
- Khoảng 7-8 năm trước, không ít người thường thắc mắc với tôi những điều ngoắt ngoéo về tôn giáo, tự do dân chủ. Nhưng những năm gần đây, khách nước ngoài chủ yếu là muốn tìm hiểu về cuộc sống, phong tục tập quán văn hóa của ta.
Điều ngạc nhiên nhất đối với khách Pháp, Mỹ là họ chờ đợi ở dân mình sự thù oán nhưng lại nhận về sự cởi mở. Thắc mắc ấy, họ đem hỏi tôi, nhờ tôi cắt nghĩa. Câu này, muốn trả lời khoa học thì phải có những điều tra xã hội học, và trong lúc chờ đợi những cuộc điều tra như thế, tôi thường nói với họ về những ảnh hưởng của Hồ Chí Minh. Ông Hồ đã làm được điều rất hiếm người làm được, đó là sử dụng chính sách “tâm công” của Nguyễn Trãi, đánh vào trái tim con người, có chính sách đối đãi nhân đạo với tù binh, cho họ hiểu chiến tranh là phi nghĩa. Những năm chiến tranh, tôi làm trưởng ban giáo dục tù hàng binh Âu-Phi nên rất hiểu điều này. Thứ hai là về tư tưởng, nước ta 90% dù không đi chùa vẫn theo đạo Phật, ai cũng có “Phật tính”, sau mỗi cuộc chiến tranh bao giờ cũng có những cuộc tế cho cả lính ta lẫn địch nên không có oán thù. Cuối cùng tôi nói cho họ hiểu, chính sách của nước ta là chính sách của một nước nhỏ nên mỗi lần đánh thắng luôn nghĩ đến việc hòa hảo với nước xâm lược. Chính vì những điều này mà dân ta luôn cởi mở, không ôm sự thù hằn trong tim.
. Ông vừa nói đến những ngày làm trưởng ban giáo dục tù hàng binh Âu-Phi. Có phải chính những ngày đó đã đưa ông rẽ ngang, trở thành một nhà “xuất nhập khẩu văn hóa” thay vì một người dạy học?
- Theo tôi, 70% cuộc đời do ngẫu nhiên. Nói có vẻ duy tâm, nhưng tôi tin vào sự ngẫu nhiên khoa học. Tốt nghiệp tú tài, tôi vào học trường luật, sau đó lại rẽ ngang làm thầy giáo. Kháng chiến chống Pháp, tôi lại được giao làm trưởng phòng giáo dục tù, hàng binh Âu-Phi, trong đó có khoảng 600 tù binh người Đức. Hồi ấy tôi chỉ biết tiếng Anh và Pháp, còn tiếng Đức thì có biết gì đâu. Thế là trong suốt quãng thời gian dẫn tù binh từ chiến khu Việt Bắc sang Vân Nam, tôi vừa đi vừa học tiếng Đức từ một cuốn sách dạy tiếng Đức qua tiếng Pháp mà tôi tình cờ có được.
![]() |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc với Đại sứ Na Uy tại VN |
Theo cách của tôi, nếu có 1.000 từ thì giao tiếp được, có 3.000 từ thì đọc sách được, mấy tháng dẫn tù binh, tôi cũng đọc hết một cuốn tiểu thuyết trinh thám tiếng Đức. Năm 1964, Bác tiếp một đoàn quốc hội từ Cộng hòa Dân chủ Đức sang, tôi cũng được huy động để đi dịch. Đấy, mọi thứ nó ngẫu nhiên như thế. Ngẫu nhiên mình đi dạy học, rồi lại ngẫu nhiên làm công tác địch vận, viết báo, trở thành tổng biên tập những tờ báo đối ngoại, giám đốc NXB Ngoại văn, ngẫu nhiên trở thành một người “xuất nhập khẩu văn hóa” như mọi người vẫn gọi.
. Rất nhiều người nước ngoài đã bày tỏ rằng, chỉ bằng những lần gặp gỡ ngắn ngủi với ông, nghe ông nói chuyện mà họ có thể hiểu về Việt Nam nhiều hơn đọc nhiều cuốn sách. Ông có bí quyết gì chinh phục họ?
- Tôi thường dùng những câu chuyện lịch sử và văn hóa bởi trong lịch sử có văn hóa, trong văn hóa có lịch sử, nó tuy 2 mà 1. Mỗi câu chuyện đều xuất phát từ một cảm tưởng cá nhân về một nét văn hóa, từ đó ngược thời gian và suy diễn về tương lai, so sánh sự khác nhau giữa Việt Nam và các nước khác. Tôi cũng giới thiệu những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam để làm nổi bật tính độc đáo của bản sắc dân tộc, những điểm khác với các nền văn hóa khác
. Đã vào tuổi 90 nhưng mỗi năm, ngoài viết hàng chục bài báo, ông còn hàng chục buổi nói chuyện, thuyết trình văn hóa Việt Nam cho quan khách nước ngoài, từ những người ngôi cao chức trọng đến khách du lịch bình thường, điều gì đã khiến ông có động lực làm việc miệt mài như vậy?
- Tôi thích công việc của mình, tôi làm mà coi như là chơi vậy thôi. Cũng phải nói thêm là tôi rất vui khi được giới thiệu văn hóa cho nhiều đối tượng khác nhau. Mỗi cuộc nói chuyện, tôi đều coi là một trận bóng đá quốc tế, nếu mình giới thiệu hay mà người ta thích thì coi như mình đã thắng. Có lần tôi có cuộc nói chuyện với hơn 50 giáo sư là cựu sinh viên của các trường ĐH rất nổi tiếng của Mỹ như Harvard, Yale, Standford... kết thúc buổi nói chuyện ấy, họ đã mua của tôi tới 27 cuốn Wandering through Vietnamese culture (Lãng du trong văn hóa Việt Nam). Thế là thắng rồi. Một lần khác, cũng sau buổi nói chuyện với một số vị khách Mỹ, có người nắm tay tôi mà nói, “nếu được nghe ông sớm, biết đâu đã không có chiến tranh Việt Nam”. Có thể vì xúc động nên họ nói thế, nhưng tôi trân trọng tình cảm ấy.
. Lại nói về cuốn Lãng du trong văn hóa Việt Nam, mấy ngày trước, ông vừa vào TPHCM giới thiệu bản tiếng Việt cuốn sách này. Có gì đặc biệt so với bản tiếng Anh đã được tặng Giải sách vàng Việt Nam 2006?
- Nó có 3 ấn bản bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh. Đây là cuốn sách tập hợp gần 600 bài viết về văn hóa Việt Nam mà tôi đã viết trong mười mấy năm trời. Vì đối tượng độc giả khác nhau nên mỗi ấn bản, tôi lại viết với một giọng điệu khác nhau chứ không chỉ đơn thuần chỉ là chuyển ngữ. Mỗi bài viết, tôi coi như một cuộc dạo chơi và muốn độc giả tham gia cùng mình, qua đó, cùng họ hiểu và yêu sâu sắc hơn nữa con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.
50 năm cầm bút Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh năm 1918 tại Hà Nội, quê gốc ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập, Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương “Ngôi sao phương Bắc”, Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm và giải “Lời Vàng” cùng nhiều danh hiệu cao quý khác. Với tri thức sâu rộng, ông sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, sử dụng được chữ Hán. Hơn 50 năm cầm bút, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã cho ra đời một loạt tác phẩm viết về kho tàng văn hóa phong phú của nhiều dân tộc. Đó là Phác thảo chân dung văn hóa Pháp, Mảnh trời Bắc Âu-Văn hóa Thuỵ Điển, Hồ sơ văn hóa Mỹ, Chân dung văn hóa Nhật Bản, Chìa khóa để biết và hiểu Lào. Để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hơn chục năm trời cho Le Courrier Viet Nam (tiếng Pháp) và Vietnam News (tiếng Anh). Những bài viết đó đã được tập hợp thành một cuốn sách Lãng du trong văn hóa Việt Nam với 3 ấn bản bằng tiếng Anh, Pháp và Việt Nam. Y.Anh |